Dồn sức thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Tập trung giải bài toán khó nhất: giải phóng mặt bằng
Dồn sức thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Một động thái cần được ghi nhận: TPHCM đang có rất nhiều nỗ lực cho sự hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm – trung tâm mới của TP.

Tập trung giải bài toán khó nhất: giải phóng mặt bằng

Dồn sức thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm ảnh 1

Hiện trạng một góc Thủ Thiêm.
Ảnh: Đức Trí

Chiều 28-4-2008, UBND TPHCM lại họp bàn về việc giải phóng mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cuộc họp mà UBND TPHCM gần như tháng nào cũng tổ chức để gỡ ngay những khó khăn phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng ở đây.

Cuộc họp ngày 28-4-2008 tập trung giải quyết những vướng mắc trong việc di dời dân để xây dựng 3 khu tái định cư: khu 30ha ở phường Bình Khánh, khu 17,3ha ở phường An Phú và khu 38,4ha cũng ở phường Bình Khánh, dự kiến sẽ định cư cho khoảng 12.500 hộ dân.

Theo đại diện UBND quận 2 - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giải phóng mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu tái định cư 30ha ở phường Bình Khánh đã thu hồi được gần 13ha. Phần còn lại đang thương thảo với dân và dự kiến đến cuối tháng 6-2008 sẽ xong.

Khu 17,3ha ở phường An Phú đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao cho chủ đầu tư. Khu 38,4ha đã thu hồi được hơn 25ha.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã quyết một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 khu tái định cư này. Theo đó, ông Tín cho phép chủ đầu tư các dự án tái định cư được chủ động lập quy hoạch chi tiết 1/500 trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ công trình; UBND quận 2 xem xét để có những chính sách hỗ trợ hợp tình, hợp lý cho những trường hợp cụ thể đã xây nhà trên đất nông nghiệp…

Trước đó, hàng loạt các khu tái định cư khác đã được triển khai xây dựng: khu An Phú, An Khánh, dự kiến đón hơn 700 hộ dân, khu Thạnh Mỹ Lợi đã hoàn tất hơn 1.000 căn hộ… Và Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (sau đây gọi tắt là Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm) cũng đã chủ động mua khoảng 2.000 căn hộ và nền nhà tái định cư của các dự án lân cận để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm.

Vốn cho toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm về cơ bản vẫn chưa huy động đủ. Thế nhưng, theo Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TPHCM vẫn đảm bảo đủ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ.

Bên cạnh vốn là một số cơ chế, theo Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, cũng đã được UBND TPHCM đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Nếu như trước kia những người dân có diện tích nhà bị giải tỏa trên 100m² mới được xem xét mua nền nhà tái định cư thì nay nhỏ hơn một chút (so với 100m²) cũng được xem xét mua nền. Giá bán chung cư tái định cư có tính nhiều đến việc hỗ trợ cho người dân v.v…

Nguồn tài chính ổn định cộng với một số chính sách trong đền bù giải phóng mặt bằng đang được đề xuất điều chỉnh đã làm cho tiến độ giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm có những bước tiến nhanh hơn. Tính đến ngày 23-4-2008, UBND quận 2 cho biết đã bồi thường được gần 390ha, chiếm gần 60% diện tích của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Làm quy hoạch và tổ chức thi kiến trúc những công trình trọng điểm

Ba công trình có tính chất là điểm nhấn của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm: quảng trường trung tâm, công viên dọc bờ sông Sài Gòn và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối Thủ Thiêm với trung tâm TP hiện hữu. Cả 3 công trình này đều được Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức thi ý tưởng thiết kế để chọn lựa đề án đẹp nhất hợp lý nhất vào trung tuần tháng 3-2008 vừa qua. Theo Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, hiện đã có hơn 500 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đăng ký thi.

Song song với động thái này là công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính của Thủ Thiêm mà trước mắt là 3 trục đường chính: Đại lộ Vòng Cung, đường ven hồ nối đường Trần Não với khu thể thao trung tâm và đường ven sông Sài Gòn.

TP đã đặt mục tiêu phải ngầm hóa toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở khu vực này với tổng số vốn đầu tư có thể lên đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, đây là bài toán khó vì còn phải cân đối giữa mong muốn, nhu cầu thực tế và khả năng đầu tư của TP. “Đã có rất nhiều những mơ ước về một đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại như sẽ có một hệ thống cấp nước có thể uống nước ngay tại vòi…, nhưng điều này sẽ rất khó thực hiện vì nhiều chỗ trong mạng cấp nước hiện hữu của toàn TP đã cũ kỹ, xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo”, ông Nguyễn Lê Dũng, Phó trưởng Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm nói.

Đô thị mới Thủ Thiêm còn ngổn ngang với bao công tác chuẩn bị như vậy. Thế nhưng, rất mừng là đã có rất nhiều nhà đầu tư đến “xem mắt” Thủ Thiêm. Theo Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, trung bình mỗi tuần có từ 1-2 nhà đầu tư đến đặt vấn đề đầu tư ở Thủ Thiêm nhưng TP đã hẹn lại vì muốn tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, một số dự án quan trọng cũng đã được cấp phép xây dựng ở đây. Đó là tòa nhà tri thức Việt Nhật. Nơi đây dự kiến thu hút một lượng chất xám khổng lồ: 2.000-3.500 kỹ sư Nhật Bản, 35.000 kỹ sư và lập trình viên cao cấp Việt Nam cùng khoảng 10.000 lao động gián tiếp đến làm việc để sản xuất phần mềm cung cấp cho Nhật. Dự án có một ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cao của TP và sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho sự gia tăng GDP của TP trong tương lai.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục