Để sản xuất xanh, sạch, doanh nghiệp cần phải tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Những năm qua, nhất là khi thời điểm kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp đã “quên” đi công tác bảo vệ môi trường này. Vì thế tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp vẫn đang tồn tại. Làm thế nào để có thể hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường cho doanh nghiệp luôn là một toán khó.
Tính đến năm 2012, Việt Nam có 543.963 doanh nghiệp. Trong đó có gần 97% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đóng góp hơn 40% vào GDP cả nước, tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực về mặt kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là đối tượng gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và gián tiếp gây biến đổi khí hậu do mức hiệu quả sử dụng năng lượng thấp trong quá trình sản xuất. Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp này hiện đang sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu. Bản thân họ cũng không có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, xử lý môi trường. Ngoài ra, do đặc thù các doanh nghiệp Việt Nam hình thành và lớn mạnh từ trước khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời nên ý thức về bảo vệ môi trường và hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhận thức về môi trường ngày càng phát triển, các đối tác và người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên của các doanh nghiệp cũng đang dần bị người tiêu dùng lên án. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến giá tài nguyên tăng cao, hiệu quả công việc thấp hơn trong những khu vực bị ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng sát sườn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Do vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp buộc phải quan tâm tới các khía cạnh môi trường, hiệu quả sinh thái và năng lượng của từng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Muốn làm được vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng và chuyển đổi qua hệ thống quản lý với kế hoạch hành động xanh, tạo lập cơ sở vững chắc đảm bảo yếu tố môi trường, tính hiệu quả về sinh thái và sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải nhà kính.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ mình doanh nghiệp nỗ lực là được mà cần có sự chung tay của nhà nước. Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích cụ thể để các doanh nghiệp đổi mới sản xuất, thay đổi công nghệ, cải thiện sản phẩm chứ không nên dừng lại ở việc tuyên truyền khẩu hiệu.
PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh thêm, có 3 loại hình doanh nghiệp vi phạm môi trường phổ biến hiện nay: doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận và không biết chuyên môn về môi trường; doanh nghiệp biết chuyên môn về môi trường nhưng vẫn cố tình vi phạm; và doanh nghiệp tham giá rẻ khi chọn đầu từ hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, dù ở dạng nào thì nếu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cũng sẽ bị điều chỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường và mức phạt được coi là đã khá răn đe. Thế nhưng, về phía vai trò nhà nước thì cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuẩn đầu vào đối với công nghệ đầu tư xử lý chất thải. Việc định ra chuẩn này giúp doanh nghiệp có thông tin để lựa chọn đầu tư công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn đầu ra về môi trường. Quan trọng hơn, có thể giúp doanh nghiệp tránh rủi ro “tiền mất tật mang” và chấp hành tốt hơn những quy định về bảo vệ môi trường.
MINH HẢI