Doanh nhân Việt Nam: Khát vọng tạo nên sức mạnh Việt

Doanh nhân Việt Nam: Khát vọng tạo nên sức mạnh Việt

Nãm 2016, cộng đồng doanh nghiệp (DN) liên tiếp đón nhận những tín hiệu vui từ sự quyết liệt đổi mới của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu toàn cầu. Tại TPHCM, năm 2016 được chọn là năm “Hành động vì DN”, chính quyền TP luôn đồng hành, sát cánh cùng DN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kết nối được sức mạnh cộng hưởng giữa Chính phủ và DN để cùng lớn mạnh. Nhân Ngày Doanh nhân 13-10, Báo SGGP xin trích dẫn ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân nhằm làm rõ nội dung này.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn: Khởi nghiệp nên sát với thực tế

Doanh nhân Việt Nam: Khát vọng tạo nên sức mạnh Việt ảnh 1

 Ông Trần Việt Anh

Trao đổi nhân Ngày Doanh nhân 13-10 năm nay, tôi muốn đề cập đến hai nội dung, đó là khởi nghiệp và liên kết để tạo sức mạnh Việt, tạo vị thế và chỗ đứng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Hơn 20 năm về trước, các DN đồng trang lứa với tôi đã khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường còn khan hiếm về hàng hóa. Do vậy, sản xuất hàng tiêu dùng là lựa chọn hàng đầu cho các DN để thay thế hàng nhập khẩu. Những cái tên như bút bi Thiên Long, giấy Sài Gòn, tập vở Vĩnh Tiến, tập vở Lệ Hoa, gấm Thái Tuấn, cà phê Trung Nguyên, bao bì của Nam Thái Sơn… xuất hiện còn khá rụt rè bên cạnh những sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Sau 20 năm, những sản phẩm nêu trên đều đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của cả nước, dẫn đầu ở mỗi ngành hàng.

Đến nay, chúng ta đang nói nhiều về khởi nghiệp để tạo một thế hệ doanh nhân mới. Nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thì việc khởi nghiệp cũng sẽ khác. Các bạn trẻ có thể chọn công nghiệp phụ trợ để bắt đầu nhưng phải gắn liền với các định hướng, mục tiêu phát triển của TP như phát triển tàu điện ngầm, đường sá... Theo tôi, khởi nghiệp không hẳn là tạo ra những cái mới hoàn toàn, mà những cái cũ của nước ngoài có thể trở thành cái mới của Việt Nam. Do đó, các bạn trẻ nên được định hướng khởi nghiệp gắn liền công nghiệp phụ trợ. Nếu chúng ta phát triển tốt lĩnh vực này, không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, mà còn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta cũng không phải loay hoay bắt đầu từ đâu, chọn lĩnh vực nào ưu tiên cho khởi nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, khởi nghiệp không phải ai cũng thành công. Do đó, các hiệp hội DN và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cần tổng hợp những thành công cũng như thất bại của các thế hệ DN đi trước để các bạn trẻ ý thức được những gì nên và không nên làm khi khởi nghiệp.

Liên quan đến vấn đề liên kết, hơn 20 năm trước tôi khăn gói sang Đài Loan để tìm hiểu về công nghệ sản xuất bao bì, cũng đã gặp khá nhiều DN bắt đầu khởi nghiệp như tôi. Chỉ hơn 10 năm sau, cũng những DN ấy nay họ đã thực sự lớn mạnh và hình thành chuỗi liên kết để hợp tác sản xuất. Nhìn lại mình, mặc dù doanh thu nội địa và xuất khẩu hàng năm cũng đạt hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với doanh thu của những DN cùng trang lứa với tôi ở Đài Loan. Điều khiến tôi chạnh lòng, là đến nay tôi chưa thực sự tìm được nhiều đối tác để có thể hợp tác trong làm ăn. Nói cách khác, tôi luôn có cảm giác cô đơn trong kinh doanh!

Hơn lúc nào, tôi mong muốn thế hệ doanh nhân trẻ hãy khắc phục điều này, bởi lẽ khi chúng ta ra khỏi Việt Nam, đi đến đâu “có bạn, có phường” vẫn cảm thấy ấm lòng hơn là đi một mình. Để làm được điều này, rất cần sự hậu thuẫn từ Chính phủ trong đó, cơ quan nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ” để tạo dựng được một đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của chính mình, khi đó đất nước mới thực sự giàu mạnh.

Ông TRẦN LỆ NGUYÊN, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido: Liên kết làm gia tăng giá trị của DN

Ông Trần Lệ Nguyên

13 năm trước, khi mua lại mảng kem của Unilever, Kinh Đô không chỉ tiếp nhận thương hiệu kem Wall mà còn cả đội ngũ nhân viên, một đống nợ và nguyên liệu tồn kho. Để giải quyết bài toán này, Kido đã tìm mọi cách liên kết với người lao động, nhà phân phối, khách hàng để cùng bàn bạc và chia sẻ khát vọng, cuối cùng Kido đã thành công. Từ doanh số 90 tỷ đồng vào thời điểm mua, đến nay Kido đã đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn Unilever quay lại đề nghị hợp tác hoặc Kido thoái vốn và họ sẵn sàng trả  200 triệu USD để mua lại mảng kem nhưng chúng tôi đã không làm vậy.

Năm 2015, Kido tiếp tục tham gia cổ phần vào Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Từ doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng nhưng mức lãi chỉ dừng ở mức 50 tỷ đồng, thì sau 6 tháng cổ phần hóa, với sự vào cuộc của Kido, Vocarimex đã lãi hơn 200 tỷ đồng, giá trị trên sàn upcom tăng lên 29.000 đồng/cổ phiếu (trước đó chỉ 11.000 - 12.000 đồng).

Tôi kể hai câu chuyện này để thấy rằng, ở đâu, dù với loại hình DN nào, nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN, còn bản thân mỗi DN có cách quản trị tốt sẽ giúp DN gia tăng giá trị, nâng hiệu quả kinh doanh. Trên thực tế, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để phát triển. Đó là dân số hơn 90 triệu người, một đất nước có bề dày vượt khó, điển hình là hầu hết những doanh nhân thành đạt đều đi lên từ con số 0. Nhưng để tạo ra sức mạnh liên kết, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, “cởi trói” cho khu vực DN nhà nước, có cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển nhanh và mạnh. Với mỗi DN, phải luôn sáng tạo và chọn cho mình hướng đi đúng, thể hiện qua mỗi sản phẩm phải có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, đại biểu Quốc hội, chuyên gia tư vấn Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ: Liên kết không chỉ là kết nối, mà phải là tương tác lẫn nhau

Doanh nhân Việt Nam: Khát vọng tạo nên sức mạnh Việt ảnh 3

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Tại Việt Nam hiện đã hình thành một lớp doanh nhân trẻ có học vấn, có khả năng đáp ứg được yêu cầu phát triển và hiểu rõ tầm quan trọng của liên kết, tâm huyết với việc liên kết để mạnh hơn. Nhưng thực tế cũng cho thấy, đại bộ phận DN Việt vẫn còn một số nhược điểm lớn cần phải gỡ bỏ trong thời kỳ toàn cầu hóa, như không liên kết thống nhất với nhau trên cùng một thị trường; vì lợi ích ngắn hạn, cục bộ mà tác động xấu đến môi trường; vi phạm pháp luật như trốn thuế, hối lộ…

Sự liên kết phải đặt trong mối quan hệ sâu rộng hơn, đó là liên kết giữa Nhà nước với DN, giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng… Trong đó, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng và dẫn dắt các DN trong hợp tác quốc tế, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu, bóc lột DN. Đã đến lúc phải nâng cao địa vị chính trị của DN, vấn đề không phải đưa vào Hiến pháp mà phải đối xử công bằng. Nhà nước cần chặt đứt quan hệ thân mẫu, sự phân phối nguồn lực không cân bằng. Còn các DN có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đó, DN phải tuân thủ theo ba quy tắc: Sự tự tôn dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật.

Tôi cho rằng, liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập. Cạnh tranh cũng là liên kết, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra liên kết lành mạnh để tạo ra sự phát triển. Chúng ta sống trong thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, nếu kết nối tốt sẽ độc lập, tự chủ hơn, đồng thời cũng sẽ thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong cái bẫy của thu nhập trung bình. Kinh tế thị trường có thể đưa đất nước tới dân chủ văn minh, nhưng chỉ là công cụ thôi, không phải là mục tiêu. Nếu không biết sử dụng kinh tế thị trường sẽ bị đẩy sang bên rìa văn minh. Đó là quy luật!

THÚY HẢI (ghi)

Tin cùng chuyên mục