Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực môi trường tại Việt Nam

Phóng viên: Được biết trong tháng 11-2016, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực môi trường sang tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Vậy nhìn nhận của các doanh nghiệp Nhật Bản sau chuyến khảo sát thực tế thị trường như thế nào?
Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực môi trường tại Việt Nam

Hơn 6.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam với nhiều lĩnh vực từ công nghiệp chế tạo, chế biến thực phẩm, dịch vụ, xây dựng… Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực môi trường sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Đó là khẳng định của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM về vấn đề này.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản

Phóng viên: Được biết trong tháng 11-2016, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực môi trường sang tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Vậy nhìn nhận của các doanh nghiệp Nhật Bản sau chuyến khảo sát thực tế thị trường như thế nào?

Ông TAKIMOTO KOJI: Trong đợt tham khảo thị trường Việt Nam lần này có 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bao gồm các doanh nghiệp chuyên đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho nhà máy sản xuất, chất thải rắn đô thị, nước thải đô thị. Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp thiết kế phần mềm cảnh báo phòng chống nguy cơ liên quan đến thiên tai như bão lũ, ngập lụt, sóng thần…

Nhìn nhận về tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực môi trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Điều này xuất phát từ 2 yếu tố: Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động cải thiện chất lượng môi trường. Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách và tiêu chí nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nay đến năm 2020. Còn thực tế trên thị trường, ngành dịch vụ môi trường Việt Nam còn khá non trẻ. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thường có quy mô vừa và nhỏ nên chưa đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường trong nước. Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp Nhật Bản - vốn có lợi thế mạnh trong lĩnh vực xử lý môi trường tham gia vào thị trường này.

Đúng là các doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế rất lớn trong hoạt động xử lý chất thải nói chung, cải thiện ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, chi phí đầu tư công nghệ của Nhật Bản rất cao, vượt quá khả năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Vậy doanh nghiệp Nhật Bản có những giải pháp hỗ trợ nào để tạo điều kiện doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ của Nhật Bản?

Để chuẩn bị cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào lĩnh vực môi trường tại thị trường Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã có sự chuẩn bị hỗ trợ từ trước. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tối đa những chính sách mà Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng hỗ trợ như chính sách hỗ trợ ODA, chính sách hợp tác công - tư (PPP). Ngoài ra, với những doanh nghiệp tư nhân thì tùy vào nhu cầu và mức độ đầu tư, lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt khác như trả chậm theo tiến độ hoặc theo thực tế vận hành hoặc trả theo chi phí vận hành… 

Riêng ông nhìn nhận như thế vào về hiện trạng và chất lượng môi trường tại Việt Nam?

Nhìn chung, chất lượng môi trường Việt Nam đã có những dấu hiệu suy giảm theo chiều hướng không tích cực. Tình trạng này khá rõ nét tại các thành phố lớn Việt Nam. Riêng tại TPHCM, ngoài những nỗ lực cải thiện môi trường mà chính quyền thành phố đang làm thì thành phố cần tính đến vấn đề quản lý nguồn nước tự nhiên hiệu quả hơn. Trên thực tế, diện tích bê tông hóa trên địa bàn thành phố quá lớn và thiếu kiểm soát. Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập lụt tại thành phố ngày càng nặng nề. Mặt khác, tình trạng bê tông hóa mặt đất thành phố gây nên hệ luỵ ô nhiễm hệ thống kênh rạch và sông do nước mưa thường bị dẫn thẳng ra hệ thống kênh rạch, sông thay vì qua lớp thẩm thấu, lọc tự nhiên của đất mặt. Mức độ ô nhiễm không khí gia tăng do thiếu hiệu quả trong việc đầu tư hệ thống giao thông công cộng cũng thể hiện khá rõ nét. Chất thải rắn đô thị đang tăng nhanh nhưng giải pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp cũng tạo sức ép rất lớn đến ngân sách của các cấp chính quyền và môi trường sống của người dân… Việc suy giảm chất lượng môi trường nói chung nếu không được cải thiện sẽ có ảnh hưởng nhất định đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

UBND TPHCM vừa phê duyệt Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đầu tư thí điểm nhà máy xử lý chất thải rắn tái sinh năng lượng. Vậy theo ông, đây có phải là bước khởi đầu cho việc Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ TPHCM hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị trong thời gian tới?

Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản khi tham gia đầu tư tại nước ngoài nói chung và TPHCM nói riêng. Nhà máy xử lý chất thải rắn tái sinh năng lượng do Công ty Hitachi Zosen phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị TPHCM thực hiện đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm. Nếu giai đoạn thí điểm thành công, thì chính quyền thành phố có thể phát triển mở rộng với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản thông qua hình thức hỗ trợ ODA, PPP. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, để có thể giảm gánh nặng ngân sách cho chi phí xử lý rác thải thì thành phố cần phải thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Việc thực hiện hoạt động này không chỉ dừng lại ở giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia thực hiện mà phải là bắt buộc người dân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao. Việc bắt buộc này phải đi kèm với giải pháp chế tài hiệu quả.

Cảm ơn ông!

ÁI VÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục