Để thể hiện thông điệp này, nhiều trường học ở TPHCM đang cố gắng thay những giờ chào cờ nặng nề, nghiêng về kỷ luật, tạo áp lực thành tích cho học sinh bằng những hoạt động phong phú, nội dung giáo dục hấp dẫn. Nhưng những điểm sáng này vẫn chưa lan tỏa rộng khắp…
Có phải là sự bất lực?
Ngày đầu tuần, học sinh háo hức đến trường, nhưng niềm vui ấy có khi sẽ vụt tắt nếu giờ chào cờ trở nên nặng nề, xơ cứng với những mệnh lệnh giáo điều, áp đặt kỷ luật thiếu thuyết phục của ban giám hiệu. Không những thế, nó còn bao trùm nỗi sợ hãi của không ít học sinh khi bị “bêu dương” dưới cờ chỉ vì kết quả học tập thấp hoặc mắc sai phạm nào đó.
Học sinh Trường THCS Bình An (Quận 2) không thích bị phê phán trong các buổi chào cờ đầu tuần
Trong hai tuần liên tiếp gần đây, Trường THCS Bình An (quận 2, TPHCM) đã áp dụng hình thức nêu tên những học sinh có học lực yếu ở hai môn Toán và Văn. Ban giám hiệu còn tuyên bố, trong giờ chào cờ tuần tới, nhà trường tiếp tục nêu đích danh những học sinh học yếu về môn Anh văn… Theo một số học sinh đang học ở đây, các em cảm thấy rất buồn và rất sợ giờ chào cờ vì phải chứng kiến bạn mình bị “bêu dương” vì điểm kém. Còn với những học sinh bị dính vào danh sách “đen” này thì nỗi xấu hổ, mặc cảm đè nặng nhiều hơn. Một phụ huynh có con bị nêu đích danh tên học dở môn Văn bức xúc: “Ở lứa tuổi mới lớn và nhạy cảm này, các em rất sợ bị phê phán, chê bai dù mắc lỗi hoặc học chưa tốt lắm. Chúng tôi không hiểu ban giám hiệu nhà trường có thấu hiểu tâm lý học sinh và có kỹ năng sư phạm hay không mà lại áp dụng hình thức “bêu rếu” học trò như thế. Muốn các em học tốt hơn thì phải tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách khuyến khích, động viên, chứ không thể xoáy vào hạn chế, kết quả học chưa tốt của các trò…”.
Tìm hiểu câu chuyện đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh bức xúc, phóng viên Báo SGGP đã đến Trường THCS Bình An để trao đổi về quan điểm giáo dục của nhà trường, nhưng cô hiệu trưởng xua tay không tiếp báo chí. Bỏ đi khỏi phòng một cách thiếu lịch sự, cô tuyên bố lạnh lùng: “Tôi không có quyền trả lời báo chí. Muốn hỏi gì thì lên Phòng Giáo dục quận 2…”.
Theo các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm quản lý, việc nêu đích danh dưới cờ học sinh học yếu, điểm thấp hoặc có lỗi đã thể hiện “sự bất lực”, thiếu kỹ năng giáo dục của nhà trường. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, chú trọng phát triển năng lực cá thể của học sinh nên không thể bắt các em phải học giỏi đều các môn. Đừng đặt nặng điểm số, thành tích để bắt các em thành “gà công nghiệp” - phải học khá, giỏi đều các môn học.
Cần lan tỏa giờ chào cờ thú vị
Trên thực tế, nhiều trường học từ bậc THCS đến THPT ở TPHCM đã chú trọng thay đổi hình thức chào cờ, lồng ghép nhiều hoạt động phong phú, tạo sân chơi bổ ích khiến học sinh hào hứng với ngày đầu tuần thú vị. Điển hình như Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), mỗi lớp được phân công trực chào cờ đầu tuần và cả thầy lẫn trò phải tìm đề tài, thể hiện chủ đề, nội dung gắn với thời sự hoặc vấn đề học sinh quan tâm như văn hóa đọc, kỹ năng sống... Không chỉ minh họa bằng sử ca, đóng kịch, múa hát, các khối lớp còn biến giờ chào cờ thành sân chơi bổ ích, lan tỏa đam mê học tập, khám phá tri thức. Cô Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Do mỗi tuần sẽ có mỗi lớp thực hiện một chủ đề khác nhau nên học sinh các khối lớp luôn háo hức chờ đợi giờ chào cờ, để xem đội bạn mang đến điều gì mới lạ, hấp dẫn. Như thế, ngoài dành một phần nhỏ thời gian để nhận xét chung, đánh giá về thi đua, thông báo về hoạt động giáo dục, nhà trường luôn tạo ra sân chơi để kích thích học sinh năng động, thể hiện năng khiếu sở trường”.
Tương tự, giờ chào cờ ở Trường Trung học Thực hành (THTH) Sài Gòn cũng lan tỏa ý nghĩa từ những hoạt động giao lưu, đối thoại, lắng nghe học sinh thổ lộ chứ không nặng hình thức. Riêng năm học 2015-2016, với chủ đề sinh hoạt dưới cờ là “Tự tin chiếm lĩnh tri thức để khẳng định và phát triển”, mỗi tháng nhà trường thực hiện một chủ đề nhỏ nhằm giúp học trò tự tin bày tỏ chính kiến hoặc nhìn nhận về những sai lầm, cách ứng xử thông minh… Chủ đề xuyên suốt năm học này sẽ giúp học sinh tự tin bày tỏ chính kiến với cha mẹ, thầy cô, chuẩn bị kỹ năng cần thiết để bước vào tương lai. Theo cô Bùi Thủy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường THTH Sài Gòn, nhà trường chỉ thực hiện nhận xét, đánh giá thi đua, khen thưởng mỗi tháng một lần và thời lượng dành để uốn nắn kỷ luật khoảng 15 - 20 phút. Thời gian còn lại là tạo môi trường để các em thể hiện năng khiếu, sở trường thông qua các câu lạc bộ, sân khấu hóa…
Tại TPHCM, nhiều trường THPT khác cũng chú trọng đổi mới giờ chào cờ như khai hội văn hóa đọc - “Lớn lên cùng sách”- hoặc mời chuyên gia tâm lý, người nổi tiếng đến nói chuyện với học sinh thay vì chỉ có ban giám hiệu, giám thị độc thoại như thường lệ. Theo thầy Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, nhiều năm qua ngành GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường học phải đổi mới giờ sinh hoạt dưới cờ và xem đây là hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh lẫn giáo viên. Vì thế, việc còn duy trì các hình thức cũ - đặt nặng vấn đề kỷ luật, la rầy học sinh chưa thuộc bài, học yếu là không phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện các trường khối THPT ở TPHCM đã lĩnh hội tinh thần này và làm khá tốt. Riêng các phòng giáo dục quận, huyện cần rà soát và chấn chỉnh các trường học chưa thực sự chú trọng đổi mới giờ chào cờ, chưa tạo ra sự hứng thú cho học sinh bằng những hoạt động lồng ghép chủ đề phong phú, sinh động, có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng…
KHÁNH BÌNH