Ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi

Đơn giản hóa thủ tục xử phạt

Đơn giản hóa thủ tục xử phạt

Trung bình mỗi năm, TPHCM phải chi hơn 400 tỷ đồng cho công tác quét rác, hơn 500 tỷ đồng cho công tác thu gom và vận chuyển rác. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, rác vẫn tràn ngập nhiều nơi, đặc biệt là các kênh, rạch, dưới gầm cầu và các góc phố… Tại sao và làm gì để ngăn chặn tình hình ấy? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM về vấn đề này.

Rác do người dân vứt trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 1. Ảnh: Diễm Thy

Rác do người dân vứt trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 1. Ảnh: Diễm Thy

- Phóng viên: Nhiều năm nay, TPHCM đã phải chi một khoản tiền không nhỏ cho công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, rất nhiều khu phố, nhiều tuyến đường của TPHCM lúc nào cũng thấy rác vương vãi. Rác chất thành đống bốc mùi khó chịu, rác làm nghẹt cống thoát nước, rác làm ô nhiễm kênh rạch. Thưa ông, phải chăng các sở ngành chức năng đang lúng túng trước nạn vứt rác bừa bãi?

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Bên cạnh những khu phố, những tuyến đường còn vương vãi rác, TPHCM cũng có không ít khu phố, không ít tuyến đường sạch đẹp… và đây chính là kết quả của các chương trình thực hiện “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” (năm 2008) “Năm văn minh mỹ quan đô thị” (năm 2010), phong trào “Chủ nhật hồng” làm sạch nhiều khu phố và vớt rác, thông dòng trên nhiều tuyến kênh của Đoàn TNCS TPHCM…

Tuy nhiên, là một trung tâm kinh tế của cả nước, trung bình mỗi năm TPHCM thu hút hàng ngàn người dân từ các tỉnh khác về làm việc. Trong dòng người này, nhiều người chưa hình thành được nếp sống văn minh đô thị, trong đó có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định. Tại TP, một bộ phận không nhỏ người dân cũng chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Thực trạng này đã đưa đến kết quả là không ít tuyến đường, không ít khu vực còn vương vãi rác.

- Nhìn thấy bất cập, tại sao chưa có giải pháp khắc phục?

Đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giúp người dân hình thành nếp sống văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ mà Sở TN-MT cùng các sở, ngành, quận, huyện liên quan sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong các năm tới. Ở một góc độ khác, Sở TN-MT sẽ cùng các đơn vị chức năng rà soát lại công tác xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định hiện nay, việc xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi, tiêu tiểu không đúng nơi quy định… được giao về cho một số cán bộ như chủ tịch UBND các phường, trưởng công an các quận - huyện… như thế là chưa phù hợp với thực tế. Mỗi khi lực lượng giữ gìn vệ sinh môi trường phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi, lập biên bản xử phạt, sau đó phải về đơn vị, xin thủ trưởng ký duyệt, mới được triển khai phạt là rất mất thời gian, hiệu quả không cao vì các lãnh đạo đơn vị còn nhiều công việc phải quan tâm khác.

Thiếu tính răn đe trong bối cảnh ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn thấp là thách thức lớn cho những người làm công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Sở TN-MT đang kiến nghị đơn giản hóa thủ tục xử phạt nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường trong đó có vứt rác bừa bãi. Về lâu dài, Sở TN-MT sẽ có kiến nghị với TP nên bố trí lại các khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán đúng nơi quy định để hạn chế tình trạng người dân phải lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh và vứt rác, đổ nước thải bừa bãi xuống đường, xuống phố.

- Sở TN-MT dự kiến kiến nghị đơn giản hóa thủ tục xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường như thế nào?

Trước hết, sở sẽ kiến nghị bỏ quy định biên bản phạt phải có chữ ký của chủ tịch phường hoặc trưởng công an các quận, huyện. Nếu phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi, đổ nước thải ra ngoài đường, tiêu tiểu không đúng nơi quy định, thanh tra viên lập biên bản và có thể tiến hành xử phạt ngay. Để tăng hiệu quả răn đe, sở sẽ kiến nghị thêm: sau khi phải nộp phạt theo quy định, người có hành vi sai trái còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra, đi lượm rác hoặc phải chùi rửa sạch nơi mình đã tiêu tiểu không đúng. Mức phạt bằng tiền cũng phải thật cao để tăng tính răn đe. Nếu người nào không đủ tiền nộp phạt sẽ phải lao động công ích để bù vào.

Chưa hết, sở cũng sẽ kiến nghị UBND TPHCM phối hợp với các quận, huyện rà soát lại công tác giữ gìn trật tự văn minh đô thị, nếu quận, huyện nào thiếu người thực hiện, đề nghị UBND TPHCM cho bổ sung thêm.

An Nhiên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục