Doanh nghiệp Đà Nẵng tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Mặc dù gặp khó khăn do nhiều yếu tố, các doanh nghiệp Đà Nẵng nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, vì thế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó linh hoạt với tình hình mới nhằm giữ vững sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp chủ động ứng phó linh hoạt với tình hình mới nhằm giữ vững sản xuất, kinh doanh

Tìm giải pháp phục hồi

Theo ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như lạm phát ở các nước châu Âu khiến sức mua tại thị trường chủ lực giảm mạnh. Một số bạn hàng phải gia hạn thời gian nhận hàng, thậm chí hủy đơn hàng dẫn đến đầu ra các sản phẩm gỗ có thời điểm bị chững lại, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao. Dù gặp khó khăn nhưng công ty vẫn đầu tư máy móc, trang thiết bị để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và xây dựng nhà xưởng mới với diện tích 1.400m2, từ đó tăng công suất sản xuất lên thêm 15-20%.

Khởi công dự án “Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial, nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm” với tổng vốn 917 tỷ đồng vào đầu tháng 6, Công ty CP Cao su Đà Nẵng - DRC (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) kỳ vọng tăng sản lượng lốp Radial thêm 10% vào năm 2022.

Sản xuất lốp xe tải Radial tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc DRC cho hay, bước vào giai đoạn 3 (2023-2024), dự kiến công suất lốp Radial hằng năm của DRC sẽ đạt 900.000 - 1 triệu chiếc/năm, qua đó sẽ tăng doanh thu của công ty cũng như tạo nhiều việc làm cho người lao động. Song song đó, DRC linh hoạt chuyển đổi trọng tâm giữa các thị trường xuất khẩu để duy trì đà xuất khẩu. Cụ thể, DRC có 2 thị trường xuất khẩu chính là Brazil và Hoa Kỳ lần lượt chiếm 60% và 35% doanh thu xuất khẩu năm 2021. Hiện DRC chủ yếu tập trung vào thị trường Brazil do vẫn được hưởng lợi thế về thuế so với các đối thủ cạnh tranh và giá bán sản phẩm trung bình cao hơn so với ở Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp Đà Nẵng tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 2 Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29/3 

Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, Công ty CP Dệt may 29/3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa và công nghệ xử lý nước thải. Đặc biệt, đơn vị này còn tận dụng tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu. Với đà phục hồi tốt của thị trường, đơn vị có đơn hàng ổn định để bảo đảm việc làm, thu nhập cho gần 4.000 lao động.

Thích nghi để phục hồi nhanh

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục duy trì, gói hỗ trợ cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu - một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, được tăng cường và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cước phí logistics liên tục tăng cao là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: Cục Thống kê TP Đà Nẵng)

Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 chiều đạt 1.728 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.026 triệu USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 702 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2022 như: gỗ và các sản phẩm bằng gỗ; nhôm vụn; hàng dệt may; thủy sản; đồ thủ công mỹ nghệ; đô chơi trẻ em; cao su thành phẩm; sản phẩm điện tử....

Giai đoạn 2022-2023, ngành công thương Đà Nẵng tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở Công thương Đà Nẵng kịp thời nắm bắt và đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất xuất khẩu.

Chương trình kết nối doanh nghiệp toàn quốc lần thứ 2 -2022 tại Đà Nẵng
Ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, hiện doanh nghiệp thành phố còn đang đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 như chi phí đầu vào, chi phí logistics tăng, thiếu hụt nguyên liệu… Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm thêm đơn hàng trong nước, nước ngoài nhằm mở rộng sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp cũng nắm bắt các chính sách hỗ trợ về thuế, lệ phí để tính toán xoay vòng, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất để tăng tốc phục hồi và phát triển.

Tin cùng chuyên mục