Lâm Đồng và Sơn La là hai tỉnh được các chuyên gia kinh tế đánh giá có tiềm năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp giá trị cao bởi điều kiện khí hậu thời tiết ôn hòa, tương đồng châu Âu. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp nội đã và đang đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm, nông sản chất lượng cao tại khu vực này. Tuy nhiên, do nội lực tài chính còn yếu, nhất là các nông hộ, nên nhiều sản phẩm chất lượng cao khi đưa ra thị trường chưa được định giá đúng chất lượng sản phẩm.
Hàng nội, chất lượng ngoại
Trung tuần tháng 12 vừa qua, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đã sản xuất thành công và chính thức đưa ra thị trường sản phẩm sữa tươi organic cao cấp theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, đánh dấu sự phát triển loại sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Điều đặc biệt hơn khi sản phẩm này do chính doanh nghiệp nội sản xuất được.
Ông Richard De Boer, đại diện Tổ chức Chứng nhận Control Union, nhấn mạnh thực phẩm organic sản xuất ra phải đáp ứng các tiêu chuẩn như chứa hàm lượng cao các chất chống ôxy hóa, vitamin, giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe của người sử dụng và không tiếp xúc với hóa chất…
Trang trại bò sữa organic của Vinamilk được Tổ chức Chứng nhận Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh: Phùng Thị Ái Vân
Để có thể sản xuất thành công loại sản phẩm trên đòi hỏi quy trình rất nghiêm ngặt, như điều kiện thiên nhiên thuận lợi; cây trồng, vật nuôi phát triển trong điều kiện tự nhiên; không sử dụng các biện pháp can thiệp của hóa chất, thuốc kháng sinh, hóc môn tăng trưởng hay sử dụng các thành phần biến đổi gene...
Trong trường hợp của Vinamilk, để sản xuất thành công sữa tươi 100% organic và được Tổ chức Chứng nhận Control Union chứng nhận là sản phẩm organic đạt tiêu chuẩn châu Âu, công ty đã lựa chọn tỉnh Lâm Đồng để xây dựng trang trại vì nơi đây có điều kiện khí hậu mát mẻ tương đồng với khí hậu châu Âu. Hơn 500 con bò sữa hữu cơ được chăn thả tự nhiên. Trang trại phải tự sản xuất toàn bộ thức ăn xanh hữu cơ để phục vụ nhu cầu của đàn bò. Bên cạnh đó, những điều kiện thân thiện môi trường cần thiết như sử dụng năng lượng tái tạo, biogas, hệ thống chất thải… luôn được đảm bảo và xử lý nghiêm ngặt.
Ông Richard De Boer nhấn mạnh thêm: “Sản phẩm organic vốn đang là xu hướng tiêu dùng của nhiều nước phát triển trên thế giới. Vì thế, việc Vinamilk sản xuất thành công loại sản phẩm này trong điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam là rất quan trọng, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nội có giá trị gia tăng cao ra thị trường quốc tế”.
Tuy nhận ra việc sản xuất sản phẩm sạch rất quan trọng và nhiều hộ nông dân đã đầu tư quy trình sản xuất sản phẩm sạch nhưng do nội lực còn yếu đã làm hạn chế đáng kể đầu tư sản xuất loại sản phẩm này.
Về phía doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi không chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sạch đạt chuẩn quy định. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ NN-PTNT đã phát triển mô hình doanh nghiệp cùng bắt tay với nông dân để ổn định và đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu sản xuất. Mặt khác có thể đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường.
Bà Võ Ngân Giang, phụ trách chương trình FAO-ECATAD thực phẩm an toàn, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho biết thời gian qua, tổ chức có nhiều dự án hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất. Theo đó, đã đưa doanh nghiệp đến tận nông trại của nông dân để hướng dẫn quy trình sản xuất sạch ngay từ đầu. Kế đến, kết nối doanh nghiệp, nông hộ với hệ thống phân phối để rút ngắn khâu trung gian, đưa sản phẩm đến nhanh với người tiêu dùng, tăng giá trị gia tăng sản phẩm, tạo điều kiện tái đầu tư cho người sản xuất.
Đẩy mạnh cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường
Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, trong thời gian tới, bộ đang làm việc với các hộ nông, doanh nghiệp để đẩy mạnh mô hình liên kết, sản xuất sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường thế giới. Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chế biến thực phẩm đưa sản phẩm đến các thị trường trên thế giới thông qua hình thức tham gia hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Có thể thấy, những hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Liên minh Á - Âu và Cộng đồng kinh tế ASEAN đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt hơn, những thị trường này đang có xu hướng dịch chuyển nhập khẩu thực phẩm chế biến, nông sản từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bà Võ Ngân Giang cho biết, tận dụng thời cơ thị trường là yếu tố quyết định tăng tốc của phát triển. Do vậy, bên cạnh việc chủ động cải tiến quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm ngay từ đầu, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Thương hiệu sản phẩm phải được đồng bộ với bao bì, nhãn mác sản phẩm. Trên thực tế, chất lượng bao bì sản phẩm có thể giúp gia tăng giá trị sản phẩm lên 20% - 30%. Ngoài ra, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho nhà sản xuất, nông dân đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông cộng đồng, từng bước hỗ trợ cộng đồng nhận diện rõ sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Và quan trọng nhất là mô hình liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp để đưa ra chuỗi sản phẩm sạch khép kín từ khâu đầu vào đến khâu phân phối ra thị trường phải được nhân rộng trong thời gian tới.
Khánh Chi