40 năm sau ngày thống nhất đất nước, những bản làng dọc dãy Trường Sơn huyền thoại năm nào đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ những cung đường mới mở. Tại xã La Dêê, huyện Nam Giang, Quảng Nam, cửa khẩu Đắk Ôốc đang được xây dựng, nắn thẳng và khơi thông tuyến đường xuyên Á nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giàu tiềm năng với các nước Lào, Thái Lan.
Người dân huyện Đắk Chưn (Lào) mua thực phẩm tại cửa hàng của chị Nguyễn Thị Thành ngay bên dưới cửa khẩu Đắk Ôốc.
1. Tôi trở lại Trường Sơn, phía Tây tỉnh Quảng Nam trong tiết mưa chuyển mùa. Trường Sơn mùa này đẹp đến lạ. Con đường ngoằn ngoèo, tít tắp như dải lụa vắt giữa cánh rừng xanh mướt. Hoa lau, hoa đót đua nhau vẽ lên nền trời mây trắng. Bên dòng sông Bung, cây rừng lá đỏ soi bóng như bức tranh thủy mặc khổng lồ của một danh họa tài hoa.
Đã 10 năm trong nghề với nhiều chuyến xuyên đường Trường Sơn nhưng cứ mỗi chuyến đi, tôi lại cảm thấy vùng đất này vẫn mang hấp lực của ngày nào. Dọc hai bên đường, các bản làng, thị trấn không còn vẻ hoang vu của nhiều năm trước mà thay vào đó là nét khang trang. Nếu như cách đây chừng vài năm, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cõng nông sản đi cả ngày đường bằng đôi chân trần để đổi thực phẩm thì nay, chiếc xe máy đã thay đôi chân trần thuở trước.
Tôi ghé lại quán cũ, của 8 năm về trước trong chuyến công tác lỡ đường. Năm 2008, tôi cùng một đồng nghiệp chạy xe máy đi Đắk Ôốc trong một ngày cuối năm. Tại Bến Giằng, nắng ấm vẫn bao phủ, vậy mà khi đến Đắk Ôốc, lạnh đến cóng cả tay chân. Bầu trời màn sương giăng kín.
Đến Đắk Ôốc, tay chân co ro vì lạnh và chúng tôi không đủ sức để chạy ngược về xuôi. Ghé vào quán ăn duy nhất nằm bên đường, giữa rừng. Quán gỗ lụp xụp chỉ lèo tèo vài người đi rừng ngồi ăn và một số người đồng bào dân tộc thiểu số của Lào gùi nông sản sang đổi thực phẩm.
Biết chúng tôi lỡ đường trong giá rét, chị chủ quán “mách” cho chúng tôi có đủ sức khỏe để về lại xuôi đó là…uống rượu. Rượu Lào 50 độ là cách để người dân nơi đây giữ ấm cơ thể… Kể từ đó, lần nào trở lại Đắk Ôốc, tôi cũng ghé lại quán chị, như ghé lại chốn thân quen.
Thông thương qua cửa khẩu Đắk Ôốc sẽ rút ngắn cả ngàn kilômét từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với miền Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
2. Hơn 1 năm quay trở lại, quán gỗ lụp xụp ngày nào đã trở thành một cửa hàng được xây dựng bề thế với đầy đủ những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho đồng bào huyện Đắk Chưn (Lào) và công nhân đi xây dựng thủy điện Xekaman 3. Ngoài ra, còn có thêm một khu nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi để khách ngủ trọ qua đêm.
Chị chủ quán là Nguyễn Thị Thành (40 tuổi), nay đã là bà chủ một cửa hàng lớn tại ngay bên dưới cửa khẩu Đắk Ôốc chỉ chừng vài trăm mét. Chị Thành quê Đô Lương (Nghệ An) lên vùng đất này đã 20 năm. Năm 1994, chị Thành tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm và chọn chốn “thâm sơn cùng cốc” này dạy học.
Nhớ lại ngày đầu đến vùng đất này, chị Thành lắc đầu: “Ngày ấy, để đi từ Đà Nẵng đến trường, tôi phải ngồi xe đò 1 ngày trời. Đi đò qua Bến Giằng rồi đi xe ô lên Pà Lừa là hết đường. Từ Pà Lừa, tôi gùi muối, mì chính, cá khô… nặng khoảng 20kg - số thực phẩm cho khoảng 1 học kỳ - rồi đi bộ cắt rừng lau lách khoảng 3 ngày mới tới nơi. Ngày ấy, ngôi trường của tôi nằm lọt thỏm giữa rừng, nơi chỉ có đồng bào dân tộc và bộ đội biên phòng. Lúc đó, 1 năm tôi về xuôi được 2 lần, một lần là nghỉ hè và một lần vào ngày tết”. Tôi hỏi: “Chị thấy bây giờ với khoảng 10 năm trước như thế nào?”, chị Thành chốt một câu gọn tưng: “Thiên đường và…”.
Hai mươi năm gắn với “miền đất khó”. Chị Thành đã từng trải và từng chứng kiến nỗi khổ cực của dân làng, của giáo viên vùng cao, của bộ đội biên phòng và cả những ai qua đây. Chị bảo, mảnh đất này đổi thay là nhờ cửa khẩu Đắk Ôốc.
3. Bà Lê Thị Thu Bồn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho biết, để có được sự phát triển hôm nay của người dân dọc tuyến quốc lộ 14D và cả người dân huyện Đắk Chưn (Lào) có công lao rất lớn của cửa khẩu Đắk Ôốc. Bởi lẽ, khi cửa khẩu mở ra, người dân đi lại nhiều, hàng hóa lưu thông đã giúp đời sống đồng bào vùng biên giới hẻo lánh bao đời khốn khó trở nên khá giả.
Bà Thu Bồn kể, ngày trước, đồng bào dân tộc thiểu số tại xã La Dêê (Nam Giang) và huyện Đắk Chưn (Sê Kông, Lào) sống giữa rừng thiêng nước độc, lương thực thực phẩm đều là nguồn tự cung tự cấp. Mãi sau này có thủy điện Xekaman 3, người dân hai bên nuôi được con gà gùi ra đổi gói muối, cái quần đùi từ dưới xuôi lên. Ngày nay, một con gà bán được, họ có thể mua thực phẩm cho cả tuần ăn.
Bà Thu Bồn khẳng định, khi cửa khẩu Đắk Ôốc thông thương trong một vài năm tới, không chỉ đời sống đồng bào hai huyện Nam Giang và Đắk Chưn được nâng cao mà sẽ là cơ hội lớn cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bởi lẽ, thông thương qua cửa khẩu Đắk Ôốc sẽ rút ngắn hơn rất nhiều quãng đường từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nối với Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
“Khi cửa khẩu Đắk Ôốc thông thương, cự ly vận chuyển từ vùng Đông Bắc Thái Lan đến cảng Đà Nẵng chỉ 600km, trong khi vận chuyển đến cảng Laem Chabanh, ở gần Bangkok phải mất đến trên 900km; việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển đến các nước Bắc Á nếu thông qua cảng biển như: Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) đi hết 1.600 hải lý, trong khi thông qua cảng Băng Cốc đi hết 2.800 hải lý. Nếu so sánh với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị) thì Hành lang kinh tế Đông Tây - EWEC2 thông qua cửa khẩu Đắk Ôốc sẽ rút ngắn cả gần 1.000km. Vì vậy, cửa khẩu Đắk Ôốc không chỉ khai sáng người dân ở dãy Trường Sơn mà còn mở ra sự đổi thay cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, bà Thu Bồn cho biết.
| |
NGUYÊN KHÔI