Doanh nhân và trách nhiệm với cộng đồng

Thiếu trách nhiệm, doanh nhân có được tôn vinh?
Doanh nhân và trách nhiệm với cộng đồng

Ngày 13-10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam. Dịp này, nhiều doanh nhân được chọn và tuyên dương vì đạt được những thành tựu trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời có nhiều đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, cần đưa yếu tố bảo vệ môi trường vào tiêu chí xét chọn và tuyên dương những doanh nhân tiêu biểu.

Sản xuất sữa tại Nhà máy sữa Thống Nhất - đơn vị được tuyên dương Doanh nghiệp xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất sữa tại Nhà máy sữa Thống Nhất - đơn vị được tuyên dương Doanh nghiệp xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Thiếu trách nhiệm, doanh nhân có được tôn vinh?

Bảo vệ môi trường là cách thể hiện trách nhiệm của doanh nhân đến cuộc sống của cộng đồng. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện. Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay vẫn còn 70% khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. 90% doanh nghiệp chưa đầu tư hoặc đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng xử lý chưa đạt yêu cầu. Cao hơn nữa, gần 95% doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý khí thải. Từ thực tế trên khiến cho môi trường nước ta luôn ở mức báo động về ô nhiễm. Hai hệ thống sông lớn nhất là lưu vực sông Đồng Nai và sông Nhuệ - Đáy có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của hàng triệu người dân đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Tại cuộc họp thường kỳ Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước TPHCM khẳng định, nguồn nước sông Sài Gòn - đoạn lấy nước thô làm nước sinh hoạt cho người dân thành phố đang có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm nhanh chóng. Các chất thải luôn vượt chỉ tiêu cho phép là COD, BOD và Coliform. Ông Trương Khắc Hoành, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước BOO Thủ Đức nhấn mạnh thêm, hiện tại khu vực lấy nước thô để xử lý thành nước cấp chưa được quy hoạch vùng nước đệm. Do đó, chất thải từ các doanh nghiệp phía thượng nguồn cũng như hạ nguồn đều có thể ảnh hưởng đến nguồn nước cấp. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, nguồn nước đang gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, tình trạng các doanh nghiệp xả thải gây chết hàng loạt làng cá bè trên sông Đồng Nai khiến cho nguồn nước cấp một lần nữa ở trong tình trạng báo động ô nhiễm khẩn cấp.

Điều này cho thấy trách nhiệm của các doanh nhân với cộng đồng chưa cao. Việc sản xuất nhưng không xử lý chất thải đã và đang trực tiếp đầu độc môi trường, đầu độc cuộc sống của cộng đồng. Vậy những doanh nhân của doanh nghiệp đó có đáng được tôn vinh?

Người dân chọn tiêu dùng

Tại buổi họp về Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các cơ quan chức năng và các tỉnh thành phối hợp tạo nên thị trường xanh. Theo đó, giao Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phát triển, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và kích cầu tiêu dùng sản phẩm xanh. Trên thực tế, Sở Công thương đã tổ chức Tháng khuyến mại, trong đó chọn tiêu dùng sản phẩm xanh làm điểm nhấn của Tháng khuyến mại. Những doanh nghiệp được chọn là doanh nghiệp xanh tham gia vào chiến dịch vừa qua cũng đã có doanh thu tăng từ 30%-40% so với bình thường.

Điều này cho thấy, người dân đang tự vệ bằng cách chọn tiêu dùng xanh. Tiêu dùng xanh nghĩa là người dân đang gián tiếp gây áp lực cho các doanh nghiệp phải tự giác thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, từ đó cải thiện và bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Ông Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường khẳng định, nâng cao nhận thức là một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững. Chỉ khi doanh nghiệp, cộng đồng tự ý thức thì họ mới biến ý thức đó thành hành động tự giác bảo vệ môi trường. Đến lúc đó thì môi trường mới được cải thiện.

Trên thực tế, Luật Bảo vệ môi trường cho đến nay đã rất mạnh mẽ và chặt chẽ. Những doanh nghiệp vi phạm có thể phải đối mặt với nhiều hình thức xử lý nghiêm khắc như phạt tiền nặng, đóng cửa… Thế nhưng những yếu kém về năng lực quản lý, sự thiếu hụt cán bộ chuyên môn vẫn tạo kẽ hở để nhiều doanh nghiệp tiếp tục vi phạm môi trường. Riêng về xu hướng tiêu dùng, tại nhiều nước châu Âu và nước phát triển, người dân rất có ý thức trong việc chọn tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp xanh hoặc sản phẩm xanh. Còn tại nước ta, xu hướng này đã và đang được định hình nhưng chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp tự nâng cao nhận thức của mình là việc làm cấp bách và cần thiết để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững mà đại hội Đảng đưa ra.

Tuy nhiên, về phía các tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng cũng cần đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc xem xét, bình chọn doanh nhân tiêu biểu. Nếu doanh nhân đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu mà chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thì liệu họ có xứng đáng? Họ vẫn còn mắc nợ với người dân một lời xin lỗi mà có thể sẽ không bao giờ được cộng đồng tha thứ.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục