Sau thời gian dài làm ăn “thất bát” do ảnh hưởng bởi tình hình suy giảm kinh tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đang dần “hồi sinh” khi đơn hàng dồi dào, doanh số tăng vọt.
Nhiều đơn hàng mới
Nằm khuất trong một con hẻm thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh TPHCM, Công ty TNHH SX TM Cơ khí Tuấn Khanh, chuyên sản xuất bình hơi với diện tích nhà xưởng khoảng 5.000m², nhưng gần 2/3 diện tích chất đầy tấm thép nguyên liệu và hàng chục bình thành phẩm chuẩn bị chất lên xe đi giao cho khách hàng.
Giám đốc Hoàng Văn Khanh cho biết, từ đầu năm 2015, công ty liên tục ký kết nhiều đơn hàng mới. Do đó, ngoài 40 công nhân hiện hữu, công ty phải tuyển gấp thêm 10 thợ lành nghề để kịp tiến độ giao hàng. Riêng vật tư, đa phần nhập khẩu và trả tiền liền nên công ty phải vay thế chấp ngân hàng để đủ tiền xoay sở. “Cũng may mắn là phía đối tác đồng ý trả tiền ngay sau khi giao hàng nên công ty cũng không gặp khó khăn lắm về vốn. Trong quý 1 này doanh số tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, lợi nhuận không bằng trước đây do ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh”, ông Khanh chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo như bao bì nhựa, cơ khí khuôn mẫu… cũng cho biết, lượng khách hàng đầu năm tăng đột biến. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh cũng rất gay gắt do đối tác thăm dò, thương lượng giá trước khi ký kết.
Sản xuất bao bì tại Tổng Công ty Liksin. Ảnh: CAO THĂNG
Dù chưa có báo cáo chính thức, nhưng một số công ty lớn trên địa bàn TPHCM như Tổng Công ty Liksin, Công ty Cổ phần Bao bì Sài Gòn… cho biết, doanh số quý 1-2015 tăng trên 10% và lượng khách hàng mới cũng tăng đáng kể. “Có thể do chuẩn bị hội nhập nên nhiều đối tác trong nước đang mở rộng đầu tư, từ đó gia tăng đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều đối tác nước ngoài cũng đang chuyển hướng từ các nước như Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn nên nhu cầu tìm kiếm đối tác để ký kết cũng nhiều hơn, nhờ vậy, ngoài đơn hàng cũ được duy trì, các công ty có thêm nhiều đơn hàng mới”, một cán bộ phòng kinh doanh của Tổng Công ty Liksin phân tích.
Bức tranh sáng sủa trên cũng trùng khớp với kết quả khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê (GSO). Theo đó, riêng khối doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo - nhóm ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, có gần 70% số doanh nghiệp cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong quý 1 khả quan hơn so với quý 4-2014. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 78% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu tăng và ổn định; chỉ có 22% có đơn hàng xuất khẩu giảm.
Cũng theo điều tra, có đến 87,8% doanh nghiệp nhận định sản xuất kinh doanh trong quí 2 tốt hơn và giữ ổn định so với quí 1; trong khi chỉ có 12,3% số doanh nghiệp dự báo kém hơn. “Quý 1 năm nay có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Nhưng tình hình mới chỉ là tốt hơn so với 5 năm nay chứ chưa phải quay lại với quỹ đạo tăng trưởng cao như thời điểm trước đây. Trong đó, có nguyên nhân sức cầu, đầu tư công đang tăng lên và giá dầu giảm, kích thích môi trường sản xuất kinh doanh”, TS Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định.
Tăng cường chính sách hỗ trợ
Theo các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TPHCM, mặc dù tình hình kinh tế quý 1 có khá hơn, song nội lực của cộng đồng doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của “di chứng” sau thời gian chịu đựng sức suy giảm của nền kinh tế. Do đó, nhà nước, chính quyền cần có giải pháp kịp thời để khơi thông các rào cản, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa Nguyễn Quốc Anh, hiện các doanh nghiệp trong hội không vướng nợ xấu, không tồn kho, 90% phát triển với tăng trưởng bình quân 10%/năm. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư đang cần di dời đến mặt bằng sản xuất ổn định, nhưng không tìm đâu ra mặt bằng và khó tiếp cận vay vốn ưu đãi theo QĐ 38 của TP, đặc biệt với số vốn 2-5 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Tương tự, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho biết, đa số doanh nghiệp trong ngành hiện đang thiếu vốn, bình quân có quy mô khoảng 1.000 công nhân cần vốn khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn khó khăn do không có tài sản thế chấp hoặc đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của TP theo QĐ 38 nhưng vướng nhiều thủ tục nên không vay được. Ngoài ra, trong giai đoạn hội nhập, chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ của TP ngoài việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ máy móc cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu như sợi dệt để các doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ TPP.
Chủ tịch Hội Lương Thực - Thực phẩm TP (FFA) Lý Kim Chi cũng cho biết, khi hội nhập, hơn 80% số doanh nghiệp chưa sẵn sàng, phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, nguồn nguyên phụ liệu đa phần là nhập khẩu, kỹ thuật yếu, cần vốn và rào cản kỹ thuật chưa chuẩn… Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp qua các chương trình xúc tiến thương mại, tập huấn thông tin hội nhập để trang bị kiến thức cho doanh nghiệp, đào tạo tay nghề cho công nhân; quỹ bảo lãnh tín dụng mở rộng quy chế cho vay.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Da Giày TPHCM Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp ngành da giày gặp nhiều thách thức lớn. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là gia công, chưa tự tìm được thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu nguyên liệu hơn 85%, giá luôn phụ thuộc. Máy móc công nghệ trong ngành chỉ có 10% tốt, 30% trung bình, còn lại là yếu kém.
Mặt khác, lao động không ổn định, chưa qua đào tạo, hay vi phạm lỗi xuất khẩu… Do đó, Nhà nước nên có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo, xúc tiến thương mại mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất.
VĂN DIỆU