Doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội phải vay với mức lãi suất 14%/năm

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho biết, hiện đang phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm và với mức lãi suất này thì không thể kéo giá nhà ở xã hội giảm xuống.
Ông Lê Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm
Ông Lê Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều ngày 6-2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của TPHCM ở mức 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN, trong đó NHNN giao cho NHNN chi nhánh TPHCM với 22 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có tín dụng bất động sản để hỗ trợ thị trường, cũng như đẩy mạnh gói tín dụng hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp. Với nhiệm vụ của NHNN giao xuống các tổ chức tín dụng, bên cạnh giải pháp hỗ trợ tín dụng bất động sản, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, không chỉ với ngân hàng, mà với doanh nghiệp bất động sản cũng phải tái cơ cấu, tuân thủ các quy định, điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo rủi ro trong hoạt động tín dụng, rủi ro nợ xấu. Với chủ trương của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay đối với nhà ở xã hội, cho cá nhân vay vốn mua nhà để ở.

Trong khi đó, là doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lâu năm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho biết, hiện đang phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm và với mức lãi suất này thì không thể kéo giá nhà ở xã hội giảm xuống. "Chúng tôi phải vay như lãi suất thương mại. NHNN quy định, hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50% trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%, chênh lệch lớn như vậy tại sao ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Tôi đi hỏi nhiều ngân hàng nhưng các ngân hàng cho biết không có quy trình cho vay riêng với dự án nhà ở xã hội”- ông Nghĩa cho hay.

Ông Nghĩa cũng cho biết, mặc dù nhà ở xã hội được Chính phủ khuyến khích nhưng thủ tục hành chính vô cùng khó khăn. Dự án nhà ở xã hội mất ít nhất 5 năm để hoàn thiện. Lợi nhuận định mức của dự án nhà ở xã hội tối đa 10% giá trị đầu tư xây dựng, tức lợi nhuận mỗi năm chỉ 2%, thấp hơn gửi tiền vào ngân hàng. Với mức lợi nhuận này thì sẽ không có doanh nghiệp nào muốn làm.

“Nếu các cơ quan chức năng không sớm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến năm 2030 là rất khó”- ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, thời gian qua, các chính sách chỉ mới hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội song lại không hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến người dân không có nhà để mua, khoản vay hỗ trợ nhà ở xã hội vì vậy cũng không thể giải ngân như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục