Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng

Những nguy cơ... có thật
Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng

LTS: Những tháng qua, thủ đô Bangkok, Thái Lan bị ngập trong nước, thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Việc Bangkok ngập nước khiến chúng ta giật mình khi nghĩ về TPHCM, là đầu tàu kinh tế của cả nước, dân số đông nhất nước nhưng cũng là thường xuyên bị ngập lụt, những đợt triều cường xuất hiện với đỉnh lũ ngày càng cao, liệu ngày nào đó cũng bị ngập trong nước như thế?

 Bài 1: TPHCM có chìm trong biển nước như Bangkok?

Những nguy cơ... có thật

Không phải ngẫu nhiên, vào tháng 6-2010 TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị ngưng xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai. Bởi lẽ, nhìn một góc độ nào đó thành phố đối diện với nguy cơ những túi “bom nước” treo lơ lửng, có thể gây ra thảm họa bất cứ lúc nào.

Công văn nêu rõ: “Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là nơi tập trung đông dân cư, kho tàng, bến bãi… lớn nhất của cả nước, nằm trong vùng hạ lưu với gần 20 công trình thủy điện bậc thang trên đầu nguồn sông Đồng Nai, càng tăng thêm nguy cơ cho TPHCM khi xảy ra sự cố các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện đầu nguồn…”.

Nhiều đoạn đường tại TPHCM bị ngập sâu khi triều cường. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều đoạn đường tại TPHCM bị ngập sâu khi triều cường. Ảnh: Cao Thăng

Lưu vực sông Đồng Nai gồm 4 hệ thống sông gồm Đồng Nai, La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn đi qua 11 tỉnh thành. Theo thống kê của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, có tổng cộng 20 thủy điện đã vận hành và đang triển khai. Ngần ấy thủy điện đi kèm hàng loạt hồ chứa nước, giả dụ chỉ xảy ra một sự cố chắc chắn sẽ để lại những tác hại khôn lường.

Cụ thể, trên dòng chính sông Đồng Nai có 9 thủy điện, gồm có thủy điện Trị An (thể tích hồ chứa toàn bộ 2.765 triệu m³), Đa Nhim (166 triệu m³), Đại Ninh (319 triệu m³), Đồng Nai 2 (543 triệu m³), Đồng Nai 3 (1.423 triệu m³), Đồng Nai 4 (337 triệu m³), Đồng Nai 5 (106 triệu m³), dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tranh cãi.

Trên sông Bé có 6 thủy điện, đó là Đak Glun (27 triệu m³), Đak Glun 2 (5 triệu m³), Thác Mơ (1.360 triệu m³), Thác Mơ mở rộng (1.360 triệu m³), Cần Đơn (165 triệu m³), Srok Phumieng (284 triệu m³) và trên sông La Ngà có 5 thủy điện với tổng cộng khoảng 890 triệu m³. Như vậy, có nhiều tỷ khối nước nằm trong các hồ thủy điện trong thời tiết mưa gió thuận hòa, chưa tính khi trời nổi giận trút nước…

Chưa dừng lại đó, bởi thực tế sẽ tiếp tục còn có nhiều quả bom mới hình thành, những dự án thủy điện khác đang và sẽ hình thành. Ví dụ, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tiếp tục lấy ý kiến để triển khai. Có lẽ chưa có dự án thủy điện nào gây tranh cãi ồn ào như thế.

Ngay cả hai tổ chức chung một nhà, đó là Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã đứng ra tổ chức riêng hai hội thảo khác nhau, ý kiến cuối cùng lại khác nhau, bên đồng thuận, bên phản bác dẫn đến khẩu chiến trên mặt báo.

Rồi chính bản thân tỉnh Đồng Nai lại bộc lộ mâu thuẫn, trong khi “nói không” với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng tháng 10-2008 lại đề nghị Bộ Công thương hiệu chỉnh dự án Đồng Nai 8 thành 5 dự án nhỏ vào quy hoạch các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao gồm dự án Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định(!).

Tháng 1 và tháng 5-2009 UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng lần lượt có công văn đề nghị bổ sung dự án thủy điện Bù Đăng. Tháng 6-2009, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Á Đông (Bình Phước) xin bổ sung dự án thủy điện Đức Thành, nằm dưới dự án thủy điện Đồng Nai 6A.

Nói chung, quy hoạch khai thác thủy điện hệ thống sông Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2002 so với hiện nay đã bị xáo trộn liên tục, theo xu hướng mật độ thủy điện ngày một dày thêm. Chẳng hạn, khoảng cách từ thủy điện Đồng Nai 3 đến Đồng Nai 6A chừng 130km nhưng sông Đồng Nai bị chặn làm 5 khúc với 5 thủy điện! Còn nhìn theo sơ đồ, Đồng Nai 6 kế sát Đồng Nai 5, Đồng Nai 6A bám sát Đồng Nai 6!

Hiệu ứng... xả lũ

Với mật độ thủy điện dày đặc, theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công đã đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường sinh thái, gây thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi: tăng mối đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô.

Đặc biệt, việc xây quá nhiều hồ chứa trên vùng thượng của một lưu vực sông theo kiểu bậc thang nối tiếp nhau dễ gây ra hiệu ứng domino trong xả lũ. Bởi “ông chủ” các hồ chứa thủy điện vận hành mỗi nơi một kiểu độc lập khiến nhiệm vụ điều tiết nguồn nước, phòng lũ không được đảm bảo. Mùa khô tranh thủ tích nước nhưng khi lũ đến thì trên xả, dưới cũng xả khiến vùng hạ lưu mang họa.

“Hiện nay, chưa có một “nhạc trưởng” trong công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài hệ thống quản lý tài nguyên nước đang vận hành, Đồng Nai đang tồn tại 2 tổ chức lưu vực sông là Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) và Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) nhưng hai tổ chức này dường như không có tiếng nói đối với các vấn đề quan trọng của lưu vực”, tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhận xét.

Điều quan trọng hơn, việc xây dựng nhiều thủy điện dẫn tới nguồn nước cung cấp cho thủy điện sẽ tụt giảm vì rừng bị tàn phá. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng từng công bố, đối với một thủy điện lớn, để có 1MW phải mất 10ha rừng, còn thủy điện trung bình mất khoảng 16ha đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp.

Với tổng công suất các thủy điện đã và đang triển khai, trên lưu vực sông Đồng Nai sẽ mất đi vài chục ngàn ha rừng! Hệ lụy của “nuốt” rừng đầu nguồn sẽ hủy loại thảm thực vật, triệt tiêu luôn khả năng giữ nước, khiến tốc độ dòng chảy ngày càng dữ dội, dễ xuất hiện lũ lớn.

Những nguy cơ này có thể “sờ được” nhưng đến nay, theo Sở Công thương TPHCM, sau khi thành phố gửi công văn kiến nghị đến nay, chưa có dự án thủy điện nào “bảo dừng”, các địa phương vẫn tiếp tục xây, tiếp tục làm.

Q.Hùng - L.Thiện


Bài 2: Kiểm soát lũ thượng nguồn, triều cường

TPHCM là 1 trong 5 thành phố và Việt Nam là 1 trong 10 nước trên thế giới có nguy cơ ngập nước cao (trong đó diện tích bị ngập của TPHCM đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128km², 204km² và 473km², tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65cm, 75cm và 100cm). Như vậy, khả năng kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được. Vậy làm sao để quản lý ngập lụt một cách căn cơ, bền vững…

  • Kiểm soát thủy triều

Theo khảo sát hiện nay, 75% các khu vực bị ngập ở TPHCM không phải do triều cường cao mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống thoát nước mưa chỉ đáp ứng lượng mưa 80mm (trong khoảng 3 giờ mưa liên tục).

Những năm gần đây, xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều giờ xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường vượt mức báo động 3 đã gây ngập nặng ở nhiều khu vực, nhất là các nơi có địa hình thấp hơn đỉnh triều. Bên cạnh đó, hiện tượng lún nền cũng đang diễn ra khiến tình trạng ngập càng trở lên phức tạp.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước thành phố) cho rằng, công việc cấp bách hiện nay là phải đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát nước cũ, xây dựng và đấu nối đồng bộ các tuyến cống, triển khai nạo vét kênh rạch. Lắp đặt gần 300 van ngăn triều ở vùng ven để hạn chế triều cường.

Trung tâm đang xây dựng cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giúp kiểm soát mực nước triều và nước mưa, giải quyết tình trạng ngập nước cho 500ha đất trũng trong tổng số 3.400ha tại các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Công trình sẽ giúp giải quyết gần một nửa số điểm ngập trong khu vực nội ô thành phố.

Cống ngăn triều chống ngập và thoát nước, kết hợp với cầu giao thông phía trên được xây dựng tại quận 12. Ảnh: CAO THĂNG

Cống ngăn triều chống ngập và thoát nước, kết hợp với cầu giao thông phía trên được xây dựng tại quận 12. Ảnh: CAO THĂNG

Từ nay đến cuối năm 2012, TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, phát huy khả năng trữ nước của hệ thống kênh rạch, hồ nước và các khu vực thấp, trũng, làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống cống rãnh trong thành phố, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, tạo nền cho việc tiêu thoát nước mưa từ hệ thống kênh rạch.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, UBND TPHCM đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, ưu tiên tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê bao và cống kiểm soát triều, nạo vét các kênh rạch thoát nước quan trọng; các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, Tây, Đông - Nam, Đông - Bắc và vùng phía Nam thành phố.

Việc hoàn thành hệ thống cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cống thoát nước Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) sẽ giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận nội thành, bao gồm: quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp.

  • Nâng cao khả năng tiêu nước

Tình trạng cống thoát nước quá tải do sự gia tăng về cường độ mưa đã vượt tần suất tính toán trong thiết kế hệ thống thoát nước, các trận mưa có tổng lượng trên 85mm đã xuất hiện thường xuyên và có xu hướng tăng dần, trong khi chu kỳ tràn cống cho phép đang được áp dụng thuộc loại nhỏ, nếu không bổ sung các giải pháp công nghệ mới về quản lý nước mưa đô thị thích hợp thì các cống sẽ bị quá tải và gây ngập thường xuyên hơn, cho dù đã hoàn thành các dự án thoát nước lớn.

Vì thế, để tạo chuyển biến trong việc xóa, giảm ngập trên địa bàn thành phố, sau năm 2012, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát ở khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, bao gồm các giải pháp kiểm soát lũ thượng lưu, kiểm soát triều, nhằm giải quyết bài toán chống úng ngập cho khu vực thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai; gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước…

Cụ thể, vùng 1 toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, trong đó có khu vực nội thành cũ, khu vực phía Nam thành phố và một phần tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông), chủ yếu là vùng đất canh tác và hoang hóa có nhu cầu về cải tạo đất mặn, phèn.

Vùng 2 bao gồm khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn, do đó có thể bố trí công trình để chống ngập, tiêu nước.

Vùng 3, bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển mở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị phía Nam thành phố.

Trong hệ thống đê bao ven theo bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Súc), sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh lộ 824 (thị trấn Đức Hòa - tỉnh Long An), tuyến đê từ Bến Súc đến Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao của dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; đoạn còn lại theo các tuyến đường giao thông hiện có ven sông.

Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống chính là Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, Kênh Xáng Lớn. Các cống này có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu, chủ động cắt đỉnh triều.

Hướng thoát nước chính trong khu vực là hướng Bắc - Nam, do vậy hệ thống kênh trục thoát nước chính được xác định là các kênh dọc theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - kênh Chợ Đệm được cải tạo nạo vét, mở rộng để tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam.

Tuyến kênh Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng tiêu thoát nước. Các “hồ điều tiết” bao gồm hệ thống ao, hồ, kênh rạch và một số khu vực đất trũng được cải tạo để có đủ dung tích dự phòng trữ lượng nước mưa tiêu ra từ trung tâm thành phố trong thời gian triều cường.

Hiện nay, UBND TPHCM đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật quận Bình Thạnh đến Kinh Lộ huyện Nhà Bè và từ tỉnh lộ 8 đến Bến Súc huyện Củ Chi); bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang quận Thủ Đức tới khu Thủ Thiêm quận 2). Xây dựng 7 cống kiểm soát triều quy mô lớn cùng các cống kiểm soát triều quy mô vừa và nhỏ...  

Quốc Hùng - Lương Thiện 


Bài 3: Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL - Vẫn canh cánh lo vì biến đổi khí hậu

Khi nước lũ cuối tháng 9 mấp mé bờ đê, nhiều người mới giật mình nhìn nhận lại vai trò, thực trạng sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Việc sản xuất lúa vụ 3 trong mùa lũ thời gian qua không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, mà giúp không ít người nghèo có việc làm, ổn định đời sống. Tuy nhiên, thực trạng này cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần có giải pháp căn cơ mang tính tổng thể toàn vùng để đảm bảo đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, lũ, triều cường làm ngập sâu vườn cây ăn trái, rau màu và ruộng mía cũng khiến nông dân các tỉnh cuối nguồn lao đao.

Chống chọi với lũ, các tỉnh đầu nguồn đã huy động hàng chục ngàn người gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở ĐBSCL. Ảnh: B.Đại

Chống chọi với lũ, các tỉnh đầu nguồn đã huy động hàng chục ngàn người gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở ĐBSCL. Ảnh: B.Đại

Trăn trở lúa vụ 3

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT), đến nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 350.000ha lúa vụ 3, diện tích còn lại đang tiếp tục thu hoạch đến giữa tháng 12-2011 sẽ dứt điểm. Điểm sáng đáng ghi nhận của lúa vụ 3 năm nay là “trúng mùa, được giá”, nông dân lời nhiều, ngành nông nghiệp tăng được sản lượng lương thực đáng kể: năng suất lúa đạt tới 6,5 tấn/ha, giá hơn 7.000 đồng/kg, nhờ đó lợi nhuận thu về không thua vụ đông- xuân.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, do giá lúa hấp dẫn nên nông dân trong tỉnh mạnh dạn xuống giống hơn 98.858ha lúa vụ 3; tăng 40.000ha so năm 2010. Có thể nói phong trào sản xuất lúa vụ 3 mùa lũ ở ĐBSCL rất sôi động, ngay cả những vùng ngoài quy hoạch cũng có không ít hộ tự ý “xé rào” làm lúa vụ 3.

Sở NN- PTNT Kiên Giang thừa nhận, kế hoạch đề ra chỉ sản xuất 36.000ha lúa vụ 3 ở những nơi có đê bao vững chắc, nhưng thực tế các huyện xuống giống tới 53.000ha, cao kỷ lục từ trước đến nay. Tại TP Cần Thơ, nếu như năm 2010 diện tích lúa vụ 3 khoảng 34.000ha, năm nay nhảy vọt lên trên 54.000ha…

Việc bùng nổ lúa vụ 3 đã kéo theo nhiều hệ lụy. Năm nay lũ lớn về sớm đã vây khốn hàng trăm ngàn hécta lúa ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Sở NN-PTNT các tỉnh thành thừa nhận, do chủ quan thiếu đề phòng, cộng với hệ thống đê bao yếu trong khi diện tích sản xuất tăng chóng mặt, thế là lúa vụ 3 nhiều nơi đã ngập chìm trong lũ.

Đến thời điểm này, nhờ huy động tổng lực hộ đê nên tỷ lệ lúa vụ 3 bị mất trắng chỉ chiếm 1,31% trên tổng diện tích xuống giống là một thành công. Tuy nhiên, đa phần đê bao sản xuất lúa ở ĐBSCL là đê bao chống lũ tháng 8 cho lúa hè thu. Loại đê bao này chỉ chịu được lúc lũ vừa lên, khi đó nông dân thu hoạch xong lúa hè thu là xả đê cho lũ tràn vào để lấy phù sa. Nay các tỉnh bùng nổ lúa vụ 3 nhưng vẫn lấy đê bao loại này ra chống chịu, do đó khi gặp lũ lớn gây vỡ đê là khó tránh khỏi.

Tại một số địa phương, năm nay nhiều nông dân nói đê còn rất yếu, mong manh, bề ngang mặt đê có đoạn chưa tới 3m không nên sản xuất vụ 3 nhưng chính quyền vẫn cứ ép phải xuống giống. Phải chăng đây là việc chạy theo thành tích mà hậu quả người dân gánh chịu thiệt hại? Chưa hết, nông dân còn phản ánh một số vụ vỡ đê, chính quyền địa phương phản ứng rất chậm và lúng túng tìm phương án ứng cứu. Tuy diện tích thiệt hại chẳng là bao, song đã khiến cho hàng chục ngàn nông dân mất ngủ trước lũ lớn. Đáng lưu ý, khi trao đổi vấn đề này với các cán bộ đương nhiệm, hầu như ai cũng giữ quan điểm sản xuất lúa vụ 3, trong khi không ít nhà khoa học phản ứng.

Nhà vườn cũng... chịu trận!

Những ngày này nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường đã uy hiếp vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… Từ cuối tháng 9 đến nay nhiều nhà vườn mất ăn mất ngủ khi nước lũ về nhanh gây ngập trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Cường, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, chua chát: “Thấy vùng đầu nguồn lũ làm vỡ đê thiệt hại lúa, nhà vườn tụi tui rầu thúi ruột. Bờ bao liên tục gia cố, máy bơm rút nước chuẩn bị sẵn sàng, thế nhưng nước lũ lớn quá phá vỡ bờ bao làm ngập vườn quýt hồng đặc sản”.

Ông Lê Văn Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết cùng với lúa vụ 3 thì vườn cây ăn trái cũng được bảo vệ quyết liệt. Nhưng do nước lũ quá lớn đã làm ngập 3.418ha vườn, trong đó 1.101 ha bị thiệt hại 100%.

Tại Bến Tre, đợt lũ và triều cường vừa qua đã làm ngập trên 1.500ha vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách. Hơn 1.000ha vườn ở Vĩnh Long cũng chịu chung số phận. Lũ phá vỡ và tràn 57 bờ bao ở Tiền Giang gây ngập nhiều diện tích vườn.  Tại Hậu Giang, nước lũ tấn công hàng ngàn hécta vườn ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp…

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh huy động tổng lực từ xã, huyện đến tỉnh ra sức gia cố hàng loạt tuyến đê giữ trên 45.000ha vườn. 6 tuyến đê bao dọc sông Tiền vừa được nhà nước đầu tư xây dựng trên 30 tỷ đồng đang phải tiếp tục gia cố thêm những đoạn bị nước lũ tràn vào, hàng chục xáng cạp túc trực tại các điểm nóng để ứng cứu.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) lo lắng: Nếu nước dâng cao thêm khoảng 2 - 3 tấc nữa là trên 9.438ha vườn của huyện thất thủ, gần 4.000ha hoa kiểng cũng lâm nguy.

Trực tiếp kiểm tra tình hình chống lũ bảo vệ khoảng 67.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban chỉ huy PCLB, chính quyền địa phương và nhà vườn phải tập trung nhân lực, vật lực, áp dụng phương châm 4 tại chỗ kiên quyết giữ vườn.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, lúa vụ 3 ở An Giang và Đồng Tháp bị lũ nhấn chìm làm mất trắng từ 20 - 30 triệu đồng/ha, trong khi vườn cây ăn trái nếu bị thiệt hại sẽ tốn kém chi phí cao gấp nhiều lần so với lúa, chưa kể mất từ 5 - 7 năm mới có thể khôi phục lại. Điều này cho thấy bảo vệ vườn là vô cùng cấp bách.

Trong khi đó, lũ cũng làm hàng trăm nông dân ở huyện Phụng Hiệp vắt giò đốn mía chạy lũ, hàng ngàn hécta hoa màu trôi theo dòng nước. Với những gì đang diễn ra, sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL thật sự bấp bênh, cần phải có “lối thoát” bền vững trong thời gian tới.

M.Trường - H.Lợi - B.Đại

Tin cùng chuyên mục