Đời tre

Cây tre gắn liền với đời sống của người Việt Nam, từ nông thôn cho đến thành thị. Tre góp mặt trong mọi ngóc ngách của cuộc sống: đũa tre, chiếu tre, cây sào phơi quần áo, cây sào chống xuồng (ở thôn quê), đến cái lọp và ống trúm (dụng cụ đặt bắt cá, bắt lươn), cho đến măng tre dùng làm thực phẩm, chưa kể một loạt rổ, thúng, giần, sàng, nia của bà, của mẹ thường vót tre nhà, tự đan treo đầy góc bếp…

Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm bằng nguyên liệu từ tre. Mấy anh trai của tôi thì chọn những cây tre nhỏ, thanh mảnh, có độ cong mềm mại để làm cần câu. Gần đây nhất là sự trở về với thiên nhiên trong chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần, cho nên ống hút tre lên ngôi. Nhiều năm gần đây, tên tuổi của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa không còn xa lạ với những ai quan tâm đến môi trường, bởi những công trình thiết kế trong xây dựng đoạt giải quốc tế của anh đều có bóng dáng cây tre. 

Đời tre ảnh 1
Đời sống của cây tre là một hành trình rất dài, có thể đến 60 năm, thậm chí hơn. Tre như “đội đất” mọc lên từ những mục măng nhỏ, chúng mọc thành quần thể. Trong điều kiện thổ nhưỡng nào, chúng cũng có thể tồn tại và phát triển. Còn trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, cây tre đã quá quen thuộc. Mấy ai lớn lên mà chưa từng nghe câu thần chú “khắc xuất khắc nhập” trong truyện cổ tích Cây tre trăm đốt; cậu bé Gióng vươn vai lớn lên, đánh thắng giặc Ân với con ngựa sắt và bó tre làm vũ khí trong Thánh Gióng… Quân và dân Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ, cũng có sự góp mặt của những hầm chông vót nhọn từ những cây tre. Xung quanh chuyện chọn biểu tượng cho văn hóa Việt, cây tre bao giờ cũng là một trong những phương án lựa chọn. 

Cá nhân tôi, tôi thích những câu chuyện nhỏ hàng ngày trong đời sống gia đình ở quê, khi tôi còn bé xíu. Đó là những lúc cha tôi ngơi việc đồng áng, mỗi sáng sớm, sau khi uống cạn bình trà “quạu”, ông hay ngồi vót tre thành những chiếc nan để đan lọp. Cha tôi nhẹ nhàng và cần mẫn, dáng ngồi ung dung, thư thái của người đàn ông miệt vườn xưa. Giờ cha tôi đã đi xa, nhưng tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi nhẫn nại ấy. Rồi, những khi mưa dầm, cha tôi đốn thêm mấy cây tre “đèo đẹt” để cột dây, giăng cạnh hè nhà cho mẹ tôi có chỗ phơi đồ. Thi thoảng, cha tôi vót thêm cho mẹ tôi đôi đũa bếp dài, để khi nấu nướng, tay của mẹ không bị táp lửa. Riêng tôi, cha cũng vót thêm cho đôi đũa như của mẹ, ông bảo, để khi ủi đồ, tôi có đôi đũa riêng mà gắp than cho vào bàn ủi có con gà đứng co chân làm chốt khóa. Còn bà nội và mẹ tôi, cũng theo thời như mấy bà cô, bà chị hàng xóm, đan rổ rá, thúng nia, giần, sàng treo đầy góc bếp, như tự khoe ngầm về sự khéo léo từ những đôi bàn tay của mình. Đời tre, như một trang nhỏ góp vào những vụn vặt đời thường đã nuôi tôi lớn lên. 

Bây giờ, góc bếp nhà tôi cũng có những cái rổ, rá treo lên, nhưng không nhiều. Đó là những sản phẩm tôi mua từ những bà cụ ở quê ra, ngồi bán ngay góc đường. Tôi hình dung ra dáng của bà ngồi khi vót nan tre, biết có thư thái, ung dung và cần mẫn như dáng ngồi của cha tôi hồi tôi còn bé xíu?  

Cây tre cũng ra hoa, nhưng xin bạn đừng mong đợi, bởi khi chúng ra hoa là chúng kết thúc đời sống của mình. Thật sự buồn quá tre ơi!

Tin cùng chuyên mục