Đợi

A.Dũng
Đợi

Không phải là người đưa đò nhưng cha con lão Quyện vẫn thường sang sông chở giúp người này, người nọ. Con sông làng Gòn không lớn nhưng nước chảy xiết và có nhiều trũng xoáy nên rất nguy hiểm, lạ tay chèo để thuyền sa vào đó sẽ bị xoáy nhấn chìm hoặc quay mòng mòng. Không chìm thì cũng sợ xanh máu mặt.

Do là con trai của lão năm ấy học lớp 11 nhưng cao lớn phốp pháp như một thanh niên lực lưỡng, đôi tay rắn chắc, da ngăm đen, hiền nhưng lầm lì. Nó là con trâu đực của cái làng thuần nông này, luôn được các thiếu nữ quê nhìn thầm thương trộm nhớ. Ngày ngày lão Quyện đánh đu trên mặt sông cắm lờ, thả lưới. Gia đình lão nghèo nhưng chưa bao giờ thiếu cái ăn, nhất là cá.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Lão ăn nói thô lỗ, cộc cằn. Ngược lại, bà vợ hiền lành như khoai như ngô. Còn đám con của vợ chồng lão thì mới ngoan ngoãn làm sao. Khi lão sừng sộ thì chúng tùy nghi di tản, đợi khi lão nguôi giận rồi thì chúng ùa vào tấn công kiểu mạnh hổ nan địch quần hồ:

- Cha chỉ giỏi làm cho tụi con sợ và…ế chồng.

Lão cười tít mắt :

- Ế thế nào được, cả cái làng này không ai là không nợ tao. Nợ tao qua sông qua suối, nợ tao lôi họ từ tay Hà Bá ra. Tới chết còn chưa trả hết nữa là.

- Làm phúc thì đừng kể công. Kể thì nó trôi tuồn tuột - Vợ lão háy nguýt.

Thằng Do nghe mẹ nó nói thế thích lắm. Nó nghĩ tới đám bạn mà nó từng đưa qua sông Gòn này không biết bao nhiêu lần mà tính. Nó cũng chưa bao giờ nhận của họ đồng xu cắc bạc nào. Lâu lâu có đứa bao ly chè, cốc nước là vui rồi. Nó còn là thầy dạy bơi cho hầu hết bọn trẻ trong làng này nữa. Nên chuyện các cô gái ở đây làm kiểu làm cách với nó là không có, bởi dù gì thì các cô cũng đã từng nằm trên đôi cánh tay rắn chắc của nó mà hể hả tập bơi. Chỉ cần nó nhìn các cô cười cười là đôi má các cô đã dậy lửa rồi. Duy chỉ có một người không bao giờ bối rối trước nó là Hồng, cô con gái rượu của nhà máy xay lúa. Nhà Hồng có ghe to chạy bằng máy nổ để chở lúa. Ghe neo đậu ở dưới gốc cây sung cổ thụ mọc sát mép nước, là chỗ để Hồng ngồi giặt giũ hay học bài. Thằng Do cũng đã có lần chèo thuyền đến đó thăm chơi. Nó thích con ghe này lắm, nó mơ ước xa xôi:

- Bà và chiếc ghe này đã đi tới những đâu rồi?

- Xa nhất là lên huyện, mua xăng dầu về chạy máy.

Vừa trả lời xong, cô bé lại thắc mắc:

- Sao hôm nay ông rảnh vậy, không đưa đón ai à?

- Hôm nay nghỉ học mà, bà quên rồi sao. Vả lại tôi đâu có trách nhiệm phải làm chuyện đó.

- Tui biết ông thích ai trong đám con La, con Cúc rồi nên mới cất công làm vậy.

- Không thích ai hết.

- Xạo.

- Thật mà. Không có tui thì họ phải lặn lội lên tuốt làng bên mới qua sông được. Tội nghiệp.

- Ông còn nhớ nhỏ Thu không?

- Thu nào, Thu ròm chứ gì. Làm sao mà không nhớ.

- Nó thường tâm sự với tui là nó ơn ông suốt đời.

- Có gì đâu.

Do nhớ lại ngày đó, nó đang cùng cha thả lưới phía dưới bến sông, nghe tiếng la thất thanh của bà Tầm mẹ Thu.

- Cứu cứu… ông Quyện ơi.

Vừa nghe thế là cha con nó đã hiểu chuyện gì, cùng lao nhanh xuống nước đón lõng và bơi ngược lên để tìm con Thu. May mà hôm ấy nước sông trong veo nên cha con nó nhanh chóng tóm được con bé và đưa vào bờ. Cha nó cầm hai chân dốc ngược con bé xốc nước, còn nó chạy lên chặn đường không cho bà Tầm đến gần. Cha nó bảo phải làm thế chứ không thì không cứu được. Rồi cả làng ào đến, người nhóm lửa, kẻ thay áo quần. Hơi xấu hổ một chút nhưng nó kịp nhìn thấy con Thu trắng như hoa dành dành nở dọc thềm sông.

- Sao không có gì, ơn cứu mạng bạc vàng cũng không trả được, chỉ còn cách…

- Cách gì?

- Lấy ông làm chồng.

- Vớ vẩn.

Mười năm qua đi nhanh quá, giờ nghĩ lại thấy buồn buồn. Công việc ở thành phố bận rộn Do không mấy khi về thăm xóm làng. Ngần ấy năm, ngần ấy thay đổi. Lớp bạn bè xưa của nó hẳn đã lập gia đình cả rồi. Người quê dựng vợ gả chồng cho con rất sớm. Con ế là nỗi đau của cha mẹ. Nó biết điều đó nhưng không thể lấy vợ sớm hơn được, bởi vì đồng lương của nó không nuôi nổi nó thì còn nuôi được ai. Hơn nữa, nó quê mùa, cục mịch con gái thành phố nào mà thèm. Chỉ có quê thôi, quê mới là chùm quả ngọt.

Chiếc sà lan neo vào sợi dây cáp căng ngang sông là phương tiện qua lại của cư dân hai làng được nhà nước đầu tư đã thay cho chiếc thuyền nan ọp ẹp của lão Quyện. Nhờ đó mà Thu thường xuyên qua nhà lão biếu mớ rau, quả cà…và được mẹ Do tặng mớ cá về nấu canh chua. Hăm lăm, hăm sáu tuổi rồi mà Thu vẫn chưa chịu lấy chồng. Thu đợi ai làm sao vợ chồng lão Quyện không biết, nhưng họ không dám mở lời bởi chưa hỏi ý kiến con trai. Trong lòng họ thì Thu nết na, hiền lành được con dâu như thế thì phước nhà to lắm. Bà Quyện thăm dò:

- Sắp tết rồi, nghe nói năm nay công nhân viên chức nghỉ tết tới 9 ngày, thế nào thằng Do cũng về. Con qua chơi nhé.

Thu dạ lí nhí, hai má ửng hồng lên chắc nghĩ đến chuyện ngày xưa. Cô đưa mắt nhìn qua phía bên kia sông nơi cha con lão Quyện cứu cô ngày nào. Hoa dành dành đã nở khắp dọc dài thềm sông, đẹp như một dải lụa. Trên cành cao nhất của cây sung già, đôi cò trắng mê mải chải chuốt lại bộ lông xấu xí của mình sau một ngày vất vả tìm kiếm thức ăn. Đâu mơ ước gì cao xa, chỉ như đôi cò trắng kia là hạnh phúc lắm rồi. Thu đặt hết niềm tin vào tình yêu chân thật của mình.

Lý Thị Minh Châu

Tin cùng chuyên mục