Đổi mới y tế toàn diện vì người bệnh

Trước việc người dân khi đi khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, bức xúc do quá tải bệnh viện và một y, bác sĩ có thái độ ứng xử không đúng mực, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế toàn diện để lấy lại niềm tin của người dân vào ngành Y tế. Trong số đó, cuộc vận động cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được các bệnh viện và người dân hưởng ứng và đánh giá cao trong thời gian qua.
Đổi mới y tế toàn diện vì người bệnh

Trước việc người dân khi đi khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, bức xúc do quá tải bệnh viện và một y, bác sĩ có thái độ ứng xử không đúng mực, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế toàn diện để lấy lại niềm tin của người dân vào ngành Y tế. Trong số đó, cuộc vận động cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được các bệnh viện và người dân hưởng ứng và đánh giá cao trong thời gian qua.

Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Bộ Y tế, đồng thời hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, sáng nay 10-11, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề  “Đổi mới y tế toàn diện vì sự hài lòng của người bệnh”.

Tham dự cuộc giao lưu có :

- TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế

- Thầy thuốc nhân dân GS.TS. Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Bộ Y tế

-  BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM

Dưới đây là nội dung của cuộc giao lưu.

- Nguyễn Tuấn Minh: Tôi được biết đã có hơn 20 bệnh viện trung ương ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Xin ông cho biết một số biết kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện cam kết trên?

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Tới nay 38 bệnh viện của Bộ Y tế hầu hết đã triển khai việc "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Tuy nhiên việc ký cam kết chính thức là hơn 20 bệnh viện. Việc tổ chức cuộc vận động ký cam kết "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được các địa phương, bệnh viện và người dân rất quan tâm. Chính thức ngày 4-6-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phê duyệt kế hoạch 2151 về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Đến nay việc khởi động cuộc vận động ký cam kết trên đã được triển khai thực hiện tại tất  cả các vùng miền trong cả nước bắt đầu từ miền Bắc tới miền Nam và miền Trung. Trong thời gian qua bước đầu thực hiện cho thấy kế hoạch đổi mới được người dân hưởng ứng rất tích cực và cán bộ y tế cũng đang rất nỗ lực thực hiện, với những kết quả ban đầu rất khích lệ. Ví dụ như qua hoạt động của đường dây nóng y tế theo chỉ thị 09 và hòm thư góp ý theo thông tư 25 cho thấy những phản ánh bức xúc của người dân khi đi khám chữa bệnh đã giảm dần, lời khen đã nhiều hơn tiếng chê. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi, chuyển mình thực sự của các y, bác sĩ trong hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện nhưng tất nhiên không thể là tuyệt đối 100%.

Bên cạnh đó cũng có những khó khăn, trong đó lớn nhất là thay đổi nhận thức của cán bộ y tế và thay đổi cả thái độ của người bệnh khi đi khám chữa bệnh. Không ít người dân khi đi khám chữa bệnh cũng vẫn nặng tâm lý, hay suy nghĩ phải có "phong bì" thì mới được chăm sóc tốt. Tuy nhiên trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay luôn đòi hỏi sự công bằng giữa người cung ứng dịch vụ với người được hưởng thụ dịch vụ đó. Vì thế cán bộ y tế phải có sự thay đổi nhận thức chuyển từ "ban ơn" trước đây sang phục vụ theo cơ chế dịch vụ, phải tôn trọng bệnh nhân, tiếp đón niềm nở, chăm sóc chu đáo và dặn dò cẩn thận khi bệnh nhân ra viện. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải thay đổi nhận thức vì họ là khách hàng có quyền yêu cầu cán bộ y tế một cách hợp lý để nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất.

TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế. (Ảnh: Q.K)

- tranha@yahoo.com: Tôi thấy báo chí nói ngành y tế đang thay đổi thái độ phục vụ nhưng khi đi khám bệnh ở bệnh viện tôi vẫn phải chờ đợi rất lâu, có khi tới cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Đến khi khám xong thì mất nguyên buổi. Ngành y tế làm sao rút ngắn chờ đợi cho người bệnh?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Để rút ngắn thời gian khám bệnh Bộ Y tế đã ra Quyết định 1313 chỉ đạo cho các bệnh viện trong cả nước và tại TPHCM cần đẩy mạnh cải cách quy trình khám bệnh nhằm rút bỏ bớt một số khâu không cần thiết, tăng cường công nghệ thông tin, cải cách về giao tiếp đối với người bệnh... Tăng cường kiểm tra giám sát nhằm phát hiện các sai sót và kịp thời chấn chỉnh.

- luungoctrang321@gmail.com: Nói bệnh nhân là khách hàng nhưng chỉ đúng với bệnh nhân đi khám dịch vụ của bệnh viện chứ đi khám BHYT tôi vẫn bị phân biệt đối xử. Lâu nay vào bệnh viện, bệnh nhân có BHYT bao giờ cũng bị “ít chu đáo” hơn bệnh nhân bỏ tiền khám dịch vụ. Có phải vì đồng tiền mà bệnh viện có thái độ như vậy?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Hiện nay tiến tới việc BHYT toàn dân, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong cả nước. Đặc biệt là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội tình trạng quá tải bệnh vẫn còn xảy ra ở một số các bệnh viện. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều giải pháp giảm tải đối với các bệnh viện tuyến cuối, tuyến chuyên khoa. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày phong phú, ngày càng cao của người dân, do đó khám chữa bệnh dịch vụ cũng được triểm khai ở một số các bệnh viện. Tuy nhiên trong thời gian qua, ở một số bệnh viện việc quản lý khám chữa bệnh dịch vụ đôi lúc chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng phục vụ cho người khám dịch vụ và khám bệnh không có dịch vụ đôi lúc có sự khác biệt và không làm hài lòng người dân khi khám chữa bệnh.

Thấy được vấn đề này, quản lý nhà nước về y tế đã đưa ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh khám chữa bệnh dịch vụ của các bệnh viện, thường xuyên kiểm tra giám sát. Hy vọng trong thời gian sắp tới không còn có sự khác biệt giữa khám chữa bệnh bằng BHYT và dịch vụ.

BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. (Ảnh: MAI HẢI)

- Nguyễn Đắc Nghĩa (Cần Giờ, TPHCM): Tôi có 3 câu hỏi nhờ chương trình chia sẻ, giải đáp. 1- Đổi mới (y tế) có phải làm mới cái cũ? nếu vậy thì xin y tế cho biết cái cũ (y tế) có gì không hài lòng cần phải đổi mới. Sự hài lòng của bệnh nhân có gì mới mà y tế không đáp ứng hoặc theo kịp? 2- Bây giờ mới có cuộc vận động đổi mới toàn diện, như vậy có quá trễ, quá khó chữa trị khi nó đã trở thành thói quen, thành bệnh! Tại sao đó không phải là công việc thường xuyên, làm cho mỗi ngày mỗi mới? 3- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế theo tôi không gì mới hơn là làm sao cho người bệnh hài lòng và gọi bệnh viện là ”nhà thương” như đã từng gọi.. . Rất Cám ơn!

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

TPHCM Có thể nói rằng đổi mới y tế toàn diện phải dựa trên nền những cái có sẵn: phát huy những điểm tốt, mặt mạnh sẵn có của ngành; phải thay đổi, đổi mới những điểm mà người dân chưa hài lòng để hướng tới một dịch vụ Y tế ngày càng tốt hơn. Chúng ta phải làm sao để làm tốt theo lời dạy của Bác Hồ "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền". Hiện tại, trong phục vụ của ngành Y tế nói chung đã có nhiều ưu điểm, trình độ chuyên môn kỹ thuật tiếp cận được với sự phát triển của khu vực tại các bệnh viện lớn. Tinh thần, thái độ của đa số cán bộ viên chức ngành Y là tốt. Tuy nhiên, đôi lúc đôi nơi vẫn còn có sai sót trong thái độ tiếp xúc và thi thoảng vẫn còn có những tai biến cho bệnh nhân. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng việc đổi mới y tế toàn diện để nâng cao sự hài lòng là một vấn đề cần thiết.

Cuốc sống ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần nên đòi hỏi chất lượng dịch vụ y tế cũng phải được nâng cao. Trong khi ở các nước phát triển người ta có khoảng 35-40 bác sĩ/10.000 dân thì chúng ta mới có được khoảng 7-8 bác sĩ/10.000 dân. Còn ở các khu vực vùng sâu vùng xa thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Số giường bệnh và bệnh viện trong các thành phố lớn có một thời gian dài chưa được nâng lên. Chính vì vậy, cơ sở vật chất và con người chưa đủ đáp ứng với nhu cầu của người bệnh. Đời sống của cán bộ viên chức ngành Y cũng còn nhiều khó khăn trong khi cường độ làm việc rất cao và đòi hỏi chất lượng phục vụ của người dân không ngừng tăng lên. Chính vì vậy, vẫn còn có những bất cấp như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa; tinh thần phục vụ có lúc có nơi còn chưa được hài lòng người bệnh; cơ sở vật chất có chỗ còn chưa đủ để đáp ứng với mong muốn của bệnh nhân...

Thật chất ngành Y tế luôn luôn được đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng phục vụ. Lần này là một đợt vận động lớn, mạnh mẽ, sâu rộng nhằm đổi mới Y tế toàn diện để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh trong hoàn cảnh mới. Không phải bây giờ ngành Y tế mới đổi mới mà việc này đã là một quá trình từ lâu nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của người bệnh cho nên mới có cuộc vận động này. Chúng tôi nghĩ rằng không có việc gì là quá muộn nếu chúng ta nhìn thấy được vấn đề, biết cách tổ chức triển khai, giải quyết rốt ráo vấn đề thì chúng ta sẽ nhanh chóng đáp ứng được từng bước mong muốn và yêu cầu của nhân dân trong công việc khám và chưa bệnh. Rất cảm ơn bác! Đúng là: "Đổi mới Y tế toàn diện vì sự hài lòng của người bệnh" là chủ đề của buổi giao lưu ngày hôm nay. Chính cái tên của chủ đề buổi giao lưu đã đúng như ý của bác suy nghĩ. Xin trân trọng cảm ơn bác!

Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất. (Ảnh: MAI HẢI)

- Nguyễn Huy Linh: Thưa Vụ trưởng! Việc các bệnh viện trung ương ký cam kết "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” có tạo ra áp lực cho bệnh viện khi mà nhiều bệnh viện hàng ngày vẫn đang quá đông bệnh nhân, nhất là bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên khiến cán bộ y tế rất căng thẳng, vất vả phải căng mình ra phục vụ người bệnh?.

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Chắc chắn bệnh viện phải chịu áp lực, từ lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa phòng cho tới toàn thể cán bộ y tế trong bệnh viện đều phải chịu áp lực. Bởi lẽ khi đã ký cam kết thì phải thực hiện tốt. Trong thời gian qua, một số lãnh đạo các bệnh viện còn đang quá tải lớn đã buộc phải tư duy và đổi mới quản lý nhằm giảm bớt quá tải, nếu như trước đây một bác sĩ của bệnh viện phải khám tới 100 bệnh nhân/ngày thì bây giờ lãnh đạo bệnh viện phải tính toán thay đổi hợp lý để làm sao giảm xuống chỉ khám 50 bệnh nhân/ngày. Vì thế đòi hỏi lãnh đạo bệnh viện phải suy nghĩ tìm tòi để đưa ra được những giải pháp nhằm giảm tải và phục vụ người bệnh tốt hơn.

Như vậy, việc ký cam kết là áp lực nhưng cũng chính là động lực để cho mỗi giám đốc bệnh viện, trưởng khoa phòng và bản thân mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn nữa.

Nhiều bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải. (Ảnh: Q.K)

- lethuyvu@yahoo.com.vn: Y đức, thái độ ứng xử với bệnh nhân là kỹ năng cơ bản và môn học đối với các sinh viên trường y lâu nay. Xin ông Phạm Văn Tác cho biết vì sao Bộ Y tế lại phải tổ chức vận động cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”?

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Thực ra thời điểm mà Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định mở cuộc vận động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế vì sự hài lòng của người bệnh, đúng là có lý do của nó. Mặc dù trong nhiều trường Y đều có bộ môn Y đức và giảng dạy cho sinh viên nhưng những bài giảng chỉ là một phần so với thực tế khi làm việc tại cơ sở y tế nên chương trình đào tạo tới đây sẽ phải đổi mới cho tốt hơn, phù hợp thực tiễn hơn. Cùng với đó, thời gian vừa qua, hệ thống y tế cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hơn, hoạt động của ngành y tế cũng dần qua giai đoạn bao cấp để theo hướng thị trường xã hội chủ nghĩa. Vì thế người dân cũng có quyền đòi hòi chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn, y đức, thái độ ứng xử của y, bác sĩ cũng phải thân thiện, niềm nở hơn nên việc Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định đưa ra cuộc vận động trên vào thời điểm này là rất chính xác và phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như là thời điểm để chúng ta xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế ngày một tốt đẹp hơn trong tương lai.

- ngoclamtran2412@gmail.com: Bây giờ vô bệnh viện nào cũng như ma trận. Loanh quanh đi tìm phòng khám, siêu âm, x quang… đã hết cả tiếng đồng hồ. Bộ Y tế nói thay đổi gì mà mấy cái nhỏ nhặt, có thể làm được ngay thế sao không cho bệnh nhân nhờ. Cụ thể ở bệnh viện Thống Nhất đã có những cải tiến ra sao nhằm khắc phục tình trạng này thứ bác sĩ

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Các bệnh viện lớn tại TPHCM nói chung và bệnh viện Thống Nhất nói riêng có diện tích mặt bằng rất lớn. Đây cũng là một khó khăn cho người bệnh mới đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Chúng tôi đã và đang tiếp tục triển khai hoàn thiện các sơ đồ bệnh viện, các khoa phòng, bảng chỉ đường trong bệnh viện cũng như quy trình của việc khám và chữa bệnh. Chúng tôi cũng bố trí một số hướng dẫn viên để giúp đỡ người bệnh. Ngoài ra, mỗi một bệnh nhân sau khi được tiếp nhận đều có được hướng dẫn để tìm nhanh đến nơi cần khám hoặc xét nghiệm tiếp. Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch tăng cường số hướng dẫn viên để giúp bệnh nhân thuận tiện hơn.

- phuongngoc_hcmcity@gmail.com: Tôi có con nhỏ 2 tuổi. Cách nay không lâu tôi đưa con đi chữa bệnh ở một bệnh viện nhi đồng của TPHCM. Khi nhập viện, do thấy bệnh nhân quá đông ở các khoa công lập nên tôi xin sang nằm phòng dịch vụ. Tuy nhiên, khi tôi hỏi có cần trình thẻ BHYT không thì cô y tế nói trình sau cũng được. Đến khi xuất viện tôi mới trình thẻ BHYT của trẻ con (dưới 6 tuổi được miễn phí điều trị hoàn toàn) nhưng bệnh viện không chịu, vẫn thu viện phí của tôi gần 5 triệu đồng. Vậy có đúng không?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Trường hợp của chị: Theo quy định của Luật BHTY, tất cả những trẻ em dưới 6 tuổi có hộ khẩu hoặc KT3 tại TPHCM sẽ được hưởng chế độ BHYT 100% khi điều trị tại các bệnh viện nhi đồng ở TPHCM. Đối với các trẻ em dưới 6 tuổi có hộ khẩu hoặc KT3 ở các tỉnh khi đến điều trị tại các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM cần có giấy chuyển viện từ nơi khám chữa bệnh ban đầu. Riêng trong trường hợp cấp cứu thì cần xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng BHYT 100%. Trường hợp của con chị có BHYT nhưng nằm điều trị tại khoa dịch vụ, cháu vẫn được hưởng BHYT 100% theo khung giá quy định. Phần viện phí chênh lệch sau khi trừ BHYT thì gia đình đồng chi trả. Như vậy trường hợp của con chị phần 5 triệu có thể là phần chi phí vượt khung quy định của BHYT mà gia đình phải đồng chi trả. Tuy nhiên để hiểu được chi tiết và chính xác trường hợp của con chị, chị có thể liên hệ với Phòng kế hoạch Tổng hợp, Phòng Tài chính Kế toán của bệnh viện để được giải thích cụ thể và chính xác. Trân trọng cảm ơn!

Quang cảnh buổi giao lưu. (Ảnh: MAI HẢI)

- Lê Thị Hương: Tôi được biết viện phí sắp được tăng lên khi tính thêm lương và phụ cấp cấp của cán bộ y tế. Theo Bộ Y tế yêu cầu, khi tăng viện phí, các bệnh viện phải lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ, người bệnh sẽ trở thành “khách hàng đặc biệt”. Tuy nhiên lâu nay, các bệnh viện quen hoạt động theo kiểu bao cấp. Vậy để làm vừa lòng được “khách hàng đặc biệt”, các bệnh viện nói sẽ phải đổi mới như thế nào và ngành Y tế nói sẽ có nhưng bước chuyển và đột phá gì để người bệnh thực trở thành "thượng đế"? Thưa TS Phạm Văn Tác?

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Về việc đổi mới về cơ chế hoạt động tài chính y tế phải khẳng định trước đây nhà nước dùng nguồn kinh phí để bao cấp cho hoạt động của bệnh viện hay cơ sở cung cấp dịch vụ thì bây giờ sẽ chuyển toàn bộ sang cho người bệnh sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên sau nhiều năm, việc đổi mới về cơ chế tài chính y tế hay giá dịch vụ y tế, chúng ta cũng mới chỉ có tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế và có tỉnh mới tính giá 65% trong 4 yếu tố đó. Tới đây theo lộ trình thực hiện việc đổi mới giá viện phí thì sẽ đưa thêm tiền phụ cấp trực, sau đó là lương của cán bộ y tế vào viện phí. Như vậy thì đời sống của cán bộ, nhân viên y tế cũng sẽ tốt hơn, bệnh viện cũng có nguồn thu để tái đầu tư phát triển. Chính vì thế, người dân cũng có đòi hỏi, mong muốn rất chính đáng là chất lượng dịch vụ y tế phải nâng cao, được phục vụ chu đáo hơn. Do vậy mỗi một cán bộ y tế trong mỗi bệnh viện phải nhận thức rõ được và phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân. Có như vậy người dân mới tới bệnh viện của mình khám chữa bệnh, bệnh viện mới có nguồn thu để phát triển, y bác sĩ cũng tăng thu nhập còn nếu không người bệnh sẽ quay lưng và đì tìm bệnh viện tốt hơn. Do đó đổi mới thái độ phong cách của cán bộ y tế vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ song cũng là quyền lợi của mỗi cán bộ y tế y tế, mỗi cơ sở y tế.

Hơn nữa với việc tăng viện phí tới đây sẽ không có ảnh hưởng hay tác động lớn tới người dân vì tới nay cả nước đã có gần 75% dân số có BHYT, đặc biệt là người nghèo sẽ được hưởng lợi khi họ được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Vì thế những người không có BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi viện phí tăng tới đây, điều này buộc họ sẽ phải tham gia BHYT nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm. Và đây cũng là một trong những mục tiêu để chúng ta tiến tới BHYT toàn dân.

- minhtoanlai_vn@yahoo.com: Đi vào bệnh viện bây giờ quá tải còn hơn "đi hội". Hôm rồi, tôi đưa người thân đi khám ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM vẫn thấy chen chúc, bệnh nhân đúng ngồi la liệt. Bộ Y tế nói giảm tải mà chưa thấy gì cả?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Quá tải hiện giờ vẫn còn đang là vấn đề khó giải quyết của ngành trong khi số lượng bác sĩ, số lượng giường bệnh đã được cải thiện một phần trong thời gian qua nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của nhân dân. Người dân còn có thói quen tìm đến các bệnh viện tuyến cao và các bệnh viện tuyến chuyên khoa để điều trị trong khi thực chất ở các tuyến người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vẫn có đủ khả năng khám và điều trị. Bộ Y tế đã phối hợp với các ban ngành và chính quyền, các bệnh viện có quá tải để giải quyết quyết liệt vấn đề này.

Các bệnh viện lớn đã tăng cường lực lượng đi về tuyến trước để làm giúp, làm hộ, chuyển giao kỹ thuật nhằm thu hút bệnh nhân ở các tuyến dưới giảm số lượng bệnh nhân đi lên tuyến trên (theo Đề án 1816). Gần đây, với chủ trương xây dựng các bệnh viện hạt nhân giúp đỡ cho các bệnh viện vệ tinh cũng là một biện pháp tích cực để tăng cường khả năng khám chữa bệnh cho tuyến trước nhằm giảm tải tại các bệnh viện lớn và chuyên khoa. Theo tôi, để giải quyết vấn đề quá tải tại các bệnh viện cần phải có thời gian và một lộ trình nhất định của ngành Y tế phối hợp với các ban ngành của Trung ương và địa phương. Đồng thời, người dân cũng phải chấp nhận khám và chữa bệnh tại các tuyến có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của họ, tránh tình trạng dồn hết lên tuyến trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ nhất từ trái qua) thăm hỏi, động viên bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu. (Ảnh: Q.K)

- phamphuonglanh@gmail.com: TS Phạm Văn Tác có thể cho chúng tối biết, cùng với cuộc vận động ký cam kết trên, trong năm 2016 tới, Bộ Y tế sẽ có thêm những giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ ứng xử của y bác sỹ với người bệnh được tốt hơn nữa?

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Thực tế cuộc vận động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế mới triển khai được ít tháng nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Để người dân, cán bộ y tế, cũng như các bệnh viện hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc vận động này rất cần sự đồng hành, ủng hộ của các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng rất quan trọng. Báo chí là cầu nối giữa người dân và ngành y tế, giúp cho người dân hiểu rõ hơn những chính sách của mới về y tế.

Vì thế tới đây theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ phát động các cuộc thi như: bệnh viện giỏi, cán bộ y tế thực hiện cam kết giỏi, hay tổ chức các chương trình hoạt động tuyên dương các điển hình cán bộ tiên tiến... nhằm mục đích "lấy xây để chống" để động viên, khích lệ cán bộ y tế. Cùng với đó dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ cũng xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định thành lập 8 đoàn thanh tra kiểm tra giám sát thường xuyên các bệnh viện thực hiện cam kết. Trong đó có 5 đoàn do các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế làm trưởng đoàn, có 2 đoàn ở Hà Nội và TP HCM thì giao cho lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn nhưng có sự tham gia của các lãnh đạo một số vụ, cục của Bộ Y tế. Đặc biệt đoàn thứ 8 được gọi là đoàn phản ứng nhanh được giao cho Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ phụ trách và trong bất cứ lúc nào, ngay khi nhận được thông tin hay chỉ đạo của Bộ trưởng là lên đường tới kiểm tra bệnh viện ngay. Việc kiểm tra giám sát này cũng nhằm mục đích để bệnh viện, cán bộ y tế thực hiện tốt hơn những cam kết đã ký, qua đó cũng để đánh giá, tổng kết nhằm rút ra kinh nghiệm. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng bộ công cụ giám sát và kiểm tra để bảo đảm tính khách quan. Bên cạnh đó, thực hiện đề án của Chính phủ về cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo xây dựng và triển khai thí điểm đề án về đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công. Hy vọng trong những năm tới với bộ công cụ để chính người dân, người bệnh đánh giá khách quan này ngành y tế sẽ ngày càng tốt hơn.

- Ngô Xuân Hòa: Tôi được biết, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VI với chủ đề “Đổi mới - Năng động - Sáng tạo - Hiệu quả vì sức khỏe nhân dân” mới đây đã thành công tốt đẹp. Thời gian tới, Ngành y tế sẽ có những giải pháp, phương hướng nào để đưa chủ đề của đại hội thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả và mang lại lợi ích người bệnh?

>> TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:

Đại hội thi đua yêu nước ngành Y tế đã để lại ấn tượng rất lớn đối với đời sống xã hội, người dân cũng đã hiểu, chỉa sẻ hơn khi trong ngành y đang có nhiều cán bộ y tế hy sinh thầm lặng, không quản khó khăn, gian khổ nỗ lực vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó ở nơi này, nơi kia vẫn có một số ít cán bộ, nhân viên y tế có biểu hiện tiêu cực, ứng xử chưa đúng mực với người bệnh.

Vì thế, ngành Y tế sẽ tiến hành xây dựng một kế hoạch dài hơn trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo để đổi mới toàn diện cả hệ thống y tế nhằm đưa chủ đề, mục tiêu của đại hội thực sự đi vào đời sống. Và để làm được việc này sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ở tất cả các khâu, từ đổi mới về hệ thống đào tạo nhằm xây dựng người cán bộ y tế đáp ứng được tinh thần mới, không chỉ có chuyên môn vững vàng mà phải có tinh thần sẵn sàng cống hiến cả tới vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở cũng sẽ phải thay đổi theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn phù hợp với thực tiễn.

Còn hệ thống y tế ở địa phương sẽ phải củng cố tăng cường hơn nữa nhất là với hệ thống y tế cơ sở được coi là "xương sống" của ngành Y tế. Đây cũng là tuyến đầu tiên chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân nên việc tăng cường đầu tư, đổi mới hơn hoạt động của y tế cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương, vùng miền sẽ góp phần to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân theo chiều dọc để người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Bởi lẽ người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn sẽ không phải vượt tuyến lên tuyến trên để khám chữa bệnh giúp người dân đỡ vất vả và tốn kém, cũng như góp phần giảm tải y tế tuyến trên. Ngoài ra tại tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng thu gọn lại theo hướng hợp nhất một số trung tâm như: y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống một số bệnh xã hội, phong, lao, tâm thần... thành một trung tâm phòng chống bệnh tật, y tế dự phòng chung như một số nước phát triển đang áp dụng. Đồng thời, ngành Y tế cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, phổ cập y học chuyên sâu, kỹ thuật cao tới tuyến huyện, tỉnh để người dân được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn, đồng thời giảm tốn kém, vất vả cho người bệnh.

Căn bản hơn là ngành Y tế sẽ phải đổi mới toàn diện và tăng cường đầu tư thỏa đáng hơn nữa cho y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tốt hơn nhằm giảm bệnh tật cho người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ có sức khỏe tốt hơn, không phải tốn kém, mất nhiều thời gian, vất vả tới bệnh viện để khám chữa bệnh. Vì thế đầu tư cho y tế dự phòng chính là bước đầu tư rẻ nhất, kinh tế nhất nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ đẩy mạnh phát động nhiều phong trào thi đua để mỗi người dân hiểu và tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, cũng như có trách nhiệm hơn đối với bản thân và cả cộng đồng.

- yenoanh0102@gmail.com: Tai biến vắc xin liên tiếp xảy ra, nhất là mới đây nhất là vắc xin Quinvaxem nhưng Bộ Y tế nói vẫn an toàn mà dùng. Cái vắc xin này gây tai biến nhiều trường hợp từ năm 2013, 2014 và hiện tôi có con nhỏ cũng đang sợ không dám tiêm vắc xin này. Mấy người bạn tư vấn sang Singapore tiêm ngừa vắc xin 6 trong 1 cho an toàn chứ không thể mạo hiểm với tính mạng con cái được. Là người có nhiều năm gắn bó, cống hiến với ngành y tế, Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, theo bác sĩ người dân phải ứng phó ra sao?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Vấn đề tai biến trong Y khoa là vấn đề không thể tránh khỏi. Một món ăn cũng có thể gây dị ứng dẫn đến sốc phải cấp cứu và có thể dẫn đến tử vong. Dùng thuốc gì cũng có những mặt trái của nó, ít hay nhiều mà thôi. Việc dùng vắc xin để phòng bệnh cho các cháu nhỏ là điều cần thiết. Tất nhiên, trong quá trình tiêm vắc xin có thể có các biến cố. Tuy nhiên, số lượng gặp phải rất ít. Tất cả các cơ sở tiêm chủng của ngành Y tế đã được phổ biến và thực hiện làm theo đúng các quy trình được đề ra cho tiêm phòng. Đặc biệt, phác đồ cấp cứu khi bệnh nhân bị tai biến khi tiêm vắc xin cũng như dùng các thuốc khác đã được triển khai với đầy đủ các thuốc men, dụng cụ và kiến thức của nhân viên Y tế. Theo tôi, việc tiêm vắc xin tại các cơ sở lớn và có giấy phép của các cơ quan chức năng nói chung là đáng tin cậy.

- thangloinguyen@yahoo.com: Bộ Y tế công bố tiếp tục tăng viện phí trong khi lương bổng thì không tăng, gánh nặng lại đè lên người bệnh. Nói rằng tăng viện phí không ảnh hưởng đến người bệnh có BHYT nhưng đó chỉ là người bệnh được hưởng 100% BHYT, còn người đồng chi trả 5%, 20% vẫn phải trả thêm chứ sao nói không ảnh hưởng được.

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Hiện tại cơ cấu tính giá của các dịch y tế được bảo hiểm chi trả chưa hoàn toàn tính đúng tính đủ. Bởi vì nếu tính đúng tính đủ thì các giá sẽ tăng lên đột ngột rất cao, làm ảnh hưởng đến khám chữa bệnh của người dân có BHYT. Do đó Bộ Y tế nói chung và UBND TPHCM nói riêng đã đưa ra lộ trình tiến tới tính đúng tính đủ giá của các dịch vụ y tế được BHYT chi trả, lộ trình này được bắt đầu tại TPHCM từ ngày 1-6-2014 và đến ngày 1-6-2016 sẽ được tính đúng tính đủ.

Mục đích tính đúng tính đủ giá của các dịch vụ BHYT nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân, đồng thòi tạo thêm nguồn kinh phí để đầu tư cho các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn, và giảm gánh nặng ngân sách bao cấp của nhà nước trong thời gian dài vừa qua.

Tuy nhiên lộ trình khi tăng giá của các dịch vụ được BHYT chi trả cũng đã được nhà nước và lãnh đạo ngành y tế xem xét rất cẩn thận nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của người bệnh, nhất là vấn đề chi phí khám chữa bệnh.

Cụ thể tại TPHCM những đối tượng người bệnh thuộc diện nghèo (có mã thẻ BHYT là CN) được hưởng 100% chi phí BHYT trong đó ngân sách TP chi trả 5%. Thứ 2 đối với đối tượng thuộc diện cận nghèo (có mã thẻ BHYT GD) sẽ được hưởng 95% chi phí BHYT, trong đó ngân sách TP chi trả 15%.

Mặc khác nếu chi phí khám chữa bệnh BHYT nhỏ hơn hoặc bằng 15% mức lương cơ bản (172.500 đồng) cho một lần khám bệnh thì người bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định.

Trong trường hợp người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi 100% khi khám chữa bệnh khi có giấy xác nhận miễn cùng chi trả do cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp. Lưu ý, khi người bệnh có tổng chi phí cùng chi trả BHYT trong 1 năm trên 6 tháng lương cơ bản (6,9 triệu đồng) thì đến cơ quan bảo hiểm xã hội xin cấp giấy xác nhận miễn cùng chi trả.

Do vậy phần chi phí tăng thêm như anh vừa hỏi đã được ngân sách trả nếu anh thuộc diện người bệnh nghèo hoặc cận nghèo. Để được ngân sách của thành phố anh đến phường xã đăng kí cấp thẻ BHYT thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo để được hổ trợ. Trân trọng cảm ơn!

Phân loại máu tại bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. (Ảnh: MAI HẢI)

- Bạn đọc: Xin ông cho biết những khó khăn lớn nhất mà ngành y tế đang phải đối mặt?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Ngành Y tế hiện nay theo tôi đang đối mặt với khá nhiều khó khăn:

- Thứ nhất, sự đòi hỏi và nhu cầu về chất lượng khám và chữa bệnh của người dân tăng rất nhanh mà điều kiện về người và trang thiết bị, cơ sở vật chất của ngành Y tế trước mắt chưa thể đáp ứng ngay được.

- Thứ hai, chính vì giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ cho nên các bệnh viện không đủ nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc cũng như thu hút những cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

- Thứ ba, tình trạng quá tải tại các cơ sở dẫn đến sức lực, độ tỉnh táo và trạng thái tâm lý của nhân viên y tế bị ảnh hưởng rất nhiều.

- Thứ tư, một số người dân có thái độ chưa đúng mức, thậm chí sử dụng bạo lực với nhân viên y tế ngay cả khi nhân viên y tế không có thiếu sót hoặc chỉ vì sự hiểu nhầm lẫn nhau.

- Thứ năm, đời sống của nhân viên y tế còn nhiều khó khăn, phải bươn chải để đảm bảo đời sống cho gia đình và bản thân nên họ thường làm thêm ngoài giờ dẫn đến mệt mỏi, đôi lúc thiếu tập trung.

Ngoài ra, còn rất nhiều các yếu tố liên quan đến các vấn đề xã hội và cơ chế cũng có những ảnh hưởng nhất định đến việc cung cấp dịch vụ y tế của ngành.

- Bạn đọc: Năm nào cũng thấy dịch bệnh tràn lan, hết sởi, rubella, rồi sốt xuất huyết. Ngành y tế dự phòng làm sao mà dịch bệnh càng ngày càng nhiều, hàng chục ngàn người mắc dịch sốt xuất huyết. Con tôi cũng bị mắc sốt xuất huyết mặc dù gia đình ở trung tâm thành phố TPHCM, lại ở chung cư sạch sẽ. Vô bệnh viện thì thấy trẻ con đâu mà nằm la liệt tại BV Nhi đồng 1. Theo BS.CK2 Phù Chí Dũng Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM ngành Y tế cần có giải pháp gì để đỡ dịch bệnh cho người dân nhờ.

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Trong năm 2015 một số dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, như số ca mắc bệnh chân, tay, miệng giảm đáng kể so với năm 2014. Tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt Dengue tăng lên so với năm 2014, có thể do nhiều lý do: Vệ sinh môi trường, nước đọng ao tù, sự hiểu biết của người dân trong việc phòng chống muỗi đốt...

Trước tình hình này ngành y tế TP phối hợp với các cấp chính quyền, các ban ngành TP để đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt các trường hợp nặng phải được chẩn đoán sớm để xử lý kịp thời: Dùng thuốc xịt lăng quăng muỗi, dọn dẹp các ao tù đọng nước, tăng cường vệ sinh môi trường, ngủ mùng ở những nơi có muỗi... tăng cường thông tin truyền thông về bệnh sốt xuất huyết để người dân hiểu biết phòng chống căn bệnh này.

Mặc khác ngành y tế TP cũng đã chuẩn bị thuốc men, phương tiện, các trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến phường xã, quận, huyện cho đến các bệnh viện TP nhằm khống chế dịch bệnh, giảm các ca mắc mới đồng thời chẩn đoán kịp thời các ca mắc sốt xuất huyết.

Trong tương lai, các nhà khoa học đang tìm kiếm thuốc chích ngừa bệnh sốt xuất huyết. Đây được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.Trân trọng cảm ơn!

- Lê Minh: Xin nhờ chương trình giao lưu chia sẻ tâm tư của người nhà bệnh nhân như sau: Ngành Y tế có nhiều cơ chế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có nhiều chế tài để quản lý cán bộ ngành Y tại các bệnh viện nhằm hướng tới sự hài lòng của nhân dân. Chất lượng Y tế, khám chữa bệnh ở một số bệnh viện tại Việt Nam đã đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó giống như "muối bỏ xuống biển" vì đáp ứng được rất thấp yêu cầu của thực tiễn. Biểu hiện cụ thể là tại nhiều bệnh viện, hiện tượng làm khó người nhà và bệnh nhân để được lo lót còn phổ biến (và đây là trường hợp của ba tôi và tất cả các bệnh nhân điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện K3 Hà Nội - tháng 6/2015. Gia đình tôi đã lo lót ngoài hóa đơn bệnh viện 6 triệu đồng cho ekip mổ cho ba tôi như một luật bất thành văn); chính vì thế việc người dân ca thán vẫn thường xuyên mỗi ngày, dường như không cải thiện được bao nhiêu.. . Xin cho biết, đến bao giờ và cơ chế nào chấm dứt tình trạng này? . . Xin trân trọng cảm ơn!

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Bộ Y tế cũng đã quy định cho tất các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đều phải niêm yết công khai số điện thoại nóng: SĐT nóng (24/24) của cơ sở khám chữa bệnh; của giám đốc cơ sở khám chữa bệnh; của sở y tế; của bộ y tế để người dân và người bệnh kịp thời phản ánh tất cả hiện tượng tiêu cực để được xử lý.

Riêng trường hợp của anh, anh có thể phản ảnh sự không hài lòng đến các số điện thoại trên để được xử lý.

Trân trọng cảm ơn.

- Nguyễn Thị Thu: Muốn thay đổi được thái độ và cách phục vụ của y bác sĩ tại các bệnh viện, ngoài việc công bố đường dây nóng của bệnh viện, hòm thư góp ý thì cần thêm những giải pháp nào nữa? Thưa bác sĩ Nguyễn Đức Công?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Xin cảm ơn câu hỏi của bác! Theo tôi, có một số giải pháp để cải thiện thái độ của nhân viên y tế như sau:

- Thứ nhất, giáo dục sâu rộng về y đức và tâm lý tiếp xúc cho mọi nhân viên y tế. Đây là một việc làm liên tục hàng ngày, hàng năm của ngành, của các lãnh đạo bệnh viện, của các trường đào tạo nhân viên y tế.

- Thứ hai, cũng cần phải tạo môi trường làm việc tốt, thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh: không để quá tải, không để áp lực công việc quá lớn đối với nhân viên y tế, cơ sở hạ tầng đủ tốt thuận tiện cho việc khám chữa bệnh, trang thiết bị máy móc đáp ứng được các nhu cầu khám chữa bệnh...

- Thứ ba, người dân cũng cần có thái độ hợp tác tốt với các cơ sở khám chữa bệnh cũng như các nhân viên y tế. Trước mắt cũng cần phải thông cảm, sẻ chia những khó khăn còn tồn tại; kịp thời góp ý chân thành để giúp ngành Y tế nâng cao chất lượng phục vụ.

- Thứ tư, cơ chế về giá dịch vụ y tế từng bước phải đi đến chỗ hợp lý nhất.

- Thứ năm, chăm lo đời sống cho cán bộ ngành Y tế để họ yên tâm công tác, dành hết sức lực cống hiến cho cơ sở y tế, không phải lo toan nhiều về cơm áo gạo tiền, tái tạo được sức lao động cũng như cần có chính sách bảo đảm an toàn cho thầy thuốc khi các sự cố không mong muốn xảy ra hoặc khi gặp các hành động bạo hành.

- Lãnh đạo của các cơ sở y tế và những cơ quan có trách nhiệm cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hành y đức của nhân viên y tế; kịp thời thu nhận các đóng góp của người bệnh để góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn thái độ tiếp xúc của thầy thuốc.

- Võ Đình Ngọc: Xin hỏi 1 việc như sau:. . Tôi tham gia BHYT tự nguyện liên tục từ năm 2009 đến nay tại PK Đa khoa Thành Công, số 36 đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, để điều trị bệnh cao huyết áp và liên tục tái khám hàng 1/2 tháng một lần cho gần nhà. Tháng 3-2015 phát hiện mắt bị đau,được Phòng khám Đa Khoa Thành Công chuyển viện lên BV Mắt Thành phố để điều trị, thì phát hiện bị cườm nước phải điều trị ngoại trú tại khoa Glucom của bệnh viện, hàng tháng phải đi tái khám để Bác sĩ theo dõi trị bệnh.. Mấy lần sau phải điều trị tự túc vì phòng khám không viết giấy chuyển viện nữa và nói vì BV Mắt thành phố là tuyến Trung ương không chuyển được, vì hàng tháng phải tái khám mua thuốc tốn kém vô cùng, vậy bây giờ tôi phải làm sao để được hưởng BHYT tại BV Mắt TP, tôi muốn mua thêm 1 thẻ BHYT của BV Mắt thành phố và 1 thẻ của PK Đa khoa Thành Công như hàng năm có được không, xin trả lời gấp tôi rõ vì sắp tới ngày phải mua BHYT cho năm 2016 rồi. Xin cám ơn

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Thẻ BHYT của anh do Bảo hiểm xã hội TPHCM cấp có giá trị khám chữa bệnh trên toàn quốc. Vì vậy anh chỉ cần sử dụng một loại thẻ này để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do nhà nước quy định.

Trường hợp của anh để được hưởng chế độ BHYT tại Bệnh viện mắt TPHCM chỉ cần bổ sung giấy chuyển tuyến từ tuyến khám chữa bệnh mà anh đăng kí khám chữa bệnh BHYT ban đầu lên Bệnh viện mắt TPHCM. Nhưng lưu ý, trong trường hợp cấp cứu anh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT tại bất cứ bệnh viện nào trong hệ thống BHYT Việt Nam cũng được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Trân trọng cảm ơn!

- Đỗ Thị Hằng: Tôi được biết Bệnh viện Thống nhất là một trong những bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Nam ký cam kết với Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Khi thực hiện cam kết trên, bệnh viện phải đối mặt với khó khăn và áp lực nào?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Bệnh viện Thống Nhất chúng tôi có một số thuận lợi cơ bản:

- Là một bệnh viện có nhiệm vụ phục vụ cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nên vấn đề quá tải chưa là vấn đề cấp bách đối đầu với chúng tôi.

- Từ trước đến nay, cơ bản về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại bệnh viện là tốt. Đa số được bệnh nhân khen ngợi.

- Một số chính sách trong công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ cũng tạo điều kiện tốt cho bệnh viện.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn:

- Bệnh viện được xây dựng 40 năm trước đây nên cũng đã xuống cấp, cần phải được nâng cấp sửa chữa.

- Đa số trang thiết bị bằng nguồn kinh phí của Bộ Y tế nên nếu không vận dụng thêm các nguồn kinh phí khác thì trang thiết bị sẽ không theo kịp với các bệnh viện hiện đại.

- Chúng tôi bắt đầu nhận thêm đối tượng nhân dân theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên nên cần phải tăng cường nhân lực, trang thiết bị cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Hiện tại, bệnh viện đang từng bước giải quyết các vấn đề trên. Có thể nói, chúng tôi có nhiều điều kiện để hưởng ứng cuộc vận động này.

- Bạn đọc: Được biết để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho những bệnh nhân già cả, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức đưa bác sĩ đến tận nhà khám bệnh. Là một người bệnh cao tuổi ở huyện Củ Chi, xin Giám đốc cho biết quy trình như thế nào để có thể được bác sĩ của bệnh viện tới khám bệnh?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Bệnh viện chúng tôi là một trong những bệnh viện đầu tiên tổ chức khám bệnh tại nhà cho các bệnh nhân không thể đi lại được. Bác hãy liên hệ đến số điện thoại 08.38642142 để có các thông tin cần thiết.

- Trần Quang Thành: Trong trường hợp bệnh viện phát hiện cán bộ y tế của bệnh viện có hành vi nhũng nhiễu, gợi ý người bệnh đưa “phong bì” để được mổ sớm thì bệnh viện sẽ xử lý cán bộ y tế đó như thế nào ? Thưa GS.TS Nguyễn Đức Công.

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Những nhân viên y tế này sẽ bị xử lý kỷ luật theo các quy định của ngành Y tế đã đề ra một cách nghiêm khắc tùy theo mức độ và sự việc đã diễn ra như thế nào. Chúng tôi rất mong rằng các bác, các cô, các chú... phản ánh ngay đến lãnh đạo bệnh viện để chúng tôi có biện pháp kịp

- Trandanglong@ yahoo...: Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã làm gì để làm vừa lòng được “khách hàng đặc biệt” như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế thưa BS.CK2 Phù Chí Dũng Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM:

Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM chúng tôi lấy chất lượng phục vụ người bệnh làm trọng tâm và là mục tiêu hàng đầu. Do đó việc tăng sự hài lòng của người bệnh và khách hàng là chiến lượt ưu tiên của bệnh viện.

Bằng rất nhiểu giải pháp cụ thể: Bệnh viện đã thành lập phòng quản lý chất lượng; bộ phận chăm sóc khách hàng; tổ công tác xã hội. Bệnh viện luôn nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện. Bệnh viện đã đạt được chứng chỉ ISO 9001-2008, sắp tới trong năm 2016 sẽ đạt được chứng chỉ ISO 9001- 2015. Bệnh viện luôn chú trọng vấn đề đào tạo chuyên môn; trình độ giao tiếp với người bệnh và khách hàng; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; cập nhật các phát đồ điều trị mới, hiện đại trên thế giới; triển khai các xét nghiệm từ căn bản đến kỹ thuật cao; áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; đánh giá sự hải lòng của người bệnh và khách hàng trong toàn bệnh viện hàng tháng; họp hội đồng thân nhân người bệnh hàng tháng để ghi nhận các ý kiến đóng góp cho bệnh viện...

Chính vì vậy mà bệnh viện được người bệnh và khách hàng đánh giá cao. Trong kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện theo thang điểm của Bộ Y tế trong năm 2014, bệnh viện hân hạnh được xếp thứ 4 trong hơn 100 bệnh viện trong TP. Tuy nhiên bệnh viện vẫn nổ lực trong thời gian tiếp theo.Trân trọng cảm ơn!

- Phạm Bắc Anh: Xin được hỏi GS.TS Nguyễn Đức Công- Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất câu hỏi sau: Là một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lão thành Cách mạng và người dân sống trên địa bàn TPHCM đòi hỏi y, bác sĩ trong bệnh viện phải rất chu đáo, khéo léo với người bệnh. Vậy xin Giám đốc cho biết và chia sẻ một số kinh nghiệm của bệnh viện trong việc giáo dục, bồi dưỡng y đức, thái độ ứng xử đối với cán bộ y tế bệnh viện?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Các biện pháp để nâng cao y đức và nâng cao chất lượng phục vụ, tôi đã trả lời ở câu hỏi trước. Bác vui lòng tham khảo ở trên. Trân trọng cảm ơn bác!

- Vanhoanganvn@gmail: Tôi nhiều lần đã đến khám bệnh tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, thận thiện với người bệnh. Thế nhưng cũng có một vài y tá, điều dưỡng chưa thực sự niềm nở với người bệnh. Vậy bệnh viện có xử lý những cán bộ, nhân viện y tế này không hay sẽ làm gì để có thể thay đổi được thái độ, ứng xử của những nhân viên này với bệnh nhân?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Trước hết xin trân trọng cảm ơn sự đóng của anh, riêng một vài trường hợp y tá, điều dưỡng có thái độ giao tiếp với người bệnh khách hàng chưa đúng mực, tôi đại diện cho bệnh viện xin lỗi về vấn đề này đồng thời sẽ xử lý nhân viên. Mong anh cung cấp cụ thể tên của nhân viện bệnh viện mà anh không hài lòng khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh nhằm cải thiện khả năng giao tiếp của nhân viên. Và mục tiêu lớn nhất của bệnh viện vẫn là sự hài lòng của người bệnh khi đến khám tại bệnh viện của chúng tôi với phương châm: "Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo".Trân trọng cảm ơn anh!

- thanhhuongtrandn@yahoo.vn: Theo khẩu hiệu mà Bộ Y tế đưa ra để mới phong cách ứng xử của cán bộ y tế là: “Người bệnh đến niềm nở- Người bệnh ở tận tình-Người bệnh về dặn dò chu đáo”. Bác sĩ nhận xét gì về câu khẩu hiệu này và bệnh viện Thống Nhất đã làm gì để đưa khẩu hiệu này vào đời sống?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Câu hỏi của chị chính là làm gì để nâng cao chất lượng y tế một cách toàn diện. Chúng tôi nghĩ rằng, thực hiện được khẩu hiệu đó của Bộ Y tế là làm tốt việc trên. Chúng tôi đã có câu trả lời các biện pháp cần làm để làm được việc này. Cơ bản là phải giáo dục nhân viên y tế, tạo điều kiện cho họ thực hiện được, kiểm tra giám sát của lãnh đạo và cơ quan chức năng...

- Ashayuri Misaki - ashayuri@gmail.com: Tôi xin hỏi chi phí cho người chạy thận nhân tạo tăng lên bao nhiêu? Và người nghèo chạy thận được hưởng lợi gì? Tôi chỉ thấy khổ thêm thôi.

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Về chi phí cụ thể, tôi chưa thể trả lời ngay cho bác được. Trân trọng mời bác đến làm việc với bệnh viện và khoa Thận và lọc máu để có câu trả lời chi tiết. Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp đón bác. Nếu có gì khó khăn thì bác có thể liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của bệnh viện.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh cho các bệnh nhi. Ảnh: MAI HẢI

- thuylinhnguyen42@yahoo: Ngoài việc thay đổi, đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với người bệnh thì ông mong muốn điều gì ở người bệnh khi tới bệnh viện của ông khám chữa bệnh? Thưa GS.TS Nguyễn Đức Công?

>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:

Tôi nghĩ rằng, văn hóa giao tiếp là sự tương tác của các đối tượng khi gặp gỡ và giao lưu với nhau. Khi người bệnh và gia đình người bệnh đòi hỏi nhân viên y tế phải lịch thiệp, chu đáo, tận tâm... thì chúng tôi cũng mong mỏi mọi người có cách ứng xử tương tự trên tinh thần tất cả vì người bệnh.

Những vấn đề chưa bằng lòng, thậm chí bức xúc nên được góp ý chân thành, lịch sự, đúng nơi đúng chỗ. Nếu vẫn chưa được đáp ứng đúng mức thì lãnh đạo bệnh viện chúng tôi sẵn sàng tiếp và giải quyết đến nơi đến chốn.

- Ngô Quang Trung: Hiện nay, y, bác sĩ làm việc trong môi trường bệnh viện thường chịu nhiều áp lực do số bệnh nhân đông, đặc biệt cũng có không ít bệnh nhân, hay người nhà bệnh nhân còn có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung cán bộ y tế. Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh đã gặp tình huống này chưa ? Và nếu có bệnh viện sẽ xử lý như thế nào?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Trước tiên xin cảm ơn sự đồng cảm chia sẻ của anh đối với môi trường làm việc của cán bộ y tế ngày nay. Tại bệnh viện chúng tôi cũng giống như các bệnh viện khác, cũng đã xảy ra trường hợp thân nhân người bệnh có thái độ không đúng mực đối với cán bộ y tế, thậm chí đe dọa, hung hăng, kích động... nhưng đây chỉ là trường hợp rất hiếm hoi, đa số người bệnh và thân nhân người bệnh đều đối xử và hợp tác rất tốt với nhân viên y tế của bệnh viện.

Khi xảy ra tình huống như trên, bệnh viện cũng đã có quy trình phản ứng nhanh, quy trình này có các bước xử lý cụ thể các tình huống, có số điện thoại nóng, SĐT của lãnh đạo bệnh viện, điện thoại của bảo vệ, điện thoại của công an. Bệnh viện cũng đã tập huấn quy trình này cho nhân viên. Khi có sự việc xảy ra, chủ yếu chúng tôi sẽ mời thân nhân người bệnh vào phòng riêng để lắng nghe tâm tư nguyện vọng là chủ yếu, và tuyệt đối cấm nhân viên y tế nói lớn tiếng hay chống đối với thân nhân người bệnh. Khi sự việc quá manh động chúng tôi sẽ mời bảo vệ của bệnh viện, công an đến để can thiệp và bảo vệ cho nhân viên y tế của chúng tôi. Hầu hết các sự việc đều được giải quyết ổn thỏa và không để lại tổn thất nào đáng kể.Trân trọng cảm ơn anh!

- Đặng Tuấn: Tôi được biết Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM có nhiều ứng dụng, nghiên cứu khoa học để phục vụ người bệnh. Xin bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết những lĩnh vực, chuyên khoa là thế mạnh của bệnh viện trong việc điều trị cho bệnh nhân?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM là bệnh viện truyền máu huyết học đầu ngành của cả nước: Chúng tôi có ngân hàng máu đạt chuẩn khu vực, lớn nhất của cả nước, cung cấp máu cho tất cả bệnh viện tại TPHCM. Bệnh viện của chúng tôi cũng có ngân hàng tế bào gốc đầu tiên và lớn nhất của cả nước. Và bệnh viện chúng tôi nhận điều trị các bệnh lý huyết học lành tính, di truyền, ác tính từ TPHCM và các tỉnh. Thành tựu nổi bật là thực hiện: ghép tủy xương, ghép máu cuốn rốn, ghép máu ngoại vi, ghép Haplo đều là đầu tiên của cả nước. Cho đến nay số ca ghép tế bào gốc tạo máu đứng đầu trong cả nước. Về xét nghiệm chúng tôi cũng triển khai nhiều xét nghiệm chuyên sâu hàng đầu của cả nước: như xét nghiệm di truyền học phân tử, dấu ấn miễn dịch tế bào, giải phẩu bệnh huyết học, kỹ thuật Nat trong sàn lọc máu.Trân trọng cảm ơn anh!

- Đinh Văn Lợi: Người dân khi ốm đau bệnh tật phải đi viện chữa trị phải gánh chịu nhiều nỗi khổ và khó khăn. Vậy Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã lập Phòng công tác xã hội chưa hay có giải pháp gì để chia sẻ giúp đỡ khó khăn đối với người bệnh?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã thành lập tổ công tác xã hội, có thành lập quỹ hỗ trợ chuyên môn, nhằm giúp đỡ cho những trường hợp người bệnh khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp cấp cứu.Trân trọng cảm ơn anh!

- Minh Hồng: Tới đây giá viện phí sẽ tiếp tục tăng cao điều này giúp y, bác sĩ của bệnh viện sẽ có thêm thu nhập, bệnh viện cũng có thêm nguồn thu? Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM sẽ dành nguồn thu từ việc tăng viện phí đầu tư vào lĩnh vực nào để người bệnh được hưởng lợi?

>> BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM:

Bệnh viện chúng tôi luôn hài hòa giữa lợi ích của người bệnh và đảm bảo mức thu nhập của nhân viên. Trong đó lấy lợi ích của người bệnh là cao hơn, là trên hết.

Khi có nguồn thu thêm bệnh viện sẽ tập trung đầu tư tập trung để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Một phần nhỏ để đảm bảo thu nhập của nhân viên và các quỹ (quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ thi đua khen thương, quỹ ổn định thu nhập) của bệnh viện theo đúng quy định của nhà nước. Trân trọng cảm ơn anh!

Chiến Dũng - Nhứt Minh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục