Những ngày gần đây, doanh nghiệp nhập khẩu khốn đốn với Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sắp có hiệu lực. Theo đó, từ 1-1-2016, thuế suất thuế TTĐB điều chỉnh tăng, giá tính thuế bị chuyển đổi từ giá nhập khẩu sang giá bán ra của đối tác, khiến cách tính thuế thêm rối! Với quy định mới này, những người kinh doanh mặt hàng có thuế TTĐB cho biết, thị trường sẽ biến động, giá một số mặt hàng sẽ tăng đột biến.
Hướng dẫn thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TPHCM. (Ảnh: CAO THĂNG)
Khó hiểu = dễ nhũng nhiễu!
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung có hiệu lực vào ngày 1-1-2016 quy định mức thuế suất thuế TTĐB tăng khoảng 5% so với trước (ví dụ, mặt hàng rượu mạnh, bia từ 50% tăng lên 55%; rượu nhẹ từ 25% tăng lên 30%...). Doanh nghiệp không lo lắng về việc tăng thuế suất, mà chính các quy định về giá tính thuế mới khiến doanh nghiệp hoang mang vì phức tạp, khó hiểu. Cụ thể, căn cứ tính thuế TTĐB được quy định tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Một doanh nghiệp nhập khẩu bức xúc: Việc dùng giá bình quân của cơ sở thương mại (của đối tác) bán ra để làm căn cứ thuế cho đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu là rất mơ hồ. Doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán cho cơ sở thương mại thì lấy giá bán của họ để tính thuế, sao lại dùng giá bán ra của cơ sở đối tác áp thuế ngược lại cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được. Còn bà Bùi Thị Ngọc Định, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú & Em, phản ứng với quy định “Nếu giá bán của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, thì giá tính thuế TTĐB do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”. Thông tư 195/2015/TT-BTC đã quy định thêm, đó là “giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”. Vậy với những thương hiệu độc quyền, không có sản phẩm cùng loại thì sẽ lấy giá nào, cơ quan thuế ấn định giá dựa vào đâu… Theo bà Định, nếu không quy định rõ điều này thì dễ dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực thi!
Một số doanh nghiệp khác cũng than rằng, các văn bản hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này rất khó hiểu. Cụ thể như quy định “cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá quy định và chỉ hưởng hoa hồng thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất quy định chưa trừ hoa hồng” đang có rất nhiều tranh cãi, vì điều này không đúng với tinh thần của luật. Bà Nguyễn Bảo Phượng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TMDVDL Tri Tâm, lập luận nếu lấy giá bán chưa trừ hoa hồng để tính thuế TTĐB thì có nghĩa là lấy cả lợi nhuận của doanh nghiệp, của người kinh doanh thương mại đưa vào tính thuế. Với những quy định không rõ ràng, khó hiểu đó, chắc chắn sẽ gây tranh cãi cho các doanh nghiệp với cơ quan thuế.
Ông Đặng Lê Hiền Hòa, người kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, rượu bia, còn cho biết những sản phẩm bia, rượu nhẹ thường quy định thời hạn sử dụng, nên lúc cận đát (date) các doanh nghiệp thường bán xả hàng với giá rẻ hơn, nhưng với mức ấn định không thấp hơn 7% thì doanh nghiệp đã bị lỗ, mà còn phải chịu thuế theo mức ấn định của cơ quan thuế là điều không hợp lý, không phù hợp với thực tế ngành hàng.
Có trái luật?
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra (chưa có thuế TTĐB, chưa có thuế bảo vệ môi trường, chưa có thuế giá trị gia tăng). Tại Điều 6 của luật này quy định rõ về giá tính thuế TTĐB như sau: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Như vậy, luật quy định đối với hàng nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá mua có thuế nhập khẩu, thế nhưng các văn bản hướng dẫn luật lại “đổi thái cực” khi chuyển từ giá do nhà nhập khẩu bán ra thành giá bán ra của cơ sở kinh doanh thương mại (giá bán) làm chuẩn rồi trừ đi 7%. Điều này khiến cho giá tính thuế tăng đột biến. Bởi giá nhập khẩu là 1 đồng nhưng giá bán trên thị trường có thể tăng gấp đôi, khi đó số thuế cũng tăng theo. Ông Nguyễn Công Khanh, Giám đốc thương mại Công ty cổ phần So La Hùng Thịnh, cho biết với thuế suất tăng, cộng với việc thay đổi giá tính thuế thì kể từ 1-1-2016, giá các mặt hàng có thể tăng mạnh. Theo tính toán của ông Đặng Lê Hiền Hòa, chuyên kinh doanh rượu bia, thì chỉ tính riêng giá rượu, bia có thể tăng từ 30% - 50% so với trước.
Ai cũng biết, quy định lần này là nhằm xử lý câu chuyện lách thuế TTĐB của Bia Sài Gòn (tổng công ty bán hàng cho công ty con với giá thấp để né thuế, sau đó công ty con mới bán ra thị trường) trong thời gian qua. Do vậy, trong các văn bản hướng dẫn đã quy định giá tính thuế là giá của doanh nghiệp trực thuộc, doanh nghiệp liên kết bán ra. Thế nhưng, việc quy định cơ sở xác định giá tính thuế từ “giá mua” sang “giá bán”, mà lại là giá bán của các đối tác khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc vì gây khó khăn và khó xác định. Đã vậy, các quy định còn ấn định giá bán không được thấp hơn 7% so với giá trung bình mà doanh nghiệp mua lại bán ra là không phù hợp với nguyên tắc cơ chế thị trường, vì nó hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, quy định này chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp “ngay”, còn doanh nghiệp “gian” vẫn có cách lách bằng cách tạo thêm một công ty làm mắt xích trung gian để né thuế!
HÀN NI