(SGGPO).– Sáng nay, 29-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Đại sứ quán Vương quốc Anh, đại diện Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam đã tổ chức buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 10 giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế với chủ đề “Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng đối với công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam”. Tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại diện nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nhà tài trợ quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết, kể từ năm 2007 đến nay, theo thảo thuận giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, đối thoại về phòng chống tham nhũng là sự kiện định kỳ được tổ chức 2 lần/năm. Đã có 9 kỳ đối thoại được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau. Để đánh giá lại những thành công, hạn chế của các kỳ đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức kỳ đối thoại lần thứ 10.
Trước khi đối thoại này diễn ra, hội thảo trước đối thoại đã được tổ chức tập trung đánh giá tác động của các kỳ đối thoại tới đời sống Kinh tế-Xã hội và công tác quản lý Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Đối thoại lần này sẽ đánh giá tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; tác động của các kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng đối với công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Đặc biệt cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế sẽ thể hiện quan điểm về lĩnh vực này của Việt Nam.
Phát biểu tại đối thoại sáng nay, Tiến sĩ Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng, phải xác định các biện pháp quyết liệt, táo bạo để phòng chống tham nhũng. Kinh nghiệm của các nước khác cho thấy, quyết tâm chính trị để thực hiện những biện pháp này đóng vai trò cốt yếu.
Đại sứ Anh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiếp cận thông tin trong việc thúc đẩy tính minh bạch và tính giải trình. Việt Nam cần đạt nhiều tiến bộ hơn nữa về vấn đề minh bạch và giải trình, trong đó có việc cần sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin, cho phép báo chí thông tin một cách có trách nhiệm về vấn đề tham nhũng.
Mặt khác, phải xác định được các biện pháp mang tính đột phá để giải quyết tham nhũng trong công tác ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Trong đó ngoài vai trò rất lớn của Chính phủ Việt Nam còn có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp ký, tăng cường tính minh bạch, ngăn chặn tham nhũng để tạo môi trường đầu tư, cạnh tranh bình đẳng. Trên cơ sở đóng góp của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phòng chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, nợ công là vấn đề nóng hổi không chỉ riêng đối với Việt Nam, đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ. “Không thể có hình mẫu cho mọi quốc gia, nhưng Việt Nam thể hiện sự tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế để hoàn thiện con đường phát triển của mình”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Báo cáo đánh giá bước đầu 5 năm thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho thấy, đã có trên 300 văn bản về phòng chống tham nhũng đã được ban hành. Đã hình thành khung pháp lý cơ bản về phòng chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Về hoàn thiện bộ máy phòng chống tham nhũng, cấp Trung ương có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có các đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao. Hiện nay đã có 63 Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua như công khai minh bạch; tăng cường giám sát để phòng chống tham nhũng; xây dựng chế độ báo cáo định mức để ngăn ngừa tham nhũng như chi tiêu công; quyết định về tặng quà; quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí của cán bộ; đã có quy định về minh bạch tài sản. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được triển khai, riêng năm 2011 có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách (cách chức 11, cảnh cáo 10, khiển trách 40); triển khai đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính (tiết kiệm 6.000 tỷ đồng/năm cho người dân và doanh nghiệp)..
Qua kiểm toán từ năm 2006-2010, đã phát hiện, kiến nghị xử lý, thu nộp cho Nhà nước 80.130 tỷ đồng từ công tác phòng chống tham nhũng. Quốc hội cũng đã tăng cường giám sát phòng chống tham nhũng. Mỗi năm trung bình khởi tố 280 vụ án/hơn 600 bị can liên quan đến tham nhũng.
Đánh giá chung cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; nhận thức được nâng lên; đã hoàn thiện khung pháp lý; việc xử lý đã kiên quyết. Vì vậy trên một số lĩnh vực tham nhũng đã được kiềm chế, đơn thư khiếu nại và số vụ vi phạm có xu hướng giảm. Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng trong 5 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính căn bản. “Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; tham nhũng vẫn là bức xúc và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội”, báo cáo này nhấn mạnh.
Phát biểu tại đối thoại sáng nay, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đều thể hiện sự ủng hộ đối với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, các ý kiến đều cho rằng khung pháp lý phòng chống tham nhũng hiện nay đã khá hoàn thiện, vấn đề bây giờ là phải quyết tâm hành động.
Các ý kiến đề khuyến nghị phải tăng cường tính minh bạch trong hoạt động phòng chống tham nhũng; tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân, các tổ chức dân sự, báo chí trong công tác này.
PHAN THẢO