Hội nhập đang là xu thế chung của toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia nào cũng muốn vừa hội nhập vừa bảo vệ thị trường nội địa. Và “rào cản môi trường”, một công cụ hữu hiệu giúp họ thực hiện được đồng thời hai mục đích ấy.
- Từ chinh phục thị trường...
Đại diện Bộ Công thương cho biết, rào cản môi trường là một hệ thống quy định liên quan đến môi trường áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu. Tùy vào mỗi nước, rào cản môi trường được áp dụng rất khác nhau. Tuy nhiên, có thể chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất, những quy định mang tính bắt buộc.
Theo đó, một sản phẩm muốn nhập khẩu bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn mức độ chất thải ô nhiễm, sự lãng phí tài nguyên không tái tạo... trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; các tiêu chuẩn về bao gói, bao bì (cách xử lý và thu gom sau sử dụng)...
Còn nhóm thứ hai, bao gồm các quy định về phí, thuế và các khoản liên quan đến môi trường. Sản phẩm gây ô nhiễm vẫn được nhập khẩu nhưng tùy mức độ gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải đóng một khoản tiền hợp lý, chính khoản tiền này sẽ giảm một phần khả năng cạnh tranh về giá.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, cho biết, để đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính như châu Âu, châu Á và châu Mỹ, các nước đều yêu cầu công ty phải chứng minh đã chấp hành tốt quy định thực hiện bảo vệ môi trường tại nước sở tại (có chứng nhận của các cơ quan chức năng).
Đơn cử như tại Nhà máy sữa Thống Nhất, mặc dù công ty đã chi hơn 7,5 tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A thế nhưng vẫn chưa làm hài lòng đối tác nước ngoài. Họ yêu cầu công ty phải có phương án tái sử dụng nước thải để vừa tiết kiệm tài nguyên nước vừa tăng diện tích mảng xanh. Và để đáp ứng được yêu cầu này, công ty phải đầu tư diện tích mảng xanh trong khuôn viên nhà máy.
Không cần áp dụng đến các biện pháp quản lý hành chính hay xử phạt hình sự trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp và sản phẩm thân thiện với môi trường cũng mặc nhiên có ưu thế hơn sản phẩm của doanh nghiệp “đen” về giá thành do giảm thuế ô nhiễm.
Trên thực tế, từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO (năm 2007) không ít doanh nghiệp đã bị nhiều nước sử dụng rào cản kỹ thuật (chủ yếu rào cản về môi trường) để từ chối nhập khẩu hàng hóa hoặc có nhập khẩu nhưng áp mức thuế cao để giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường nước bạn.
- ... đến chinh phục người tiêu dùng
Bà Garrette E.Clak, Ban Kỹ thuật, Công nghiệp và Kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc đã khẳng định, xu hướng trên thế giới đang tiến đến mục tiêu phát triển công nghiệp “xanh” và sản phẩm “xanh”. Điều này vô hình trung hình thành nên xu hướng tiêu dùng “xanh” trên thế giới. Xu hướng này đã ít nhiều chi phối đáng kể hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Hiện trên thế giới các sản phẩm được dán nhãn sinh thái như Blue Angel của Đức, Eco Iabel, Ecomark của Nhật, Award của EU,... rất được người tiêu dùng quan tâm. Các chương trình này đều đề ra yêu cầu cao về bảo vệ môi trường.
Một sản phẩm chỉ được dán nhãn sinh thái trên khi đã được đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm này từ tiền sản xuất, sản xuất, phân phối (bao gồm đóng gói), sử dụng hoặc tiêu thụ và loại bỏ sau khi sử dụng. Ở Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, Bộ TN-MT đã phối hợp với UBND TPHCM tổ chức chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Tại buổi họp về việc khởi động cho giải thưởng Doanh nghiệp xanh năm 2010, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Trưởng ban chỉ đạo giải thưởng, khẳng định việc chứng nhận và tôn vinh doanh nghiệp xanh là rất cần thiết. Việc chứng nhận này vừa giúp nâng cao ý thức tự giác chấp hành bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, vừa giúp cộng đồng nhận biết đâu là doanh nghiệp xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.
Do đó, để khuyến khích hơn nữa việc doanh nghiệp chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, ban tổ chức cần đơn giản hóa các tiêu chí và hình thức đăng ký tham gia và xét chọn giải thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện tiêu chí để doanh nghiệp được chứng nhận Doanh nghiệp xanh tập trung vào các yếu tố như thực hiện thường xuyên và có hiệu quả việc giảm thiểu và xử lý nước thải, khí thải, bụi và tiếng ồn; có biện pháp thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại; sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường; áp dụng biện pháp sản xuất sạch hơn…
Có thể nói, việc doanh nghiệp được chứng nhận là Doanh nghiệp xanh sẽ là lớp áo bảo vệ an toàn và hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và trên thế giới hiện nay
DIỆP CHÂU