Doanh nghiệp tư nhân chậm lớn: Không bột, khó gột nên hồ

Thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, lãi suất ngân hàng ở mức cao so với khu vực... là những rào cản khiến đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong nước dù nỗ lực vượt khó vẫn sẽ chậm phát triển. 
 
Chi phí logistics cao làm chi phí sản xuất doanh nghiệp tư nhân tăng cao Ảnh: CAO THĂNG
Chi phí logistics cao làm chi phí sản xuất doanh nghiệp tư nhân tăng cao Ảnh: CAO THĂNG
6,7% là mức tăng trưởng kinh tế Chính phủ đặt ra và phải đạt được từ nay đến cuối 2017. Tuy nhiên, nếu không tập trung tháo gỡ nhanh và triệt để những rào cản, đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong nước dù nỗ lực vượt khó vẫn sẽ chậm phát triển.  
Áp lực vốn và phí 
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là một thách thức lớn với DN Việt nói chung. Để mở rộng hoạt động, đầu tư công nghệ, hầu hết DN nội địa đều phải nhờ đến dòng vốn vay hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất vay đang là gánh nặng lớn. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới đang chuyển động nhanh, đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn vốn để đầu tư đổi mới sáng tạo. Các ngân hàng cần thực hiện tốt vai trò thẩm định, tư vấn đầu tư để hỗ trợ vốn cho DN, chứ không nên chỉ tập trung cho vay thế chấp.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hiện lãi suất vốn vay mà DN phải trả ở mức 7% - 10%, cao hơn so với các nước trong khu vực (chỉ ở mức khoảng từ 3% - 5%).
Sau vốn là phí! Áp lực về gánh nặng chi phí ngày càng cao do chi phí vận chuyển tăng nhanh trong những năm gần đây. Đại diện Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận phân tích, cách đây 5 năm, một xe container có thể quay đầu 3 chuyến/ngày. Thế nhưng, với tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng của TP, số lượt vận chuyển của xe container chỉ còn 1 chuyến/ngày. Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, chi phí logistics của Việt Nam đang nằm trong tốp 10 trên thế giới, chiếm 25% GDP. Chi phí vận chuyển hàng từ Thượng Hải về đến TPHCM rẻ hơn chi phí vận chuyển từ TPHCM đi Tây Ninh. Đó là chưa kể chi phí cầu đường cao, thường xuyên bị gián đoạn giao thông vào mùa mưa bão, đặc biệt là chi phí “lót tay” tăng trong nhiều năm lại đây. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, kho trung chuyển hàng cũng chưa được đầu tư tương xứng và hợp lý nên chi phí hao hụt hàng hóa cao, DN khó cạnh tranh. 
Chính phủ đã có rất nhiều tháo gỡ về chính sách để giúp cộng đồng DN, nhất là DN tư nhân phát triển. Tuy nhiên, cách hành xử và chính sách thiếu linh hoạt của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát cũng làm đau đầu DN, nhất là sự phân biệt đối xử với DN tư nhân. Chúng ta có rất nhiều luật, nhưng các điều khoản, các văn bản dưới luật chưa cụ thể, rất dễ dẫn đến phát sinh thêm thủ tục và cơ chế xin cho, không đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Chưa kể, việc phải xin quá nhiều giấy phép con trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang gây lãng phí tài chính và thời gian của DN. 
Nhỏ thì khó, lớn thì khổ
Nếu như DN nhỏ và vừa thường gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, công nghệ, thì những DN tư nhân có quy mô sản xuất lớn lại gặp khó trong việc đánh giá và thích ứng với những chuyển biến về xu hướng, rào cản kỹ thuật của thị trường xuất khẩu. 
Ngành nhựa là một trong những lĩnh vực DN tư nhân chiếm số đông, có nhiều thương hiệu lớn. Vậy nhưng, 3 năm gần đây, một số DN tư nhân tên tuổi đã rời cuộc chơi, chọn phương án bán hết nhà máy, chuyển nhượng thương hiệu cho nhà đầu tư ngoại. Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam, DN nội vẫn đang loay hoay với bài toán “lấy công làm lời”, vì lợi nhuận và giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu không cao. Đơn cử, trong ngành nhựa, DN Thái Lan, Indonesia… chỉ nhận đơn hàng có giá trị lợi nhuận tương ứng 500 - 1.000USD/tấn sản phẩm. Còn DN Việt Nam chỉ có thể nhận những đơn hàng có giá trị lợi nhuận 300USD/tấn sản phẩm. Nếu trừ hết chi phí sản xuất, nhân công, vận chuyển, khấu hao máy móc… thì lợi nhuận không còn được bao nhiêu. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta không chủ động được nguồn cung ứng nguyên liệu. Tương tự, không ít DN tư nhân lớn trong ngành may mặc, da giày... ngày càng giảm sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Nhiều đơn hàng gia công rời bỏ Việt Nam vì giá gia công cao, không được hưởng ưu đãi thuế quan và điều quan trọng là quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bên ngoài. Khi còn ăn đong nguyên liệu, DN Việt sẽ khó tạo sản phẩm có giá trị gia tăng.
Năm 2017, hàng loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực. Những tưởng các FTA sẽ giúp DN Việt mở rộng thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi ban đầu, hàng loạt hàng rào kỹ thuật cũng được nhiều nước dựng lên khiến nhiều DN nội điêu đứng. Nhiều DN tư nhân lớn trong lĩnh vực xuất khẩu nông, thủy sản cho biết, gần đây nhiều lô hàng gạo xuất khẩu bị trả về, nguyên nhân là do có sự thay đổi về tiêu chuẩn kiểm tra mà DN không cập nhật kịp. Tương tự, một số quy định ngặt nghèo mới mà thị trường châu Âu, Ấn Độ áp dụng đối với hàng nông sản, thủy hải sản Việt Nam khiến nhiều DN không kịp trở tay. 
Gặp khó với những điều kiện khắt khe hơn từ thị trường nhập khẩu, nhiều DN tư nhân lớn hướng về thị trường nội địa. Thế nhưng, việc quản lý lỏng lẻo hàng ngoại nhập, cộng với thiếu kiểm soát thị trường chặt chẽ, đã đặt nhiều DN trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với hàng gian, hàng nhái và hàng ngoại nhập. Một đối thủ đáng ngại khác là các công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lãnh đạo một DN tư nhân lớn so sánh: “DN ngoại vào Việt Nam như một “binh đoàn” mà dẫn đầu là nhà phân phối. Họ cộng đồng trách nhiệm, liên kết chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách chia sẻ chi phí chiếm giữ thị phần - nơi họ đặt chân đến, nhằm đánh bật sản phẩm cùng loại ra khỏi thị trường. Bằng chứng là vừa qua, không ít DN tư nhân lớn trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, hàng thủy sản đã phải gửi đơn đến cơ quan quản lý về tình trạng bị ép giá, buộc tăng chiết khấu quá cao khi muốn đưa hàng vào các siêu thị có vốn FDI!”. 
Tháng 5-2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Cộng đồng DN tư nhân đón nhận thông tin này với rất nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng đầu tiên là rất cần chính sách, hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, như vậy mới giảm được cách vận dụng mập mờ, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử, giảm các chi phí lót tay khi tiến hành các thủ tục liên quan đến cơ quan công quyền. Cộng đồng DN tư nhân rất cần vai trò cảnh báo, dự báo sớm những diễn biến, xu hướng thị trường từ bộ máy nhà nước để DN chủ động kế hoạch sản xuất, tránh “dò dẫm” phát triển như hiện nay. Các bộ, ngành cần hỗ trợ DN trước những rủi ro trên thị trường quốc tế, và đặc biệt, ngay trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả trên thị trường nội địa.
Hiện kinh tế tư nhân chiếm tới gần 40% GDP của đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, đến giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm. Có tới 97% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới...

Tin cùng chuyên mục