Mặc dù ban hành thông tư quy định thay đổi nhãn mác và các thủ tục liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhưng cho đến nay, Bộ NN-PTNT - cơ quan quản lý vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, lộ trình quy định quá gần nên đang làm hàng trăm doanh nghiệp nội đứng ngồi không yên, có thể gây thiệt hại nặng.
Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại buổi tọa đàm về “những bất cập trong công tác quản lý ngành thuốc bảo vệ thực vật” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Hóa chất Nông nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 17-12 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đều chung nhận định hiện nay việc sử dụng và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc tới hơn 70% thuốc nhập ngoại từ Trung Quốc, việc chủ động nguồn sản xuất trong nước để đảm bảo kiểm soát về chất lượng là một trong những mục tiêu hướng tới.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho rằng, trong nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn và có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế quốc dân. Trong khi theo thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) hàng năm, thiệt hại mùa màng do sâu bệnh gây ra trung bình mất khoảng 20% - 30% tổng sản lượng. Do vậy, việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật đã trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu nhất trong công tác phòng trừ dịch hại và bảo quản nông sản, đảm bảo an ninh lương thực. Ngành hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong ngành sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Theo bà Phạm Thu Hằng, mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu gần 1 tỷ USD thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù nhu cầu và tiềm năng lớn nhưng nhiều năm qua, việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu, sang chiết và đóng chai, dán nhãn… phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp của các nhà cung cấp nước ngoài, gây thất thoát nguồn ngoại tệ, lãng phí nguồn lao động trong nước… Một trong những nguyên nhân chính được cho là đã kìm hãm sự phát triển ngành thuốc bảo vệ thực vật trong nước những năm qua là do các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội. Đại diện VCCI cũng đưa ra dẫn chứng về việc mới đây VCCI đã nhận được nhiều đơn phản ánh của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về một số văn bản của Bộ NN-PTNT gây khó dễ cho lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp nội phát triển, đặc biệt là Thông tư 03 cũng như một số văn bản liên quan đang làm doanh nghiệp đứng ngồi không yên, về lâu dài có thể đứng trước nguy cơ phá sản.
Về vấn đề này, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội Hóa chất và nông nghiệp Hà Nội, khẳng định 2 thông tư số 03 năm 2013 và số 55 năm 2012 của Bộ NN-PTNT về việc bắt buộc từ ngày 25-2-2015 các doanh nghiệp phải có đầy đủ giấy chứng nhận hợp chuẩn và dấu hợp quy trên bao bì sản phẩm là một bất cập khi cho đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn chưa hề biết việc thực hiện sẽ như thế nào, căn cứ theo bộ tiêu chuẩn nào và cần chứng nhận ra sao vì thiếu hướng dẫn... Các quy định cũng mang tính trói buộc các doanh nghiệp như mỗi dạng hàm lượng chỉ được đăng ký một hàm lượng, cấm đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hỗn hợp có công dụng khác nhau, cấm sử dụng thuốc kháng sinh cho người làm thuốc bảo vệ thực vật, phân loại độ độc theo GHS chứ không theo WHO/FAO như trước, chỉ được đăng ký 10 tên thương mại trên một hoạt chất, tăng số lượng khảo nghiệm lên... Ông Đàm Quang Thắng cho rằng các quy định mới của Bộ NN-PTNT đang gây trở ngại cho doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nội.
Theo ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, 97 nhà máy chế biến thuốc (chế biến được 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 - 40.000 tấn/năm). Thế nhưng có gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài (chủ yếu là của Trung Quốc). Kết quả kiểm tra thuốc những năm gần đây cũng cho thấy khoảng 0,6% - 0,8% các lô thuốc nhập chính ngạch không đạt chất lượng và phải tái xuất, 3% - 10,2% lô thuốc gia công chưa đạt chất lượng phải tái chế lại. Do vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam đòi hỏi phải có cơ chế chính sách của nhà nước và sự chỉ đạo, giúp đỡ tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
VĂN PHÚC
Kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu
(SGGP). - Ngày 17-12, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi 19 doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản có lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) hóa chất, kháng sinh nghiêm túc điều tra, xác định nguyên nhân, thực hiện các hành động khắc phục và phải báo cáo kết quả về cục này cũng như các cơ quan quản lý chất lượng vùng trên địa bàn trước ngày 23-12. Cục cũng yêu cầu Cơ quan chất lượng Nam bộ, Trung bộ khẩn trương thẩm tra báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của các cơ sở nêu trên, tổ chức kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết và tổng hợp kết quả, báo cáo về cục trước ngày 31-12-2014. Đây là lần thứ ba, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có văn bản nhắc nhở các địa phương và doanh nghiệp về cảnh báo liên quan tới ATTP thủy sản xuất khẩu. Các sản phẩm bị cảnh báo chủ yếu là tôm đông lạnh, cá tra đông lạnh, cá bống đông lạnh, cá trê vàng...
Trước đó, vào ngày 10-12, Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng - Ủy ban châu Âu (EC) đã có văn bản thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo những chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Công thư của EC cũng nêu rõ số lượng lô hàng bị cảnh báo và các cơ sở chế biến có liên quan, đồng thời đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phải trả lời về hoạt động điều tra nguyên nhân và các biện pháp khắc phục đã được áp dụng, cũng như biện pháp lấy mẫu phân tích phù hợp và cho biết sau ngày 9-1-2015. Nếu không nhận được trả lời từ phía Việt Nam, cơ quan thẩm quyền EU sẽ thực hiện những biện pháp bổ sung có thể bao gồm cấm nhập khẩu từ các doanh nghiệp bị cảnh báo hoặc các biện pháp mạnh hơn ảnh hưởng đến toàn ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
PHÚC HẬU