Theo Bộ trưởng Quốc phòng Peru José Huerta, đây là căn cứ quân sự đầu tiên trong tổng số 4 cơ sở được chính phủ dự kiến xây dựng tại khu bảo tồn thiên nhiên Tambopata ở vùng Madre de Dios, nơi đang có nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp hoành hành. Mỗi căn cứ sẽ có 100 binh sĩ, 50 cảnh sát và một công tố viên lưu trú trong 6 tháng để quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ sử dụng các thiết bị bay không người lái, vệ tinh, máy bay quân sự và nhiều thiết bị khác để tuần tra những khu vực xa xôi.
Với tổng diện tích khoảng 7 triệu km², rừng Amazon là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới, nằm trên lãnh thổ của 9 quốc gia, chủ yếu là Brazil, Peru, Colombia và Venezuela. Theo số liệu thống kê, tình trạng khai thác mỏ trái phép, chủ yếu là vàng, làm Peru mất hơn 9.000ha rừng trong năm ngoái. Hình ảnh vệ tinh thu được từ Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) cũng cho thấy diện tích rừng bị tàn phá tại Peru trong 2 năm qua đã lên tới 18.440ha, tương đương 25.000 sân bóng đá. Theo số liệu do Bộ Môi trường Brazil cung cấp mới đây, tốc độ cây rừng bị tàn phá ở nước này trong năm 2018 đã cao hơn đến 72% so với cùng kỳ năm 2004. Đây thực sự thì đó là những con số đáng buồn, bởi lẽ con người đang hủy hoại rừng cây và đất đai ở mức độ lớn nhất trong vòng một thập niên vừa qua.
Tháng 4-2018, Tòa án Tối cao Colombia lần đầu tiên trong lịch sử tranh tụng đã ra phán quyết lịch sử yêu cầu Chính phủ Colombia phải hành động khẩn cấp để bảo vệ rừng Amazon. Theo phán quyết của tòa án, Chính phủ Colombia có 4 tháng để lên kế hoạch bảo vệ rừng Amazon. Các thẩm phán cho biết, tỷ lệ phá rừng đã tăng 44% trong giai đoạn 2015-2016 và dẫn đến thiệt hại “sắp xảy ra và nghiêm trọng” đối với trẻ em và người lớn. Phán quyết được đưa ra sau khi một nhóm gồm 25 người đệ đơn kiện quyền lập hiến của họ đối với cuộc sống, thực phẩm và nước uống đã bị vi phạm. Tòa án thừa nhận rằng, mặc dù có nhiều cam kết, quy định quốc tế... nhưng Chính phủ Colombia đã không giải quyết hiệu quả vấn đề phá rừng ở Amazon.
Do vậy, công cuộc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng người bản địa ở Amazon cần phải huy động mọi cấp chính quyền, xã hội và các doanh nghiệp để chống lại nạn xâm phạm môi trường, nhằm bảo vệ sự phát triển bền vững của hệ sinh thái.