Doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng: Vì sao chậm xử lý?

Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ phải xử lý triệt để hoặc phải di dời vào khu sản xuất tập trung. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 37 doanh nghiệp cần phải thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm. Trong đó, có 2 đơn vị liên doanh, 20 doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương, 14 doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố và 1 doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 2003 đến nay đã có 31 doanh nghiệp hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, 6 doanh nghiệp còn lại chậm xử lý. Vậy nguyên nhân do đâu?
Doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng: Vì sao chậm xử lý?

Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ phải xử lý triệt để hoặc phải di dời vào khu sản xuất tập trung. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 37 doanh nghiệp cần phải thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm. Trong đó, có 2 đơn vị liên doanh, 20 doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương, 14 doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố và 1 doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 2003 đến nay đã có 31 doanh nghiệp hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, 6 doanh nghiệp còn lại chậm xử lý. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 vẫn chưa khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường. Ảnh: KIM NGÂN

Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 vẫn chưa khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường. Ảnh: KIM NGÂN

Chậm do DN trực thuộc bộ chủ quản?

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, 6 doanh nghiệp còn lại là Nhà máy Đóng tàu Ba Son, Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Công ty Liên doanh TNHH tole Posvina và Công ty TNHH Việt Thắng Jean. Nhanh nhất cũng phải đến hết quý 2-2011, còn chậm thì đến năm 2015 các nhà máy mới khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy Bia Sài Gòn cam kết phải hết quý 2-2011 mới hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn phải đến ngày 30-6 mới di dời toàn bộ trang thiết bị, máy móc ra khỏi địa điểm Trần Phú, quận 5. Tương tự, đại diện Công ty Liên doanh TNHH Posvina cho biết, hiện công ty đã được UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý tiếp nhập vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, xã Nhơn Phú nhưng để ngưng hoạt động tại quận 9 và di dời phải cuối năm 2012. Riêng trường hợp Công ty Xi măng Hà Tiên và Công ty TNHH Việt Thắng Jean cam kết khắc phục ô nhiễm môi trường tại chỗ. Thế nhưng cho đến nay, tại 2 công ty này thanh tra môi trường vẫn thường phát hiện các đơn vị tồn tại những hành vi vi phạm môi trường. Còn Nhà máy Đóng tàu Bason thì phải đợi đến năm 2015 mới có thể di dời ra Vũng Tàu.

Lý giải thực tế trên, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, đây là các cơ sở trực thuộc trung ương nên việc các bộ ngành chủ quản chậm hỗ trợ, đẩy nhanh tiến trình thực hiện xử lý triệt để gây ô nhiễm đã ảnh huởng đến tiến độ khắc phục ô nhiễm của các doanh nghiệp. Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết thêm, việc các doanh nghiệp chậm di dời trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức trong đầu tư bảo vệ môi trường; trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hiện nay của nước ta còn ở mức thấp nên nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận với một mô hình công nghệ phù hợp; chính sách hỗ trợ chậm triển khai nhất là hỗ trợ về đất đai; việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công tác xử lý đã được thực hiện nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn; nhận thức về bảo vệ môi trường của nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế…

Buộc doanh nghiệp phải khắc phục tạm thời

Ông Đào Anh Kiệt cho biết thêm, trong khi 6 doanh nghiệp trên chưa khắc phục triệt để ô nhiễm, sở thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử phạt, buộc các doanh nghiệp phải áp dụng nhiều giải pháp xử lý tạm thời, giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể, đối với Nhà máy Đóng tàu Ba Son đã có chủ trương di dời và xác định vị trí di dời ra Vũng Tàu theo quy hoạch phát triển ngành nên không thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại chỗ. Do vậy, theo giải trình của nhà máy đã xây dựng 2 dự án “Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp” và “Thiết kế chế tạo lò đốt rác để xử lý chất thải công nghiệp” là không được chấp thuận.

Hiện để giảm thiểu tác động ô nhiễm, nhà máy đã thực hiện sản xuất trong phân xưởng kín. Đồng thời, chuyển một phần hoạt động sản xuất xuống Nhà Bè, Cần Giờ. Riêng địa điểm tại quận 1 chỉ đóng mới, không sửa chữa. Hiện UBND TPHCM đã tạm ứng 200 tỷ đồng để di dời nhà máy đến cảng Cái Mép - Vũng Tàu. Còn đối với Nhà máy Xi măng Hà Tiên hiện đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi và trang bị các hệ thống xử lý bụi tĩnh điện, lọc tay áo.

Tuy nhiên do công nghệ sản xuất quá lạc hậu (đang vận hành 3 máy nghiền nhưng một máy thì đầu tư năm 1964, 2 máy còn lại thì đầu tư năm 1980 và 2000) nên tình trạng phát sinh ô nhiễm bụi là khó tránh khỏi. Vì vậy, công ty đã phải buộc ngưng hoạt động máy nghiền đầu tư từ năm 1964 - một trong những máy phát sinh ô nhiễm bụi lớn nhất và kho hở. Về phía Nhà máy Bia Sài Gòn (Nguyễn Chí Thanh, quận 5) hiện đã di dời một phần vào Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi, giảm công suất sản xuất từ 240 triệu lít/năm xuống còn 160 triệu lít/năm.

Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải 1.200m³/ngày đêm, nhưng do bị quá tải nên chất lượng nước thải chưa đạt yêu cầu. Công ty đang thực hiện khắc phục thêm và sẽ hoàn tất vào quý 2-2011. Còn Công ty liên doanh TNHH Posvina trong khi chờ di dời ra Đồng Nai thì hiện đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải của lò nung mạ kẽm và dự kiến sẽ hoàn thành vào 11-2011. Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã giảm công suất sản xuất và cam kết vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải. Trong trường hợp nước thải không đạt yêu cầu thì sẽ ngưng hoạt động sản xuất.

Có thể nói, chủ trương xử lý triệt để doanh nghiệp gây ô nhiễm là chủ trương đúng, phù hợp với mục đích phát triển nhanh, bền vững mà nhà nước ta đang theo đuổi. Tuy nhiên, để chủ trương trên sớm gặt hái hiệu quả rất cần sự chung tay, đồng lòng của xã hội, nhất là các bộ ngành chủ quản của các doanh nghiệp trực thuộc trung ương. Có như vậy mới sớm trả lại môi trường sống xanh, sạch cho người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục