Doanh nghiệp tự in vé?

Doanh nghiệp tự in vé?

Đúng là Bộ Giao thông - Vận tải đã có quy định như thế trong Quyết định 09/2005. Khách quan mà nói, điều này đã “cởi trói” cho rất nhiều doanh nghiệp vận tải. Được tự in vé và phát hành vé đến hành khách sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh so với trước kia - khi mà việc in và phát hành vé chủ yếu do các bến xe thực hiện. Và các bến xe khi ấy thay vì hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bến thì với lợi thế ấy, đã trở thành một cơ quan có quyền “cho” hay “không cho” doanh nghiệp vé.
 
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thể thực hiện được điều đó, nhất là trong khối HTX vận tải. HTX vận tải ở TPHCM nói riêng và trong cả nước nói chung, phần lớn đều họat động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Nghĩa là phương tiện vận tải thuộc quyền ở hữu của từng xã viên.

HTX chỉ thực hiện các dịch vụ như xin hợp đồng vận tải, đóng thuế giùm xã viên….Mọi việc kinh doanh như đưa đón khách, khuyến mãi cho hành khách như thế nào… hoàn toàn do các chủ xe -xã viên thực hiện. Phí dịch vụ do các xã viên đóng góp cho HTX chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng/tháng/xã viên. Với mô hình tổ chức như vậy cộng với mức phí thu được không cao, rất khó có HTX tự in được vé.

Doanh nghiệp tự in vé? ảnh 1
Được tự in vé và phát hành vé đến hành khách sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh

Đó là chưa kể đến một thực tế, nhiều cục thuế các địa phương (nơi đến của các doanh nghiệp vận tải thành phố) không đồng ý cho doanh nghiệp vận tải của thành phố được in vé và đóng thuế tại thành phố mà buộc phải in và nộp thuế tại địa phương đến.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để in vé và nộp thuế tại cơ quan nơi đến thì doanh nghiệp vận tải phải mở chi nhánh tại địa phương nơi đến. Một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM thường có xe đi đến hàng chục địa phương. Như vậy, để thực hiện được yêu cầu ấy của các địa phương thì doanh nghiệp vận tải phải mở thêm hàng chục chi nhánh? Mỗi chi nhánh đều phải có nhân viên - HTX vận tải nào đủ sức “nuôi” đội quân ấy? Thậm chí các công ty vận tải, hoạt động tập trung có quy mô nhỏ cũng khó lòng mà nuôi nổi bộ máy chi nhánh ấy
 
Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp vận tải mỗi tháng chỉ hoạt động vài tài chuyến đến một điểm nào đó thì việc lập chi nhánh càng không có hiệu quả kinh tế.
 
Từ thực tế trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên xem xét lại quyết định buộc doanh nghiệp vận tải phải tự in và phát hành vé. Nên mở theo hướng, doanh nghiệp nào có đủ khả năng thì cứ chủ động in vé. Doanh nghiệp nhỏ, lẻ… thì tùy họ. Những doanh nghiệp này có thể phối hợp với các bến xe để in và phát hành vé. Hiện tại ở các bến xe của TPHCM vẫn tồn tại song song 2 loại vé: một do doanh nghiệp thực hiện, một do bến xe cùng doanh nghiệp phát hành mà mọi việc vẫn trôi chảy.
 
Còn một vấn đề nữa. Không nên buộc doanh nghiệp in “cứng” giá cước vào vé vì hiện nay giá vé doanh nghiệp vận tải chủ động đưa ra và hẳn nó sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Sẽ có lúc giá vé lên cao khi nhu cầu vận tải tăng lên và ngược lại. Khi đó, nếu giá đã được in “cứng” vào vé thì doanh nghiệp sẽ phải in vé mới. Như vậy, sẽ là rất lãng phí. Nên chăng cho doanh nghiệp linh hoạt ghi giá lên vé theo tình hình thực tế.
 

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục