Đòn bẩy PR

Đòn bẩy PR

Gần 1.000 sinh viên (SV) thuộc Trường ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM - cơ sở Linh Trung, Thủ Đức) đã háo hức tham dự hội thảo “PR-Đòn bẩy thời @”, do CLB Nghiên cứu Kinh tế-Khoa Kinh tế (ĐHQG) phối hợp với Tuần san SGGP Thứ Bảy và nhóm Openshare tổ chức.

  • Khám phá PR
Đòn bẩy PR ảnh 1

Ông Quốc Kế - Thư ký tòa soạn Báo SGGP - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Trong Hội trường Nhà điều hành ĐHQG, một nhóm SV khoa Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) bàn tán sôi nổi về PR. Một SV cho biết: “Mối liên hệ giữa PR và báo chí là vấn đề em quan tâm nhất nên em nghĩ buổi hội thảo sẽ giúp em có những kiến thức cần thiết, biết đâu em sẽ chọn nghề PR sau khi ra trường”. Đi lại khó khăn vì phải ngồi xe lăn nhưng cô bạn Đỗ Hồng Minh (SV năm 2, ngành Hàn Quốc- khoa Đông Phương) vẫn không ngại vì chủ đề buổi hội thảo là vấn đề cô rất quan tâm.

Minh nói: “Tuy ngành học của em liên quan đến dịch thuật, nghiên cứu văn hóa nhưng em lại thích PR và muốn hiểu về nó để định hướng nghề nghiệp sau này”. Lần đầu tiên được tổ chức tương đối quy mô trong khuôn khổ dành cho sinh viên, buổi hội thảo đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh, thiết thực của ngành PR cho các bạn trẻ.

  • PR trong mối tương quan giữa kinh doanh và báo chí
Đòn bẩy PR ảnh 2

Đông đảo sinh viên tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG.

Thụy Anh-Phó Ban điều hành nhóm Openshare, khái quát: “PR là phương thức truyền thông nhằm đưa sản phẩm đến khách hàng thông qua người thứ ba. Mục tiêu của PR là định vị sản phẩm, phân tích đối thủ cạnh tranh và thị trường để đưa ra hướng giải quyết”.

Anh Nguyễn Trọng Tấn-Giám đốc nhãn hiệu cấp cao Công ty Lanta,  cho rằng, PR có tác dụng tích cực trong việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ marketing, nâng cao uy tín đơn vị hoặc cá nhân, quản lý sự kiện kiêm quản trị khủng hoảng. Lợi ích của PR ở khía cạnh quản lý sự kiện và quản trị khủng hoảng được minh chứng qua hai trường hợp gần đây nhất là trò chơi Võ lâm truyền kỳ và nước tương Chin-su.

Thông tin Võ lâm truyền kỳ sắp ngừng hoạt động được tung lên khiến các game thủ phản ứng, báo chí vào cuộc, tạo nên làn sóng thông tin đưa hiệu quả kinh doanh game trực tuyến Võ lâm truyền kỳ tăng lên thấy rõ. Riêng nước tương Chin-su, sau vụ ầm ĩ về chất lượng bị đăng tải trên báo chí gây lo lắng cho người tiêu dùng, công ty này đã âm thầm làm việc với cơ quan chức năng để chứng nhận chất lượng, thực hiện chiến dịch cải chính thông tin trên báo chí và đã thành công khi đối mặt với khủng hoảng. Từ trường hợp của nước tương Chin-su, anh Tấn nói: “PR ngoài mục đích đánh bóng hình ảnh sản phẩm, yếu tố cần nhất là phải trung thực với khách hàng nếu không muốn sản phẩm chết sớm”.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động PR chính là tạo ra sự kiện. Anh Việt Nam-Trưởng phòng Marketing Học viện NIIT, cho rằng, tính chất duy nhất, độc đáo của sự kiện sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng và báo chí. Phân tích về mối quan hệ giữa PR với báo chí, theo chị Cẩm Ly-Giám đốc PR Công ty AVC, các cơ quan truyền thông đóng vai trò lớn cho sự thành công của PR ở Việt Nam và “khi bạn giúp báo chí hiểu thì họ sẽ giúp đưa thông tin đến với mọi người”.

Từ góc nhìn người làm báo, ông Quốc Kế-Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Tuần san SGGP Thứ Bảy, nói: “Ở góc độ nào đó, người làm PR cũng là nhà báo không chính thức. Do đó, để thông tin của mình được báo chí đón nhận và đăng tải thì khâu thiết yếu của PR là viết thông cáo báo chí rõ ràng, ngắn gọn và chính xác.  Kèm theo đó, người làm PR phải đảm bảo “3 lợi ích” cho 3 ðđối tượng: doanh nghiệp, tờ báo và người đọc. Nghĩa là, ngoài vấn đề có lợi cho doanh nghiệp,  bạn có giúp tờ báo đó nâng cao uy tín bằng chính thông tin mà bạn cung cấp hay không và người đọc thu hoạch được gì với thông tin mà bạn truyền tải?”.

CHÂU LOAN

Tin cùng chuyên mục