Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ trở thành điểm nóng với hàng loạt thương vụ mua bán M&A đình đám, nhiều tên tuổi siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) lớn bị thôn tính. Mỗi ngày ra đường, người dân các TP lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đều chứng kiến sự xuất hiện liên tục và nhanh chóng của hệ thống cửa hàng tiện lợi 24h mọc lên nhan nhản; cùng theo đó là sự xuất hiện hoành tráng của các đại siêu thị đến từ nước ngoài: Lotte Mart, Aeon, Metro, BigC, Robins… Đại siêu thị E Mart đến từ Hàn Quốc cũng chuẩn bị khai trương siêu thị đầu tiên với diện tích 3ha tại quận Gò Vấp, TPHCM.
Tại TPHCM, trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ quận 1 đến Tân Bình dài 7km, có đến 15 cửa hàng tiện lợi (CHTL) đủ các thương hiệu: Satra Foods, Co.op Food, B’s mart, Circle K, FamilyMart, VinMart. Còn ở đường 3 Tháng 2, chỉ trong vòng 2km bao quanh Trường ĐH Kinh tế có đến 5 CHTL và đều là thương hiệu đến từ nước ngoài!
Thống kê năm 2014 của ngành tài chính, doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại đã chiếm 50% thị phần, 25% của các DN trong nước, thị phần còn lại thuộc về hơn 8.500 chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa. Vậy nhưng, có ý kiến cho rằng con số này còn… lạc quan. Bởi chỉ cần làm phép thống kê đơn giản, sẽ thấy vốn FDI đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam (VN) thật ồ ạt và kinh khủng!
Circle K đến từ Mỹ hiện sở hữu 110 CHTL, dự kiến đến năm 2017 sẽ mở 500 CHTL. FamilyMart đến từ Nhật Bản trong 1 năm mở 42 CHTL và hiện đang sở hữu 70 CHTL, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 800 CHTL. Ministop sở hữu 17 điểm nhưng sau khi bắt tay với Sojitz đang ráo riết lên kế hoạch mở 800 CHTL tại VN trong 10 năm tới. B’s mart (Thái Lan) cũng đang sở hữu hơn 60 CHTL. Chủ đầu tư vào B’s mart cũng đang là chủ sở hữu hệ thống 19 siêu thị Metro ở VN. Tỷ phú Thái Lan sở hữu chuỗi CHTL này cũng tuyên bố sẽ tiếp tục dành từ 1-3 tỷ baht (từ 30-90 triệu USD) đầu tư vào thị trường bán lẻ VN. Đại gia Aeon của Nhật Bản sau thương vụ đầu tư cổ phần vào FiviMart và CitiMart, hiện đang nắm trong tay 44 siêu thị trên cả nước. Chậm chân hơn, nhưng 2 thương hiệu lớn khác cũng đã công bố kế hoạch đầu tư vào VN từ năm 2017, đó là hệ thống CHTL 7 Eleven và đại siêu thị Wall Mart (Mỹ).
Vì sao thị trường bán lẻ VN hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại đến vậy? Theo một nghiên cứu từ Tập đoàn Business Wire, VN được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng. Doanh thu của thị trường bán lẻ VN đã tăng từ 29 tỷ USD năm 2009 lên 113 tỷ USD năm 2013. VN còn được xem là đạt nhiều chỉ số vàng về bán lẻ, như: hơn 70% dân số tuổi dưới 40 - phân khúc có sức mua cao; thị trường bán lẻ có tỷ lệ tăng trưởng kép 15%...; nhu cầu phát triển siêu thị, CHTL trên đầu người còn dư địa lớn… Đó là lý do dòng vốn FDI ào ạt đổ vào VN và thị trường bán lẻ là kênh hút nguồn vốn lớn nhất trong các thương vụ M&A gần đây.
Cân bằng lại thế trận, thị trường bán lẻ VN có lẽ chỉ còn trông chờ vào 2 thương hiệu nội là Co.opMart và VinMart. Tập đoàn Vincom đang sở hữu 12 TTTM, 11 siêu thị VinMart và vài chục CHTL VinMart+, Vinpro… Có kế hoạch sẽ nâng lên 40 TTTM vào năm 2016, 1.000 siêu thị và CHTL trong 3 năm tới. Saigon Co.op đang sở hữu khoảng 80 Co.opMart, 85 Co.op food trên cả nước. Thế nhưng, nhiều đại gia bán lẻ Việt lại dần rời bỏ cuộc chơi, như: G7, Ocean Mart, MaxiMart, Vinatex… hoặc chọn giải pháp lép vế trong liên kết như CitiMart, FiviMart…
Vì sao? Theo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hiện chỉ có 90/700 siêu thị tại VN là thuộc ông chủ nước ngoài, nhưng tổng doanh thu của họ chiếm tới 30%. Thậm chí một siêu thị nước ngoài doanh thu bằng 10 siêu thị nội cộng lại! Trên lĩnh vực CHTL, phần thắng đang nghiêng hẳn về DN ngoại bởi nhiều ưu thế. Tính toán từ các chuyên gia đầu tư, kinh doanh CHTL phải phủ trên 150 điểm bán mới là mốc hòa vốn, và nhanh nhất phải mất 3-5 năm trường vốn mới có lãi. Với bài toán này, e rằng chỉ có các đại gia ngoại với tiềm lực vốn cực lớn mới có cơ hội thống lĩnh thị trường.
Diễn biến nóng trên thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, DN nội đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức. Theo các chuyên gia, DN bán lẻ nội có 3 điểm yếu, đó là yếu về tiềm lực vốn, yếu về năng lực quản trị điều hành hệ thống và yếu do hạn chế chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Khi chi phí logistics ở VN vào loại cao nhất thế giới thì tính cạnh tranh của DN Việt kém là đương nhiên. Vậy thì câu trả lời cho sự tồn tại của các DN bán lẻ nội là gì? Ngoại trừ tên tuổi mới nổi VinMart (thuộc Tập đoàn Vincom), thời khắc trước hội nhập, hầu hết DN nội đều lo lắng với bài tính: hợp tác để tồn tại hay lặng lẽ bán, rời cuộc chơi? Saigon Co.op đã tính chuyện bắt tay Satra, đồng thời liên kết với một vài tên tuổi lớn của Singapore để tìm hướng phát triển giữa rừng đại gia ngoại bao quanh và xâm lấn thị phần. Nhưng chỉ nỗ lực của một Saigon Co.op hay Satra, Vincom thôi chưa đủ.
Trong cuộc chiến không cân sức này, trách nhiệm của các nhà quản lý không hề nhỏ. Chính sự ưu ái chạy theo thành tích tăng trưởng vốn FDI, bỏ qua các màng lọc kỹ thuật để bảo vệ DN bán lẻ nội đã góp phần tạo ra thế trận hôm nay. Nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN bán lẻ nội được đề cập, kiến nghị nhiều năm từ khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng chưa được giải quyết một cách quyết liệt. Chỉ còn vài bước chân nữa, VN đã mở cánh cửa hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), liền kề đó là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác và năm 2018 là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thời gian không còn đủ để cứu vãn tình thế. Sẽ rất khó chịu khi nghĩ rằng phần thua sẽ nghiêng về DN nội, nhưng… buồn thay, cuộc chiến căng thẳng và đơn độc này thật sự đang diễn ra theo hướng đó.
SONG ĐĂNG