Doanh nghiệp tư vấn và xử lý môi trường: Thiếu trầm trọng!

Doanh nghiệp tư vấn và xử lý môi trường: Thiếu trầm trọng!
  • Dùng sản phẩm của doanh nghiệp “đen” là tiếp tay đầu độc môi trường sống của chính mình

Hơn 3 tháng kể từ khi quy định xử phạt mới trong lĩnh vực vi phạm môi trường có hiệu lực, không ít doanh nghiệp (DN) đã phải lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Nguyên nhân do các DN đổ xô đi tìm nhà tư vấn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Nhưng không phải ai cũng may mắn chọn được nhà đầu tư đủ năng lực. Bên cạnh đó, không ít DN vẫn lợi dụng kẽ hở trong thanh - kiểm tra môi trường để tiếp tục gây ô nhiễm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức (ảnh), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

- PV: Nhiều DN cho rằng thị trường công nghệ xử lý chất thải đang bị phó mặc cho một số đơn vị tư vấn nhưng năng lực thực hiện của những đơn vị này chưa rõ ràng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC: Đúng là những đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nước ta còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực. Các đơn vị này thường nhập công nghệ từ nước ngoài. Việc kiểm định chất lượng công nghệ cũng rất phức tạp nên khó tránh khỏi tình trạng nhiều DN gặp phải công nghệ xử lý chất thải kém chất lượng.

- Với vai trò quản lý trong lĩnh vực môi trường, Bộ TN-MT đã làm gì để ngăn chặn những thiệt hại kinh tế cho các DN do chọn nhầm nhà tư vấn đầu tư môi trường “dỏm”?

Để giải quyết được thực tế bức xúc này cần thiết phải hình thành ngành công nghiệp môi trường. Hiện nay nước ta chưa có ngành công nghiệp xử lý chất thải mà chỉ mới ứng dụng công nghệ môi trường của các nước trên thế giới. Do đó, trong thời gian tới, bộ sẽ xúc tiến, đẩy mạnh hoạt động khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam, từng bước tạo nên những sản phẩm công nghệ xử lý chất thải có giá thành rẻ nhưng chất lượng tốt. Bộ đang xây dựng những quy định hỗ trợ về đất và thuế để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

- Vậy các DN phải chịu cảnh “hên xui” khi chọn nhà tư vấn đầu tư môi trường đến bao giờ?

Một mặt bộ đẩy mạnh hoạt động khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi tin rằng, với nhu cầu xử lý chất thải của hàng ngàn DN nước ta hiện nay, nhiều nhà đầu tư sẽ rất mặn mà và sớm có mặt tại Việt Nam. Mặt khác, để có thể đáp ứng ngay nhu cầu xử lý chất thải của DN, bộ làm việc với nhiều công ty, tập đoàn sản xuất công nghệ xử lý môi trường tiên tiến trên thế giới, tổ chức giới thiệu những công nghệ này đến các DN để giúp các DN hạn chế được rủi ro do lựa chọn phải công nghệ kém chất lượng.

- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng hiện tiêu chuẩn chất thải sau xử lý của Việt Nam đang cao hơn mặt bằng chung trên thế giới. Điều này có đúng không, thưa ông?

Nhà quản lý luôn muốn môi trường xanh sạch, còn nhà sản xuất luôn muốn giảm chi phí xử lý chất thải. Mâu thuẫn này luôn tồn tại, để dung hòa không phải dễ. Trên thực tế, tiêu chuẩn chất thải sau xử lý của nước ta không cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Không chỉ vậy, tôi được biết có những tập đoàn quốc gia sử dụng những bộ tiêu chí nội bộ, trong đó tiêu chuẩn chất thải sau xử lý cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của nước ta. Tôi nghĩ rằng, sản xuất nhưng phải bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết để hướng đến sự phát triển bền vững. Sự bền vững này không chỉ cho riêng cộng đồng mà còn cho chính các DN.

Doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững. Ảnh: CAO THĂNG

- Cũng vì mục đích trên mà Nghị định 117 đã ra đời. Nhưng vì sao sau 3 tháng đi vào hoạt động, nhiều DN “đen” vẫn chưa bị xử lý cấm hoạt động?

Chúng ta đang phải trả giá cho một quá khứ sai lầm là kêu gọi đầu tư nhưng không yêu cầu bảo vệ môi trường. Nhưng phải thấy rằng bối cảnh lúc đó nước ta còn nghèo. Bài học này không thể một lúc mà có thể khắc phục được. Theo khảo sát của Bộ TN-MT, phần lớn DN “đen” có liên quan thiết thân đến việc thu mua nông sản thực phẩm của người nghèo. Do vậy, khi thực hiện xử phạt theo quy định mới tại Nghị định 117 cũng phải hết sức cẩn trọng. Xử lý theo hướng khuyến khích DN khắc phục ô nhiễm hơn là đóng cửa DN để tránh những thiệt hại kinh tế cho người dân.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, số lượng DN quá đông trong khi lực lượng thanh, kiểm tra môi trường nước ta còn mỏng, yếu, công tác hậu kiểm chưa chặt chẽ. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều DN tiếp tục hành vi vi phạm môi trường; không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, bộ sẽ chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng nhiều địa phương để tăng cường công tác kiểm tra. đối với những DN mới đầu tư mà vi phạm môi trường sẽ xử lý mạnh tay, triệt để. Còn những DN cũ sẽ gia hạn lộ trình và hỗ trợ khắc phục triệt để hiện trạng gây ô nhiễm.

- Nhưng nhiều địa phương đã không mạnh tay với DN “đen” vì sợ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư...

Đây là ý kiến đã được nhắc đến rất nhiều tại các cuộc họp của Bộ TN-MT với các tỉnh, thành. Tuy nhiên, theo tôi xu thế trên thế giới hiện nay, bảo vệ môi trường là thước đo của đạo đức kinh doanh. DN sản xuất gây ô nhiễm sẽ không thể phát triển bền vững vì họ sẽ bị người tiêu dùng trên thế giới tẩy chay sử dụng sản phẩm. Nếu cộng đồng sử dụng sản phẩm của DN “đen” thì không khác gì họ đang tiếp tay cho các DN “đen” đầu độc môi trường sống của chính mình. Do vậy, các DN chân chính đang hướng đến sự phát triển bền vững và song song với đó họ sẽ chọn những nước, địa phương có môi trường đầu tư bền vững, thân thiện với môi trường.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục