Tình trạng doanh nghiệp đua nhau nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động đang ở mức báo động. Trao đổi với PV Báo SGGP tại hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Luật BHXH và đề xuất những nội dung cần kịp thời sửa đổi, do Bộ LĐTB-XH tổ chức sáng 29-11 tại Hà Nội, ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết sẽ đề xuất những giải pháp “rắn” để ngăn chặn tình trạng trên.
- PV: Thưa ông, tại sao xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH của người lao động tràn lan như hiện nay?
Ông LÊ BẠCH HỒNG: Hiện nay, khoản thu đối với BHXH rất khó, nguyên nhân là do quy định về cơ chế, chính sách xử phạt chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. Thực tế, chế tài đối với những doanh nghiệp không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. Doanh nghiệp vi phạm chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Trong khi đó, BHXH là cơ quan thường xuyên kiểm tra và phát hiện các trường hợp vi phạm nhưng lại không được quyền xử phạt, nên các doanh nghiệp không chấp hành và ngày càng cố tình không đóng, chậm đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động.
- Nhưng lý do mấu chốt khiến doanh nghiệp cố tình nợ đọng BHXH như hiện nay là do quy định tỷ lệ lãi nợ đọng đối với cơ quan BHXH quá thấp so với lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp đã cố tình nợ để tranh thủ chiếm dụng...
Đây cũng là một kẽ hở của luật mà sắp tới cần phải sửa đổi. Lẽ ra khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH thì lãi suất phạt sẽ phải cao gấp 2 lần lãi vay ngân hàng. Trong khi hiện nay lãi suất nợ đọng quá thấp so với lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp cứ chây ì nợ và sau đó sẵn sàng chịu phạt mà vẫn được lợi hơn.
- Vậy sẽ sửa như thế nào thưa ông?
Tôi sẽ kiến nghị áp dụng lãi phạt tiền chậm đóng hoặc nợ đọng BHXH đối với doanh nghiệp ít nhất phải cao gấp 2 lần so với lãi vay ngân hàng, mới đủ sức ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
- Tình trạng nợ đọng BHXH chủ yếu là những thành phần doanh nghiệp nào?
Chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhưng ít hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước. Những lý do mà họ thường đưa ra để biện minh là do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công việc không thường xuyên nên không có khả năng đóng BHXH.
- Vì sao BHXH Việt Nam đề nghị cần bổ sung thêm hành vi cố tình nợ đọng BHXH của chủ doanh nghiệp là cấu thành tội phạm hình sự?
Do hiện nay có nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng BHXH của người lao động. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động (trừ tiền lương) nhưng lại dùng tiền đó để sử dụng vào những mục đích khác. Đó là chiếm dụng tiền BHXH và phải xử lý hình sự. Nhưng tôi không thấy có một quy định nào yêu cầu xử lý hình sự chủ doanh nghiệp cả. Do đó, sắp tới cần phải bổ sung thêm vào luật.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang đề nghị đổi mới cơ chế, theo đó giao cho cơ quan BHXH có quyền được xử phạt những doanh nghiệp trốn hoặc chậm đóng BHXH cho người lao động hoặc ít nhất có thể trình UBND tỉnh xử phạt ngay. Còn nếu chỉ để tình trạng cơ quan BHXH đến kiểm tra rồi nhắc nhở như hiện nay thì còn xảy ra nợ đọng BHXH kéo dài.
- Vừa qua, cơ quan BHXH của nhiều địa phương đã khởi kiện các doanh nghiệp cố tình nợ đọng. Việc khởi kiện có gặp khó khăn?
Trước đây gặp khó khăn do TAND tối cao chưa hướng dẫn nên có một số vướng mắc. Bây giờ hết khó khăn rồi. Song chỉ có một trở ngại ở TAND các cấp còn thụ lý chậm, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm mới xử. Xử xong thì doanh nghiệp đã hết tiền nên BHXH vẫn không thu được.
- Thưa ông, đối với những doanh nghiệp tòa đã xử nhưng lại không có khả năng trả nợ hoặc cố tình nợ thì giải quyết thế nào?
Vừa rồi, sau khi đưa ra tòa xét xử, cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi nữa. Tuy nhiên trong luật đã quy định, khi bán tài sản thanh lý của doanh nghiệp, cơ quan thi hành án sẽ ưu tiên chi trả cho lương và trả BHXH cho người lao động, sau đó mới chi trả các khoản khác.
| |
Văn Phúc Hậu