Đổi thay Cát Tiên

Chúng tôi về lại Cát Tiên vào một ngày cuối mùa mưa năm 2014, khi những trận lũ lịch sử hồi những năm 1999 - 2001 vẫn còn lưu lại trong ký ức. Nhưng kỳ lạ thay, tại vùng đất kinh tế mới ven sông Đồng Nai nằm cách TP Đà Lạt gần 200km, cuộc sống đã đổi thay. Tất cả đều bắt nguồn từ cây lúa - từ chính những trăn trở, tìm tòi của cả một thời gian dài tính bằng hàng chục năm trời.
Đổi thay Cát Tiên

Chúng tôi về lại Cát Tiên vào một ngày cuối mùa mưa năm 2014, khi những trận lũ lịch sử hồi những năm 1999 - 2001 vẫn còn lưu lại trong ký ức. Nhưng kỳ lạ thay, tại vùng đất kinh tế mới ven sông Đồng Nai nằm cách TP Đà Lạt gần 200km, cuộc sống đã đổi thay. Tất cả đều bắt nguồn từ cây lúa - từ chính những trăn trở, tìm tòi của cả một thời gian dài tính bằng hàng chục năm trời.

Màu xanh trên cánh đồng Gia Viễn, Cát Tiên

Đi lên từ cây lúa đặc sản

Với tình cảm của một người quen cũ lâu ngày gặp lại, Bí thư Huyện ủy huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, anh Huỳnh Văn Đẩu (Sáu Đẩu) hồ hởi khoe với chúng tôi về những thành công đến không ngờ của chương trình tuyển chọn lúa giống khởi sự cách đây hơn 20 năm hiện đang mang lại sự no đủ cho bà con nông dân.

Trước năm 1990, Cát Tiên là một huyện kinh tế mới chưa lo đủ cái ăn do thiếu nước tưới, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên lúa chỉ làm được một vụ đông xuân. Bởi vậy, năng suất lúa thấp và hầu như chỉ phục vụ cho nhu cầu nội tiêu. Sau đó, nắng hạn gay gắt nên bà con phải tranh thủ những vùng đất bồi ven sông Đồng Nai để trồng cây dâu, chăn con tằm lấy ngắn nuôi dài, rồi trồng mía, trồng mì để cố gắng thoát cái nghèo.

Xác định là một huyện nghèo, nông nghiệp là mặt trận chính, trong đó phải tìm được lợi thế so sánh từ cây lúa là chủ lực mà phải là những giống lúa có năng suất cao, chất lượng đủ sức bán ra ngoài thị trường nên với cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế, anh Sáu Đẩu đã cùng anh em Phòng Nông nghiệp huyện lặn lội về ĐBSCL tìm gặp các chuyên gia hàng đầu về lúa để tìm các giống có khả năng chịu được khí hậu địa phương.

Anh Sáu Đẩu nhớ lại: “Hồi đó đi mua từng lạng lúa giống về khảo nghiệm rồi chọn ra được 5 - 6 giống chịu được sâu bệnh, cho hạt gạo mềm, hương thơm với chu trình khoảng 100 - 115 ngày, hạt phải dài và trong để có thể vào được siêu thị. Trước đó, họp trong cấp ủy tranh luận cũng dữ lắm vì lúc đó còn cấy vụ mùa bị lụt lội liên miên thu không được bao nhiêu. Riêng tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm lúa thường chỉ làm 2 vụ năng suất cao, còn một vụ để cho đất nghỉ, dịch chuyển thời gian gieo trồng vụ đông xuân sớm hơn, chú trọng khâu giống và thâm canh sẽ đẩy năng suất lên là thắng…”.

Ngoài lúa đặc sản, huyện Cát Tiên còn sản xuất lúa giống hợp cùng lúa đặc sản thành bộ thương hiệu “Lúa gạo đặc sản Cát Tiên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu và đang có mặt ở nhiều siêu thị trong và ngoài tỉnh. Từ chỗ không có khái niệm lúa thương phẩm, sản xuất ra chủ yếu tự cung tự cấp thì nay bà con đều ý thức được rằng làm lúa đầu tiên là để bán ra thị trường.

Đến nay, toàn huyện có 8.443ha lúa thì lúa chất lượng cao là 6.775ha và năng suất đạt bình quân 6 tấn/ha. Trong đó, diện tích lúa giống là 335ha, năng suất bình quân đạt 6,87 tấn/ha với sản lượng lúa giống được đóng nhãn bao bì Lúa - gạo Cát Tiên đạt 350 tấn và sản lượng gạo theo chương trình này là khoảng 2.600 tấn.

Để chứng minh lời anh Đẩu, chúng tôi đã về xã Gia Viễn tìm nhà anh Trần Văn Luyện, thành viên HTX Nông nghiệp Trung Thành - một điểm sáng về sản xuất nông nghiệp. Anh Luyện tâm sự: “Cách đây 7 - 8 năm, tôi mới bắt đầu làm ruộng. 2 năm về trước, khoa học kỹ thuật chưa được chú trọng như bây giờ, lại còn bị thương lái ép giá. Sau đó tích lũy thêm, ai bán thì mua, nay được hơn 8ha thì 3ha làm lúa giống chỉ làm 1 vụ mỗi năm, còn lại là làm lúa gạo đặc sản, hai vợ chồng làm là chính.

Hiệu quả làm lúa chỉ thực sự có bước đột phá từ cách đây 2 năm khi vào HTX được học cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh chứ trước đây sâu rầy không biết cách trị, rồi chọn được giống chuẩn nên hiệu quả tăng lên thấy rõ; lúa giống luôn bán được giá cao, cùng năng suất như lúa thịt nhưng giá bán lúa giống tới 6.400 đồng/kg so với 5.500 đồng của lúa thịt”. Năm 2013, gia đình anh Luyện thu về 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí và có điều kiện nuôi 3 con ăn học, mua sắm máy móc nông cụ, một phần tích lũy và đã cất được ngôi nhà ngói bề thế.

Đa số diện tích đất của xã là bằng phẳng, có một phần diện tích bị ngập nước nên sau khi nước rút để lại phù sa. Toàn xã có 1.832ha lúa thì có đến 989ha lúa - gạo đặc sản ứng dụng công nghệ cao cho năng suất bình quân 58,6 tạ/ha/mùa. Cũng nhờ chuyên canh trồng lúa mà xã Gia Viễn đã giảm nhanh được tỷ lệ hộ nghèo từ 29% năm 2010 xuống còn 4,87% trong năm nay và tỷ lệ hộ khá giả chiếm khoảng 15%.

Tại thị trấn Cát Tiên, nhờ ủy ban thị trấn đứng ra liên kết với các đơn vị thu mua ở các tỉnh miền Trung nên đầu ra ổn định.ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, 50% giá lúa giống nên dù địa phương quy hoạch chỉ 70ha lúa giống theo chương trình cánh đồng mẫu nhưng bà con đăng ký lên 270ha và hiệu quả cao hơn làm lúa thường là 20% dù chỉ sản xuất 1 vụ đông xuân. Nếu hệ thống kênh mương được đầu tư thêm, mặt bằng đồng ruộng được cải tạo bằng phẳng hơn thì sẽ sản xuất 2 vụ/năm, năng suất và hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên và năng suất có thể đạt tới 10 tấn/ha/vụ.

Cũng nhờ cây lúa giống và lúa gạo đặc sản mà tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn đã giảm bền vững theo từng năm, hiện chỉ còn 4,25% và mục tiêu năm tới là chỉ còn 2,3%.

Không dừng lại ở đó, cách đây khoảng 3 - 4 năm, Cát Tiên lại đưa vào sản xuất thương phẩm một loại cây dược liệu có tên Diệp Hạ Châu (tên khác là cây chó đẻ) có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan, mỡ máu. Thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 60 ngày nên có thể làm 3 - 5 vụ/năm, thích hợp trên đất cát pha, đất bãi bồi ven sông Đồng Nai nên cây ít sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ cần bón phân hữu cơ bón lót. Hiện diện tích toàn huyện đã là 80ha tập trung tại thị trấn Đồng Nai, 2 xã Phù Mỹ, Phước Cát; trong đó 23ha được trồng theo quy trình nông sản sạch GAP.

Dự kiến, năm 2015 diện tích sẽ tăng lên 150ha và đầu ra đã được Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng bao tiêu. Huyện đang lên kế hoạch với một công ty dược ở Bến Tre sản xuất thuốc kháng sinh cho con tôm từ cây dược liệu này.

Chiều hôm đó, chúng tôi ghé nhà anh Trần Văn Hiến ở tổ 9, thị trấn Cát Tiên khi hai vợ chồng đang thu hoạch Diệp Hạ Châu. Chỉ vào đống dược liệu to tướng đang phủ bạt vì sợ mưa hắt ở ngoài hiên, chị vợ nói: “Nhà em thu hoạch hết rồi, chúng em làm 6 sào dưới tán cây chôm chôm, năm 2013 làm được 5 vụ và năm nay đã được 4 vụ hơn cây bắp chỉ 2 vụ, năm 2013 trừ chi phí còn thu được 40 triệu đồng; diện tích này trước trồng dâu nuôi tằm nhưng chăm vất vả nên sau thì trồng bắp và đậu, năm 2013 được Trung tâm Khuyến nông huyện vận động và hướng dẫn nên chuyển sang trồng cây Diệp Hạ Châu này”.

Mơ về du lịch

Người dân vùng đất ven sông Đồng Nai này đã phải  chống chọi với những trận lũ lịch sử, liên tiếp cuối thập niên 90 của thế kỷ trước với cảnh nhà cửa xác xơ, tiêu điều khi nước ngập trắng xóa cánh đồng Mỹ Lâm, Quảng Ngãi, Phước Cát cả tháng trời, cả người và heo cùng chạy lũ, cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều căn nhà tranh xiêu vẹo vì ngập nước lâu ngày nên người dân phải bỏ xứ đi tìm chỗ khác làm ăn.

Nay, diện mạo nông thôn khang trang hẳn với đường bê tông xi măng tỏa đi các thôn, xóm và nhà ngói kiên cố trở thành gam màu chủ đạo cho bức tranh làng quê. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm đến 20,5% thì nay giảm mạnh còn 3,48%. Riêng vùng đồng bào dân tộc từ 56% xuống còn 10,2% và thu nhập bình quân đầu người từ 17 triệu đồng/năm cách nay 4 năm đã lên 30 triệu đồng/người/năm. Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2015 là 200 tỷ đồng thì trong năm 2014 đã đạt 217 tỷ đồng, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế đã giảm từ 62% năm 2010 xuống còn 46% và thay vào đó là thương mại - dịch vụ…

Nhưng không dừng lại ở đó, với cương vị Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy, anh Sáu Đẩu đang phác thảo những việc cần làm cho chặng đường phát triển 5, 10 năm tới của huyện nhà, trong đó có việc từng bước chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Anh tự tin: “Chúng tôi đã đúc kết rồi, khách đến Cát Tiên cho 3 cái là ăn gạo trắng đặc sản, ăn cá lăn sông Đồng Nai, uống nước cây chó đẻ”.

Dẫn chúng tôi tham quan quảng trường Phạm Văn Đồng vừa mới xây dựng ngay trung tâm huyện lỵ, anh Đẩu say sưa kể về việc một ngày nào đó gần đây sẽ phục dựng lại hang thoát y của người Châu Mạ. Anh nói: “trước mắt là làm thủ tục công nhận đây là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nhưng tôi muốn nó phải trở thành di tích cấp quốc gia, rồi thêm một số đoạn dốc từ ngoài đi vào trước giờ đã có truyền thuyết thì mình cần bổ sung cho nó những cái tên nghe thật hấp dẫn như dốc Mẫu Hậu, đèo Hoàng Thượng để khơi dậy sự tò mò của khách. Chúng tôi đang đón đầu cơ hội cho sau năm 2020 và phải chuyển mạnh sang du lịch, có định hướng phát triển du lịch thì mới có dịch vụ đi theo, có cầu sẽ có cung”.

Cơ sở để anh Đẩu và Đảng bộ Cát Tiên tin vào chính là một khi dự án đường cao tốc Dầu Giây - tuyến mới sẽ đi qua ngay cạnh Cát Tiên và khi đó, vào chiều thứ sáu mỗi tuần khách từ TPHCM lên Cát Tiên chỉ khoảng 3 giờ sẽ là thời gian lý tưởng để thiết kế thêm một điểm đến trong hành trình khám phá miền đất mới Đồng Nai thượng của du khách.

Bởi Cát Tiên đang chứa trong lòng nó một quần thể di tích khảo cổ học Cát Tiên đồ sộ cùng với một khu dự trữ sinh quyển tầm cỡ thế giới. Chưa hết, nơi đây còn có một hang thoát y với truyền thuyết hết sức lãng mạn của đồng bào dân tộc bản địa “cầu được ước thấy” đang chờ du khách trong và ngoài nước.

Chúng tôi cũng tin vào viễn cảnh một ngày gần đây, khách du lịch TPHCM và các tỉnh sẽ nhiều người biết đến Cát Tiên. Và ngay từ bây giờ, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Cát Tiên như anh Sáu Đẩu là vạch ra “những việc cần làm ngay”, là chuyển đổi nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ từ huyện xuống xã, từ anh công an đến viên chức nhà nước; dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai để trả lại cho vùng đất ven sông Đồng Nai vẻ đẹp tự nhiên, rồi   mời các nhà khoa học trong nước đến lấy ý kiến về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng chuyển tỷ trọng kinh tế sang du lịch - dịch vụ…

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục