Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Bứt phá để đáp ứng nhu cầu việc làm

Sự thay đổi khoa học và công nghệ (nhất là công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo) đang tác động hàng ngày, hàng giờ đến sản xuất, kinh doanh. Kéo theo đó là buộc thay đổi cấu trúc nghề và việc làm.

Công nghệ quản lý quá trình sản xuất cũng thay đổi và ngày càng ít tầng nấc trung gian hơn. Nền kinh tế số sẽ làm thay đổi cấu trúc thị trường lao động. Điều này tác động rất lớn đến giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đòi hỏi cần có những quyết sách để GDNN bứt phá trong giai đoạn tới.

Cơ cấu trình độ nhân lực sẽ khả thi hơn

Sự quản lý thống nhất về GDNN trong năm học vừa qua đã phần nào hạn chế những bất lợi về sử dụng vốn, khả năng quy hoạch cũng như phân luồng học sinh sau THCS; cho thấy một số nét khởi sắc trong cách làm và tiếp cận đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ, cũng như tính dân chủ hóa trong việc ban hành chính sách.

Khởi đầu là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh và ứng dụng Internet trong việc tăng cường hiệu quả quản lý GDNN, kết nối thông tin tốt hơn giữa người học, cơ sở GDNN và các doanh nghiệp. Việc hình thành một số hội đồng kỹ năng nghề ở địa phương giúp cho các cơ sở GDNN đào tạo những kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nhờ vậy giảm bớt được việc “có gì dạy nấy” và hình thành cơ sở hợp tác giữa đơn vị GDNN và doanh nghiệp tốt hơn.  

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có thể coi là cách tiếp cận đổi mới trong làm chính sách phát triển GDNN, không còn tập trung vào một nhóm nhỏ thuộc Tổng cục GDNN để xây dựng chính sách.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Bứt phá để đáp ứng nhu cầu việc làm ảnh 1 Sinh viên Khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học thực hành. Ảnh: THANH HÙNG

Với việc đưa các Bộ KH-ĐT, Tài chính, TN-MT, GD-ĐT… tham gia trong Hội đồng thẩm định quy hoạch, Chính phủ có điều kiện tập trung trí tuệ, kinh nghiệm của các bộ có trách nhiệm trong việc quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia với tầm nhìn xa hơn. Bài toán cân đối cơ cấu trình độ nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bài toán phân luồng học sinh sau THCS sẽ có điều kiện khả thi hơn trên khắp cả nước.

Quy hoạch, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 

Mặc dù kinh tế nước ta đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao so với khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn dựa vào xuất khẩu sản phẩm lắp ráp, may mặc và các mặt hàng nông lâm ngư. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ lệ lớn, sử dụng lao động giản đơn và kỹ thuật thấp, phân bố không đồng đều giữa các ngành và địa phương.

Cơ cấu trình độ lao động của nước ta hiện nay là tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật còn khá cao, nhân lực được đào tạo từ hệ thống GDNN chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực ở khoảng giữa và đáy trong tháp nhân lực còn rất lớn, đây cũng chính là thách thức của GDNN trong thời gian tới.

Do đó, GDNN cần xác định một tầm nhìn và xác định rõ nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2030 để triển khai quy hoạch đồng bộ hệ thống giáo dục - đào tạo gồm: giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục đại học. Từ đó phát triển cân đối các trình độ, đảm bảo đầu vào ổn định và đầu ra của người học nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trong đó lưu ý chính sách quy hoạch là nhất quán nhưng thực hiện cần đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện phát triển của địa phương và của ngành kinh tế để có quy hoạch thực tế. Hơn nữa, chú ý quy hoạch để phát triển hài hòa giữa trường công và tư; tập trung phát triển giáo dục sau trung học ở các khu vực phát triển và phát triển giáo dục trung học nghề ở các khu vực kém phát triển hơn. Đặc biệt chú ý củng cố và hình thành mới các trường cao đẳng cộng đồng ở những nơi có điều kiện. 

Song song đó, việc phân cấp, giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho địa phương và các cơ sở GDNN sẽ giúp các trường năng động hơn, mạnh dạn đổi mới theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời nỗ lực cải thiện hình ảnh của GDNN nhằm thu hút thanh niên không có nhu cầu học đại học vào học nghề, thực hiện phân luồng trong giáo dục.

Công việc này không chỉ riêng trách nhiệm của Tổng cục GDNN, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và hướng đến các đối tượng như người học, trường nghề, giáo viên, doanh nghiệp, bộ ngành, Tổng Liên đoàn Lao động và các tổ chức chính trị khác.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 và khi đó các cơ sở GDNN được dạy các môn văn hóa. Vì thế, cần sớm xây dựng chương trình giáo dục cho các trường trung cấp để dạy tích hợp các môn văn hóa và nghề. Như vậy, cần chuẩn bị trước đội ngũ giáo viên khá lớn, có khả năng dạy được chương trình mới cho trung cấp trong các cơ sở GDNN. Vấn đề chất lượng đào tạo của GDNN cũng phải đặc biệt lưu tâm. Cần rà soát các chính sách đảm bảo chất lượng và xây dựng khung chính sách đảm bảo chất lượng cho GDNN, chuẩn hóa những chương trình đào tạo đòi hỏi tính hội nhập cao và đáp ứng nhu cầu ưu tiên của thị trường lao động. 

Tin cùng chuyên mục