Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số đã tham dự diễn đàn năm 2017.
Dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự SLD 2018 là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dự kiến, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á” vào ngày 2-6. Bên lề SLD, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã lần lượt tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Ron Mark; Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Gavin Williamson; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng tại cuộc gặp. Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN
Tại cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó nghiên cứu ký kết các văn bản phù hợp làm cơ sở triển khai hợp tác. Bộ trưởng Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên. Về các vấn đề này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị, hai bên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất trong thời gian tới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu trong phiên khai mạc. Thủ tướng Modi kêu gọi các quốc gia có quyền tiếp cận bình đẳng với những không gian chung trên không và trên biển, đồng thời giải quyết các tranh chấp khu vực theo luật pháp quốc tế. Theo dự kiến, Bộ trưởng Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên vào sáng 2-6 với chủ đề “Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Bên lề SLD, ông Mattis và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc Mỹ can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, bằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ an ninh với ASEAN, Washington đang nỗ lực đối phó với việc Bắc Kinh ngày càng có thái độ cứng rắn và gia tăng hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Trước đó, trên đường tới Singapore, ông Mattis đã cho biết bên cạnh việc đề cập tới vấn đề Triều Tiên, Mỹ cũng sẽ đưa ra những thông điệp cứng rắn với Trung Quốc nhằm phản đối các hành động quân sự hóa biển Đông tại SLD. Nhận định về SLD, giới phân tích quốc tế cho rằng hội nghị diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên, dự kiến cũng sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12-6 tới, vì vậy bán đảo Triều Tiên sẽ là chủ đề nổi bật được tập trung bàn thảo bên cạnh những nội dung nghị sự quan trọng khác liên quan các thách thức về an ninh khu vực. Diễn đàn Shangri-La năm nay được coi là cơ hội tốt, thậm chí được coi là “bước đệm” để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, những nội dung sẽ được các đại biểu tập trung đề cập còn nằm ở các chiến lược rộng hơn trong đối phó với các nguy cơ cũng như bảo đảm an ninh khu vực. Trong đó, phải kể đến mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố hay tình hình biển Đông cũng tiếp tục nổi lên những diễn biến đáng lo ngại với việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trái phép ở biển Đông.