Chưa bao giờ thế giới lâm vào tình trạng bất ổn như hiện nay. Cùng với những cuộc chiến tranh, xung đột nội bộ, bạo loạn, lật đổ đẫm máu ở Trung Đông, Bắc Phi là viễn cảnh kinh tế u ám đang bao trùm và có xu hướng lan rộng từ sự bất ổn của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng khó đoán định khi sức mua và mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ chững lại, có dấu hiệu rơi vào suy thoái; khu vực đồng euro đang chật vật đối phó nợ công, có nguy cơ làm tan rã đồng tiền chung; kinh tế Nhật Bản tiếp tục rơi vào đình đốn…
Đi đôi với bất ổn kinh tế - chính trị là bất ổn xã hội. Cùng với các cuộc biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở châu Âu, tại Mỹ cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” đã bước sang tháng thứ 2. Phong trào này nổ ra từ ngày 17-9 bằng các cuộc biểu tình trước Sở Giao dịch chứng khoán New York nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính và sự phân bổ quyền lợi bất hợp lý trong xã hội Mỹ, đẩy người lao động vào tình cảnh khốn khó.
Cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Chúng tôi là 99%” sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều thành phố khác của Mỹ, nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể chính trị, giới nghiên cứu, nhà báo, văn nghệ sĩ và cả các trùm tài phiệt như George Soros, Warren Buffett, tổng thống và lãnh tụ chính trị một số nước… Và đến nay “Chiếm lấy phố Wall” đã lan ra khắp thế giới như một phong trào của người lao động, viên chức nghèo - giới “cổ xanh” phản đối giới “cổ trắng” ăn trên ngồi trốc bất công, đã nổ ra trên 850 thành phố ở 82 nước!
Tại sao phải “Chiếm lấy phố Wall” mà không phải nơi khác? Căn nguyên vấn đề là những người biểu tình, phản đối cho rằng ngoài việc giới tư bản tài chính tại Mỹ thao túng chính trị, tạo sự bất công lớn trong xã hội, họ còn phải chịu trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nước Mỹ bắt đầu từ năm 2008 và đến nay vẫn còn phát tác hiệu quả xấu khiến đời sống đa số người dân điêu đứng. Một khảo sát nhân 10 năm ngày thảm họa khủng bố 11-9 thể hiện rõ điều này: 50% người dân Mỹ tin rằng khủng hoảng tài chính và tác động của nó còn đáng sợ hơn vụ khủng bố 11-9-2001 và những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan! Do khủng hoảng tài chính đến nay gần 1/3 số người từng thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ đã bị “giáng cấp” xuống nhóm có thu nhập thấp.
Cuộc đấu tranh “Chúng tôi là 99%” xuất phát từ sự bất bình đẳng xã hội sâu sắc. Cũng như các phong trào của giai cấp công nhân, người lao động khác trong lịch sử, họ đòi hỏi công bằng, bảo đảm dân sinh, đối xử bình đẳng… Theo số liệu điều tra, nhóm 400 người giàu nhất nước Mỹ có tài sản tương đương tài sản của 154 triệu dân bình thường, chiếm tới 50% tài sản nước Mỹ - một khoảng cách xã hội khó tưởng tượng.
Điều đáng nói là nhóm người giàu nhất nước lại chịu thuế nhẹ hơn so với người thuộc tầng lớp trung lưu. Và theo kết quả nghiên cứu của Project-Syndicate, trong vòng 5 năm qua có tới 5.000 tỷ USD đã đổ vào túi chủ nhân - nhà điều hành các ngân hàng “đại gia” thông qua các khoảng lương và thưởng cao một cách ngất ngưởng, bất thường - dù các ngân hàng hàng đầu thế giới này đang bị cho là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu! Trong khi đó, dữ liệu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ cho biết có tới hơn 56 triệu người dân nước này đang sống trong nghèo đói, tương đương với mức 18,5% dân số.
Đây không chỉ là hệ quả quy luật “thái quá (gây) bất cập”, “ăn mặn (phải) khát nước” mà là mâu thuẫn đối kháng đã đến lúc bùng phát trong lòng xã hội Mỹ mà cuộc đấu tranh “Chiếm lấy phố Wall” là biểu hiện sinh động.
Họ đã nêu quan điểm rõ ràng trong trang web “Chiếm lấy phố Wall” của mình: “Chúng tôi không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi cải cách bầu cử, cải cách chế độ, do lẽ những cải cách đó lờ đi những bất công trong xã hội. Cội nguồn của sự bất công ấy là các tập đoàn kiểm soát kinh tế, kiểm soát xã hội và từ đó đã kiểm soát nền chính trị”. Nhà kinh tế David Degraw trong cuốn sách mang tựa đề “Con đường đến năm 2012: Cách mạng hay Thế chiến III” đã kêu gọi: “Đã đến lúc chúng ta đứng lên chống lại 400 tỷ phú Mỹ và buộc họ phải có trách nhiệm hơn trước cuộc khủng hoảng kinh tế”.
“Chiếm lấy phố Wall” dù là phong trào tự phát nhưng có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lan tỏa rộng. Sự đình trệ, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua ngoài nguyên do bất ổn về địa - chính trị còn do hệ thống tài chính toàn cầu - trụ cột của nền kinh tế thế giới, quá yếu ớt để thay đổi tình thế. Do khủng hoảng tài chính nên các ngân hàng lớn trên thế giới không thể tung tiền vào nền kinh tế, mà lại tiêu tốn thêm nhiều tiền của hơn của người đóng thuế để khắc phục hậu quả.
Điều này thể hiện rõ qua kế hoạch giải cứu các ngân hàng ở Mỹ trước đây và việc tái cấp vốn các ngân hàng châu Âu hiện nay. Điều này làm giới nghiên cứu và cả người bình thường đặt câu hỏi: Vì sao không cứu người dân đang rơi vào thế ngặt nghèo do khủng hoảng mà lại cứu ngân hàng, các định chế tài chính - tác nhân gây ra thảm họa? Phải chăng điều đó phản ánh bản chất của chủ nghĩa tư bản? Phố Wall là biểu tượng đối với ngành tài chính Mỹ và của đế chế chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Nay người biểu tình không chỉ muốn chiếm cứ mà còn muốn đóng cửa, giải thể phố Wall.
LÊ TIỀN TUYẾN