Cuối tháng 9 vừa qua, khi mực nước lũ vượt mức báo động 3 trên sông Tiền và sông Hậu, các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu rúng động vì hệ thống kiểm soát lũ hầu như mất khả năng. Làm thế nào để quy hoạch đê bao, thủy lợi đồng bộ cho sản xuất lẫn sinh sống trong mùa lũ, đảm bảo an toàn cho hiện tại và tương lai?
Lợi và hại của đê bao
Từ khi ra đời QĐ 99/TTg ngày 9-2-1996 về việc “phát triển thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL”, đê bao và bờ bao ở ĐBSCL được xây dựng một cách nhanh chóng. Đến năm 2008, toàn vùng ĐBSCL có đến 12.000km đê bao (đê cao) được xây dựng, hình thành 1.200 tiểu vùng khép kín.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kiền, giảng viên Đại học An Giang, nghiên cứu sinh về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết, việc xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao ở ĐBSCL chưa được xem xét đầy đủ trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với thiết kế đê bao, bờ bao hiện nay chưa đủ sức chống lũ lớn. Từ thực tế và kết quả các nghiên cứu trên thế giới, chính sách sống chung với lũ ở ĐBSCL hiện nay cần phải nghiên cứu kỹ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hà Lan từng xây đê bao, bờ bao qua nhiều thế kỷ, nhưng nay lại trở về điều kiện tự nhiên cho một số vùng, nhằm tạo thêm không gian để chứa nước trong điều kiện biến đổi bất thường của khí hậu. Chính quyền Hà Lan đã nhận ra rằng, giải pháp kỹ thuật (xây đê bao, bờ bao cao hơn) không có hiệu quả về lâu dài, đặc biệt với những trận lũ lớn. Từ đó, chính sách nới rộng không gian cho các con sông ra đời vào đầu thập niên 2000.
Mục đích của chính sách này là mở rộng không gian để chứa nước lũ bằng việc chuyển đổi một số vùng đất nông nghiệp không hiệu quả, ít dân cư trở về trạng thái nguyên thủy (đất ngập nước), đồng thời khai thác du lịch sinh thái trên các vùng đất ngập nước này. Chính sách này đã giúp Hà Lan kết hợp cả giải pháp kỹ thuật và sinh thái để quản lý lũ, giảm sự tổn thương bởi lũ.
Việc xây dựng nhiều công trình bờ bao, đê bao tiểu vùng để sản xuất lúa vụ 3 có thể đạt mục tiêu ngắn hạn, như tăng sản lượng lúa nhưng về lâu dài cần phải phân tích, tính toán sao cho thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu. Nên dành nhiều không gian đê chứa lũ, chỉ làm vụ 3 ở những vùng ngập nông, không phát triển đê bao khép kín ồ ạt như hiện nay.
Một nhà khoa học gắn bó lâu năm với ĐBSCL cho rằng: “Bất cứ một đê bao nào, ở đâu, dù nhỏ hay lớn, tạm thời hay kiên cố đều phải tuân theo quy hoạch toàn vùng, căn cứ trên lợi ích tổng thể, không nên xây quá nhiều đê bao chống lũ triệt để như vùng Chợ Mới - An Giang”. Cái vướng hiện nay là các địa phương tăng diện tích lúa vụ 3, từ đó đê bao cũng tăng theo.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nhà nước cần đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kiểm soát lũ ở vùng ngập sâu Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Cụ thể, ở Tứ giác Long Xuyên là hệ thống kiểm soát lũ tràn qua biên giới (ngăn không cho nước lũ thiếu phù sa tràn vào ruộng), hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây, các cống ngăn lũ, lấy nước ngọt.
Ở Đồng Tháp Mười, cũng phải hoàn thiện hệ thống kiểm soát lũ tràn qua biên giới, kênh thoát lũ ra sông Tiền, hệ thống kênh trục ngang, trục dọc, cống nội đồng ngăn triều, cống ngăn mặn, đê bao bảo vệ thị trấn, thị tứ. Ngoài ra, kết hợp xây hệ thống hồ điều tiết lũ và hồ trữ nước cho mùa khô… nhằm đảm bảo đủ nước ngọt sử dụng và chủ động khi lượng nước trên thượng lưu sông Mekong về thấp.
Giải pháp lâu dài
Nhiều năm trở lại đây, thiệt hại do lũ gây ra ngày càng giảm. Được như vậy là nhờ các công trình kiểm soát lũ phát huy tác dụng và người dân ĐBSCL đã thích ứng tốt với lũ. Tuy nhiên, để ĐBSCL thật sự sống chung với lũ một cách bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Nếu vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp… xây đê bao càng nhiều thì vùng cuối nguồn sẽ lãnh đủ.
“Sống chung với lũ” không chỉ là việc tận dụng lũ để khai thác tài nguyên thủy, hải sản… mà phải tính đến chiến lược lâu dài để con người thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt. Để “sống chung với lũ” bền vững cần phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi toàn vùng gắn với triển khai đồng bộ các dự án trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển.
Hơn 300 năm qua, cư dân vùng ĐBSCL đã khá quen thuộc với quy luật dòng chảy lũ và họ đã sống thích nghi tốt với tình trạng lũ lụt ở đây. Thật sự họ cũng đã có nhiều sáng tạo để thích nghi với sự thay đổi thời tiết theo hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của từng địa phương. Tuy nhiên, quan điểm “sống chung với lũ” giờ cần nâng lên một bước với mục tiêu “sống chung với biến đổi khí hậu”.
Để thực hiện khái niệm trên, cần thiết phải có quy hoạch không gian phù hợp cho đồng bằng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa giữ tính đa dạng sinh học.
M.TRƯỜNG - H.LỢI - B.ĐẠI
- Thông tin liên quan:
>> Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng