Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm: Không thể tồn tại

Doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm: Không thể tồn tại

Hơn 10 triệu người trên thế giới đã ký vào bức thông điệp gửi đến hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) với yêu cầu các nước tham dự phải đề ra được hiệp định ràng buộc về cắt giảm khí thải. Việt Nam – một trong 10 nước trên thế giới phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, cũng đang tham dự hội nghị này với cùng mục đích trên. Như thế, trong tương lai không xa, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường sẽ khó để tồn tại.

Hành động cụ thể

Những ngày qua, hàng trăm cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng triệu người đang diễn ra tại khắp các nước trên thế giới. Thông điệp mà các cuộc tuần hành đưa ra là yêu cầu các nước phải đạt được cam kết cắt giảm khí thải. Điều này cũng có nghĩa, doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển hoặc tối thiểu là duy trì quy mô sản xuất như hiện tại, phải giảm công suất sản xuất hoặc phải ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại sử dụng ít nguồn nhiên liệu hóa thạch hoặc sử dụng nhiên liệu sạch.

Sản xuất mà thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường sẽ khó tồn tại trong tương lai gần.Ảnh: C.L.

Sản xuất mà thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường sẽ khó tồn tại trong tương lai gần.Ảnh: C.L.

Riêng tại Việt Nam, tuy là nước đang phát triển, chưa buộc phải thực hiện cắt giảm khí thải nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc thắt chặt quản lý bảo vệ môi trường. Đơn cử như theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm được phát hiện và có biện pháp xử lý. Trong đó, đáng kể nhất là tại TPHCM – một trong những tỉnh thành có hoạt động sản xuất công nghiệp sôi động nhất cả nước, đã có gần 400 doanh nghiệp bị kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đã khẳng định có hơn 200 doanh nghiệp trong số đó đã bị xử lý vì có hành vi vi phạm môi trường. Đặc biệt, có đến 51 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như xả khí thải và nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 5 lần ra môi trường; quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại không đúng quy định… đã bị buộc tạm ngưng hoạt động các công đoạn phát sinh nước thải vì gây ô nhiễm môi trường.

Không dừng lại đó, UBND TPHCM cũng vừa có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu sửa đổi Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính đối với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường. Theo đó, tăng mức xử phạt cao nhất lên 500 triệu đồng. Mặt khác, với những doanh nghiệp vi phạm mức độ nghiêm trọng (có khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 lần trở lên) hoặc tái vi phạm nhiều lần bị buộc tạm ngưng hoạt động nhưng cố tình không chấp hành, thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như cắt điện, không cung cấp nước sạch. Điều này đã thể hiện quyết tâm của TPHCM trong việc lập lại môi trường sản xuất theo hướng an toàn và bền vững hơn. Và việc sớm thông qua đề nghị trên sẽ là cơ sở để các tỉnh thành ứng dụng nhằm triệt để xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm kéo dài.

Hiệu quả lâu bền

Tại diễn đàn phát triển bền vững do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, ông Huỳnh Vũ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã khẳng định quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc phát triển kinh tế nhưng thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường của nước ta trong một thời gian dài đã và đang để lại những di chứng khá nặng nề cho môi trường. Phó giáo sư Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện TP Hà Nội và TPHCM được Tổ chức Chương trình phát triển Liên hiệp quốc xếp vào tốp 10 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.

Chưa hết, nhiều dòng sông, kênh rạch như sông Nhuệ, sông Đáy và gần đây nhất là hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang bị bức tử bởi chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Nhuệ và sông Đáy, chúng ta cần đến hơn 60.000 tỷ đồng, còn hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai là 1.000 tỷ đồng. Và những con số trên sẽ còn tiếp tục tăng nhanh nếu ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng không bắt tay thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất gây hại cho môi trường.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng cho biết, xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì không có cách nào khác phải tự cải thiện hình ảnh của mình. Bởi nếu không làm như vậy, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường mà đáng lo ngại hơn là sản phẩm của họ sẽ bị người tiêu dùng trong nước và thế giới tẩy chay.

Xu thế tiêu dùng xanh đang phát triển tại Việt Nam. Cụ thể, ngay khi các cơ quan chức năng phát hiện Công ty Vedan đã xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Thị Vải, người tiêu dùng trong nước đồng loạt tẩy chay sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp này. Trong một tương lai gần, cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, thị hiếu tiêu dùng xanh trở nên mạnh mẽ và sẽ là áp lực lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, chúng ta đã phải hy sinh môi trường hơn 20 năm để phát triển kinh tế, bây giờ không có lý do gì để buộc môi trường phải hy sinh thêm.

Đã đến lúc, phải xây dựng GDP xanh, thậm chí phải hy sinh một phần lợi nhuận kinh tế để cải thiện môi trường, nếu việc này không được thực hiện sớm thì đến một lúc nào đó, lợi nhuận thu được từ kinh tế sẽ không đủ để bù đắp cho môi trường.

CHI LAN

Tin cùng chuyên mục