Đội hình phản ứng nhanh giao thông

Lần đầu tiên, TPHCM thành lập những đội hình phản ứng nhanh xử lý các sự cố, tai nạn giao thông, trong đó có nhiều lực lượng tham gia: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát khu vực, đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế…
Đội hình phản ứng nhanh giao thông

Lần đầu tiên, TPHCM thành lập những đội hình phản ứng nhanh xử lý các sự cố, tai nạn giao thông, trong đó có nhiều lực lượng tham gia: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát khu vực, đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế…

Hoạt động của các đội này đã giúp kéo giảm, giải quyết nhanh các vụ ùn tắc giao thông, sơ - cấp cứu kịp thời, giành lại sự sống trong gang tấc cho nạn nhân bị thương nặng khi gặp tai nạn, chống nạn rải đinh…, đồng thời góp phần làm đẹp hơn văn hóa giao thông ở thành phố.

Đội hình phản ứng nhanh giao thông tham gia điều tiết giao thông trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú)

“Phản ứng nhanh” xử lý ùn tắc

Trời chập choạng tối, các tuyến đường ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) như Trường Sơn, Phổ Quang, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ…, dòng người nối đuôi san sát. Ở giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, các phương tiện gần như bị chôn chân tại chỗ. Ngay giữa giao lộ, hai cảnh sát giao thông lưng áo ướt đẫm mồ hôi liên tục đưa gậy điều tiết giao thông, nhưng tình hình kẹt xe vẫn cải thiện không đáng kể. Đúng lúc này, 4 tình nguyện viên là đoàn viên của Quận đoàn quận Tân Bình, tay cầm gậy nhựa, len lỏi vào giữa “rừng người”, cùng với 2 cảnh sát giao thông phân nhau điều tiết trên từng đoạn đường, hướng dẫn các phương tiện lưu thông trình tự, đúng làn. Sau khoảng 20 phút, “rừng phương tiện” dần dần giãn ra, giao thông bắt đầu thông thoáng trở lại.

Dẫn chiếc xe từ trên lề xuống lòng đường để tiếp tục chặng đường về nhà sau một hồi nghỉ mệt vì kẹt xe, chị Đặng Thị Phương (ngụ phường 15, quận Tân Bình) thở phào: “Mọi hôm tôi đi từ cơ quan ở phường Đa Kao (quận 1) về nhà mất 1 tiếng, nhiều hôm đường ùn tắc phải mất cả tiếng rưỡi. Nhưng hôm nay sớm hơn nhiều, nhờ có mấy bạn tình nguyện viên hỗ trợ cảnh sát, điều tiết giao thông ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ”.

Sau gần 1 giờ hỗ trợ cảnh sát điều tiết giao thông, các thanh niên tình nguyện thấm mệt nhưng khuôn mặt vẫn vui vẻ. “Hôm nay (7-12) là ngày đầu tiên ra quân nên tụi em hơi mệt. Mấy ngày tới khi đã quen việc, chắc sẽ không còn mệt mấy. Trước đây, em thường xuyên chạy xe lên lề mỗi khi thấy đường kẹt xe, có lúc còn cố vượt khi cột tín hiệu báo đèn vàng. Bây giờ trực tiếp điều tiết giao thông, hiểu rõ nỗi vất vả của mấy anh cảnh sát, rồi biết thêm tham gia giao thông không đúng luật góp phần gây kẹt xe, dễ dẫn đến tai nạn, nên giờ đây em luôn chạy xe đúng luật. Em sẽ về vận động thêm mấy người bạn ngụ cùng phường chưa có việc làm tham gia đội hình phản ứng nhanh, cố gắng không để cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất bị kẹt xe”.

Thường xuyên tập huấn để tăng hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có 72 đội phản ứng nhanh giao thông, với khoảng 800 cán bộ, đoàn viên thanh niên, bác sĩ trẻ tham gia. Để xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố, tai nạn giao thông, các bạn trẻ này đều được tập huấn, nâng năng lực chuyên môn, có trang bị thiết bị phù hợp theo lĩnh vực, công việc được sắp xếp, bố trí. Do đội hình mới được triển khai, nên trước mắt, các bạn sẽ tham gia chốt trực, làm việc 2 ca/ngày (sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, chiều 16 giờ 30 đến 18 giờ 30), tập trung tại các giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Đội hình sẽ thí điểm đến hết năm 2015, nếu phát huy rõ hiệu quả, sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng.

Trong khi đó, Thành đoàn TPHCM cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các quận - huyện, phường - xã, cơ quan đoàn thể khác để vận động ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia đội phản ứng nhanh giao thông. Đồng thời gắn kết các đơn vị liên quan như Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, các bệnh viện… để thường xuyên mở những lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho các tình nguyện viên tham gia đội hình.

Đội hình phản ứng nhanh giao thông của các bạn trẻ có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần tuyên truyền Luật Giao thông cho mọi người, nhất là giới trẻ, góp phần xóa sổ các điểm nóng ùn tắc giao thông mà còn kịp thời sơ cấp cứu, giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông chạy đua với thời gian để giành lại sự sống, đồng thời theo dõi, ngăn chặn nạn rải đinh trên đường. Đó cũng là cách mà người trẻ ở TPHCM góp sức xây dựng thành phố “sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục