Đòn bẩy kinh tế thay mệnh lệnh hành chính

Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả. Một trong những giải pháp trọng yếu để đạt được mục tiêu này là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình DN. 
Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mặc dù nhận thức được rằng, khi chuyển sang mô hình DN, các hộ kinh doanh sẽ có thêm điều kiện tiếp cận vốn, hay các tận dụng được nguồn lực khác dễ dàng hơn…, nhưng không phải hộ kinh doanh nào cũng muốn chuyển đổi.
Tại hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN - thực trạng và giải pháp hỗ trợ” vừa tổ chức ở Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nghiên cứu điều tra được CIEM thực hiện với hơn 400 hộ kinh doanh tại 6 tỉnh thành mới đây cho thấy, có 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành DN (sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên), nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít. 
Theo nhận định của CIEM, quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN vẫn đang âm thầm diễn ra nhưng tỷ lệ rất thấp. Việc hỗ trợ và tạo ưu đãi của Nhà nước hiện mới dừng lại ở chính sách, do đó chưa thúc đẩy được hộ kinh doanh “lên” DN. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, điều kiện cũng như thủ tục để chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình DN không phức tạp. Tuy nhiên, chi phí chính là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên DN. Chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì hiện nay khu vực kinh doanh cá thể vẫn được thực hiện theo chế độ thuế khoán, nên việc khai báo thuế đơn giản hơn. Mặt khác, họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính do còn rườm rà, chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... phức tạp. 
Về bản chất hộ kinh doanh và DNNVV là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách khiến hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với DN. Chẳng hạn như việc hạn chế quyền kinh doanh, hộ kinh doanh chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ. Dù có những hạn chế như thế nhưng vì sao hộ kinh doanh vẫn chọn mô hình này thay vì DN? Theo phân tích của các chuyên gia, thực tế hộ kinh doanh có vẫn những lợi thế nhất định so với DN. Chẳng hạn, nếu là DN, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày; khi gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất 60 tháng; và phải mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế. Trong khi đó, hộ kinh doanh lại có những lợi thế nhất định, chẳng hạn đơn giản hơn về chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Hộ kinh doanh chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn... 
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN, trước hết, chính sách phải hỗ trợ được toàn diện và nhất quán cho DN về lâu dài. Trong khi hiện nay, chính sách dường như mới chỉ hỗ trợ trong việc thành lập DN và động viên khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, những hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN bởi nhận ra được những lợi ích khi chuyển thành DN, đó là sự gắn bó và trách nhiệm giữa người lao động với DN, được hưởng ưu đãi về chính sách đầu tư, vay vốn và thuê mặt bằng cũng thuận tiện hơn. Nếu dùng “mệnh lệnh” hành chính mà hạn chế nhiều quyền của hộ kinh doanh để họ thấy bức bách và chuyển lên DN thì chúng ta lại rơi vào “cái bẫy”. Việc tự đặt ra những “chiếc áo chật” sẽ giống như ép trái chín khi còn non. Vì vậy, môi trường kinh doanh phải có sự bình đẳng giữa mọi hình thức kinh doanh, để hộ kinh doanh tự nhận thấy lợi ích mà chuyển đổi lên DN. Chuyển đổi hộ thành DN không phải là mục tiêu cuối cùng, cái đích phải là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, mà ở đó mọi nguồn lực đã đầu tư vào sản kinh doanh, bình đẳng, đều phải được phát huy tối đa lợi ích.
Vì vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần khuyến khích và dùng đòn bẩy kinh tế, hơn là sử dụng “mệnh lệnh” hành chính, tạo động lực tự nhiên cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Chính phủ trước hết nên ưu tiên thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, sửa đổi quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp. Cấp thiết hơn là bỏ quy định phải có bộ máy kế toán riêng, khuyến khích chủ DN có thể tự làm kế toán, giảm thiểu hơn 30 giấy tờ kế toán như hiện nay. Đồng thời, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, bãi bỏ các quy định tạo cản trở. Hỗ trợ chú trọng về “chất” hướng dẫn cho DN cụ thể về các thủ tục kế toán, thuế... trong khoảng 2 năm đầu mới chuyển thành DN.

Tin cùng chuyên mục