Là một thành phố phát triển với tốc độ vượt bậc, quy mô dân số và quy mô sản xuất tăng nhanh, TPHCM đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ mặt trái của sự phát triển, đó là môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Theo TS Phạm Gia Trân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, để thu thập thông tin, một cuộc điều tra xã hội học được thực hiện với 2.000 phiếu gồm 2 nhóm đối tượng: Nhóm chịu tác động của các chương trình, hoạt động nâng cao nhận thức môi trường bao gồm cộng đồng dân cư, các trường học, cơ sở kinh doanh và Nhóm tổ chức triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức môi trường bao gồm các sở ban ngành, các đoàn thể. Kết quả khảo sát cho thấy, tại nơi cư trú của người dân, rác thải là vấn đề môi trường mà nhóm cộng đồng dân cư và sinh viên quan tâm nhất. Đa số người dân tham gia khảo sát nói rằng họ có nghe về các chương trình rác thải trọng điểm của thành phố như chương trình phân loại rác tại nguồn, rác trên kênh rạch, con số này chiếm 57,9% và 60,5%. Đa số các hộ gia đình quan tâm đến quy định “không đổ rác ra vỉa hè, lòng lề đường, kênh rạch, cống thoát nước, hố ga” và cho biết họ đã được tuyên truyền về các quy định này.
Trong khi đó, có 96,8% học sinh cấp 1 cho biết, đã áp dụng kiến thức môi trường đã học như bỏ rác đúng nơi quy định; có 91,9% học sinh cấp 3 cho rằng có áp dụng những kiến thức về môi trường đã được học ở lớp vào cuộc sống hàng ngày và có 82,9% học sinh cho biết đã từng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong và ngoài trường. Trong khi đó con số này đối với sinh viên là 85,6%. Thêm vào đó, có 98,4% sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM thể hiện sự quan tâm của mình đến quy định “bỏ rác đúng nơi quy định” và “Quy định xử phạt các trường hợp bỏ rác bừa bãi”. Hầu hết các em đã tiếp cận được các thông tin liên quan và cho rằng các quy định này là cần thiết và dễ hiểu. Sinh viên tiếp cận thông tin môi trường từ 3 nguồn chính là thông qua các môn học và hoạt động của Đoàn trường, Hội sinh viên; thông qua việc tham gia các cuộc thi phong trào vận động, câu lạc bộ môi trường và các tổ chức môi trường trong và ngoài nước; thông tin từ gia đình, nơi cư trú. Trong đó, nguồn cung cấp thông tin được sinh viên đánh giá cao nhất là từ hoạt động của các tổ chức môi trường. Đối với việc tự tìm hiểu thông tin môi trường qua các phương tiện truyền thông đại chúng đa số sinh viên cho rằng truyền hình, internet, sự kiện, phim ảnh là những công cụ truyền tải thông tin dễ hiểu và sinh động thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
TS Phạm Gia Trân cho biết thêm, các chương trình và hoạt động truyền thông môi trường tại TPHCM đã và đang góp phần quan trọng vào sự chuyển biến nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của người dân thành phố thông qua việc cung cấp các điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các thông tin và các quy định pháp luật bảo vệ môi trường cũng như tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Các chương trình và hoạt động truyền thông môi trường đã được các sở ban ngành triển khai rộng khắp cho nhiều đối tượng khác nhau với hình thức đa dạng và nội dung ngày càng thiết thực đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong thời gian tới, các hoạt động truyền thông môi trường cần được đổi mới cả về hình thức và nội dung nhằm đáp ứng sự biến đổi các vấn đề môi trường cũng như đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
HÀ VĂN