(SGGP).- Ngày 1-11, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Tại tọa đàm, các đại biểu đều nhận định: Nền giáo dục nước ta hiện đang ở trong tình trạng yếu kém, nhiều bất cập, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong điều kiện mới. Do đó, cần phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu phải đi lên từ giáo dục, giáo dục phải được quan tâm đầu tư thật tốt để đào tạo ra nguồn nhân lực có đủ năng lực xây dựng đất nước, làm tiền đề cho mọi sự phát triển. Thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục phải coi là một công trình lớn của quốc gia. Yêu cầu đổi mới là cấp thiết, phải khẩn trương nhưng bài bản, không thể riêng ngành giáo dục làm được mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Phải có cái nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, tránh sự chắp vá như hiện nay.
Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị: Trước mắt, trung ương và địa phương cần bàn và ra nghị quyết xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện. Đồng thời, cần thiết thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, nêu ra được giải pháp và lộ trình để trình trung ương và quốc hội theo quy định của pháp luật.
Còn GS-TSKH Vũ Ngọc Hải cho rằng: Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo ở nước ta sau 25 năm đổi mới không những là yêu cầu khách quan mà còn là nhiệm vụ mang tính sống còn của ngành giáo dục. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện thành công giáo dục đào tạo trong thập niên tới, trước hết cần phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu then chốt, từ cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tiền lương, trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục… phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, hiện đại và liên thông.
Một số ý kiến khác cho rằng, nhà nước nên tập trung đầu tư bao cấp 100% cho hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT vì nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhân tài đều bắt nguồn từ hệ thống này. Hệ thống ĐH, CĐ, THCN nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư có trọng điểm một số trường, một số ngành nghề chuyên sâu, đặc thù còn các trường còn lại thực hiện chính sách xã hội hóa. Bởi hiện nay ngân sách dành cho các trường mầm non, khối trường phổ thông còn thấp đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng đổi mới là cần thiết, tuy nhiên cần phải làm từng bước, không nôn nóng, phải thận trọng, làm có nguyên tắc và có nghiên cứu kỹ càng, luôn bám sát mục tiêu, cần đổi mới đồng bộ, triển khai thống nhất, có bước đi phù hợp với những ưu tiên xác định. Điều quan trọng là cần phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi, có tâm huyết.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra bàn thảo nhiều vấn đề như: thay đổi cách học và thi, cải cách mạnh mẽ giáo dục đại học, thay đổi chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nội dung và phương pháp dạy học…
L.LINH