Doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận giảm phần lớn lãi để có thanh khoản

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu: “Phải thực hiện câu của ông bà mình: thà bán lỗ để cắt lỗ, để biết mình còn lại bao nhiêu tài sản, bao nhiêu tiền của còn hơn là đeo theo cái kỳ vọng ảo về lợi nhuận, có khi chết chìm, mất hết tài sản vì không bán được hàng. Bán hàng để có tiền, có thanh khoản là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp”.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm
Các chuyên gia tham dự tọa đàm

Ngày 13-1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" với sự tham dự các vị khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) năm 2023.

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, tại TPHCM, hiện có 149 dự án vướng mắc cần được các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh thành liên quan nỗ lực xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình như quy trình thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính… Trong khi chờ Chính phủ ban hành quy định chung thì địa phương phải xem xét thực hiện chứ không phải chờ. Phải khắc phục được tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn cho thị trường BĐS, phát triển an toàn, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bởi khi nới room 1,5-2% thì cuối cùng mới giải quyết bơm được 0,5%, trong lúc chờ room mới, đề nghị cho phép ngân hàng nhanh chóng đưa nguồn tín dụng đó vào trong cuộc sống.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu (trái) và chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu (trái) và chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Về phía doanh nghiệp, phải nâng cao trách nhiệm để cùng tham gia với nhà nước, cùng với khách hàng, người chủ trái phiếu của mình để tìm giải pháp, chẳng hạn giảm giá bán 45%, 50%, chiết khấu sâu, chuyển đổi trái phiếu. Doanh nghiệp thậm chí phải sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể cơ cấu lại, tái cấu trúc lại, tái cơ cấu lại đầu tư.

“Phải thực hiện câu của ông bà mình: thà bán lỗ để cắt lỗ, để biết mình còn lại bao nhiêu tài sản, bao nhiêu tiền của còn hơn là đeo theo cái kỳ vọng ảo về lợi nhuận, có khi chết chìm, mất hết tài sản vì không bán được hàng. Bán hàng để có tiền, có thanh khoản là nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Mặt khác, đối với các đơn vị đáo hạn trong năm 2023, đề nghị không họ sang nhóm nợ xấu hơn. Muốn như thế phải có chấp thuận gia hạn 1 năm để doanh nghiệp tái cấu trúc lại; sau 6 tháng, 1 năm sẽ đánh giá lại tình hình và có thể điều chỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đồng tình, những vấn đề mà Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đề cập là thực chất của thị trường BĐS hiện nay như pháp lý, vốn, luật, cung - cầu đối với dự án nhà ở bình dân.

“Chính phủ và Bộ Xây dựng đã chỉ đạo chưa, các cấp, các ngành đã chỉ đạo về việc lập quy hoạch để đảm bảo kết nối dự án thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hay chưa? Cần xem xét lại những giải pháp trước đây đã làm được gì và hiện nay còn tồn tại vấn đề gì để giải quyết tiếp”, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, ngân hàng đã đặt BĐS là lĩnh vực rủi ro, khi cho vay phải xem xét rất thận trọng, dự án phải đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ pháp lý thì đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng.

“Người dân có nhu cầu tiếp cận vốn mua nhà ở thì gần như tất cả đều tiếp cận được để mua nhà. Với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý thì ngân hàng không khuyến khích. Tỷ lệ cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn sẽ dần theo thông lệ quốc tế, đến tháng 10-2023 đưa về 30% phù hợp với thực tiễn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong tình thế hiện nay, doanh nghiệp BĐS chấp nhận giảm lãi, trước đây 10 phần giờ giảm đi còn 3 phần, 7 phần để cho người dân hưởng, lúc đó dòng vốn sẽ luân chuyển, vì giá cao thì ngân hàng không dám cho vay vì không có dòng tiền. Doanh nghiệp cũng không thể đưa ra 10 dự án nhưng chỉ có 2 dự án đầy đủ pháp lý, 8 dự án đang hoàn thiện vốn nằm đấy, ngân hàng khó mà cho vay. Chính phủ cũng chỉ tháo gỡ cho các dự án đã đầy đủ tính pháp lý và có hiệu quả, giá hợp lý với thị trường, sản phẩm đáp ứng được đa số yêu cầu của người dân, như thế mới lành mạnh được thị trường BĐS.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, muốn phát triển thị trường BĐS lành mạnh, còn rất rất nhiều việc phải làm trong trung và dài hạn. "Bài học của Trung Quốc vừa qua là cần tháo gỡ khó khăn để dòng tín dụng tiếp tục vào các dự án đảm bảo một số điều kiện nhất định, không quá ngặt nghèo. Mặt khác, để cho các doanh nghiệp tiếp tục phát hành được trái phiếu, có thể là đảo nợ, có thể là triển khai dự án cho dòng tiền tiếp tục. Đồng thời, chuyển dịch chính sách để tập trung phát triển quan hệ cung cầu thật, như nhà ở thương mại giá phải chăng, hoặc là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội”, chuyên gia Võ Trí Thành phân tích.

Theo ông, trong giai đoạn khó khăn này, không phải chúng ta chỉ sửa, chỉnh. Vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời cũng cần nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường này, tái cấu trúc, cải tổ thị trường này từ cấp vĩ mô (cấp chính sách), cho đến cấp vi mô (cấp doanh nghiệp) để thị trường bật dậy…

Tin cùng chuyên mục