
Chưa bao giờ huyện Duyên Hải, miền đất tận cùng của tỉnh Trà Vinh - một tỉnh nằm ở góc khuất của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - lại tấp nập người đến như vậy. Khách sạn Duyên Hải - khách sạn duy nhất của huyện Duyên Hải - hầu như chưa bao giờ đông khách, giờ đã kín phòng.
Dưới biển, sôi động khảo sát
Ngày 8-4-2009, đoàn khách lớn nhất đến Khách sạn Duyên Hải là gần 100 cán bộ, công nhân kỹ thuật của Ban quản lý dự án làm luồng tàu biển lớn cho ĐBSCL thuộc Bộ Giao thông Vận tải (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) và tư vấn nghiên cứu: Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast).
Làm luồng tàu biển lớn cho ĐBSCL là ước mơ từ rất lâu của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và người dân ĐBSCL. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã từng đi khảo sát trên rất nhiều cửa sông ở ĐBSCL để tìm luồng tàu biển lớn cho mảnh đất này.
ĐBSCL là một vùng đất trù phú, với nhiều sản vật thiên nhiên nhưng người dân nơi đây vẫn chưa giàu mà một trong những nguyên nhân chính là chưa có một luồng tàu biển lớn để giao thương hàng hóa. Hiện ĐBSCL có luồng Định An, có chế độ thủy văn phức tạp, nên chỉ có thể đón những tàu biển nhỏ. Chính vì vậy mà có đến gần 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải thông thương ở các cảng của TPHCM. Đường xa, tốn phí, tốn thời gian đã làm cho hàng hóa của ĐBSCL mất tính cạnh tranh.
Ngày 9-4-2009, 29 chiếc thuyền từ 3 cửa biển: Đông Hải, Láng Chim, Long Toàn của huyện Duyên Hải đã nhổ neo ra biển, bắt đầu cuộc khảo sát thủy văn, phục vụ cho công tác thiết kế luồng tàu biển lớn.

Mặt biển ở 3 cửa biển, ngày hôm ấy khá lặng sóng. Đoàn thuyền nhộn nhịp rẽ sóng ra khơi. Cùng nhổ neo với các cán bộ Ban quản lý dự án và Portcoast là các chiến sĩ biên phòng cửa biển Định An.
Đợt 1, ông Trương Ngọc Tường, kỹ sư trưởng của Portcoast cho biết, các kỹ sư Portcoast sẽ tập trung khảo sát dòng chảy, sóng, bùn cát, độ mặn liên tục trong 73 giờ. Dự kiến đợt 2 sẽ thực hiện vào tháng 8-2009.
Ngoài các đợt khảo sát về thủy văn ngắn như trên sẽ còn nhiều đợt khảo sát dài hạn hơn về khí tượng bao gồm: gió, mực nước và sóng… Trong 73 giờ làm việc liên tục trên biển, hàng trăm mẫu nước, bùn cát đã được các cán bộ của Portcoast lấy về, đưa vào phòng thí nghiệm…
Trên bờ, đã sẵn sàng
Trong khi các cán bộ của Postcoast phải chống chọi với sóng to gió lớn, những cán bộ xã Dân Thành, huyện Duyên Hải đang cật lực với công việc đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án làm luồng tàu biển lớn cho ĐBSCL.
Dân Thành là một xã có khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án lớn nhất trong huyện Duyên Hải. Toàn xã Dân Thành có 130 hộ phải giải tỏa và hiện đã giải tỏa xong. Ban đền bù, giải phóng mặt bằng xã Dân Thành đã cắm biên giải tỏa và bàn giao đất cho chủ đầu tư. “Người dân rất ủng hộ dự án này nên giải tỏa mới lẹ như thế”, ông Phan Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Dân Thành nói.
Theo ông Hùng, vấn đề mà xã Dân Thành còn phải cật lực làm là tổ chức 4 lớp dạy nghề về điện công nghiệp, thợ hồ miễn phí cho người dân bị giải tỏa. Hiện nay, khu tái định cư rộng 8,6 ha (cho dự án làm luồng tàu biển lớn và một dự án nhiệt điện khác) đang vào giai đoạn san lấp mặt bằng.
Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho người dân. Người dân sẽ nhận các nền đất tái định cư rộng 125m2 và chủ động xây dựng nhà. Các hộ dân “ngụ cư” (không có đất đai ở Dân Thành) cũng được Nhà nước tặng một nhà tình thương trị giá 8 triệu đồng trên một nền đất khoảng 80m2 để ổn định cuộc sống.
Ngoài Dân Thành, các xã còn lại như Long Toàn, Long Khánh cũng có hộ phải di dời, giải tỏa nhưng số lượng không nhiều và chính quyền các xã này cũng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Theo một cán bộ huyện Duyên Hải, thoạt đầu cũng có một số người dân băn khoăn về những tác động đến môi trường của dự án, song khi được chính quyền giải thích, họ đều yên tâm.
Cũng theo cán bộ này, sau khi dự án làm luồng tàu biển lớn được triển khai, đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Duyên Hải. Đó là các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và từ TPHCM.
Hiện nay huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú đã tính đến việc đề xuất Chính phủ cho xây dựng một khu kinh tế mở rộng khoảng 35.000 ha ở đây. Khu kinh tế mở cùng với luồng tàu biển lớn sẽ là một động lực mạnh mẽ cho Trà Vinh và cả ĐBSCL cất cánh.
NGUYỄN KHOA
Đào kênh Tắt qua kênh Quan Chánh BốNgày 30-11-2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (gọi tắt là luồng tàu biển lớn cho ĐBSCL).
Theo quyết định này, Cục Hàng hải Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng một luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải có thể ra vào sông Hậu, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa cho ĐBSCL với khối lượng 21 - 22 triệu tấn hàng hóa/năm và khoảng 450.000 - 500.000 TEU/năm (giai đoạn 2010 - 2020).
Toàn bộ tuyến luồng dài khoảng 40 km, gồm 4 đoạn: đoạn thuộc sông Hậu dài 6 km, đoạn qua kênh Quan Chánh Bố dài 19 km, đoạn qua kênh Tắt (sẽ đào nối từ kênh Quan Chánh Bố ra biển) dài 9km và một đoạn kênh biển dài khoảng 6km. Chiều rộng của luồng là 25m.
Ngoài tuyến luồng sẽ có 2 đê biển chắn cát và giảm sóng được xây dựng trên biển. Hai khu nước để cho tàu tránh. Một khu ở trên kênh Đại An và một khu ở trên kênh Quan Chánh Bố. Một bến sà lan 500T tại Long Toàn.
Cùng với các công trình trên biển, sẽ có một số cầu và đường dân sinh được xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo cho tàu lưu thông, cầu sẽ là cầu mở và khoang thông thuyền 85m, tĩnh không 5m (khi không mở cầu).
Phương án làm luồng tàu biển lớn bằng cách đào kênh Tắt qua kênh Quan Chánh Bố đã được nghiên cứu từ hơn 20 năm nay bởi các tư vấn trong và ngoài nước. Song hành với việc triển khai làm luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố, Bộ Giao thông Vận tải vẫn cho nạo vét luồng tàu biển Định An hiện hữu để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa hiện tại của ĐBSCL.
A.N.
Quy hoạch nhóm cảng biểnNăm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch nhóm cảng biển cho ĐBSCL (nhóm cảng biển số 6) đến năm 2010. Nhóm cảng biển này sẽ gồm các cảng thuộc 12 tỉnh, thành phố của ĐBSCL với nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông quan của khoảng 14,7 – 15,7 triệu tấn/năm vào năm 2010 và 28 – 32 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Theo đó, trách nhiệm của từng cảng sẽ là: cảng trên sông Tiền bao gồm cảng tổng hợp Cao Lãnh, Sa Đéc (Đồng Tháp), Vĩnh Thái (Vĩnh Long), Hàm Luông (Bến Tre) sẽ đón tàu có trọng tải 5.000 DWT; cảng trên sông Hậu bao gồm các cảng Hoàng Diệu, Cái Cui, Trà Nóc (Cần Thơ), Mỹ Thới (An Giang), Đại Ngãi (Sóc Trăng), Trà Cú (Trà Vinh).
Đây chính là nơi có luồng tàu biển lớn qua kênh Quan Chánh Bố với tàu trọng tài 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải. Các cảng ở khu vực Cà Mau và một số cảng biển nhỏ khác như cảng tổng hợp Năm Căn (Cà Mau) sẽ đón tàu hàng rời có trọng tải 3.000 – 5.000 DWT.
Cũng trong quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, từ nay đến 2010 sẽ phải tập trung đầu tư vào các dự án xây dựng cảng ở Cần Thơ, làm luồng tàu biển lớn cho ĐBSCL, cải tạo luồng trên sông Tiền bằng nguồn vốn ngân sách và vốn ODA.
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng biển bằng các hình thức BOT, BTO, BT hoặc liên doanh. Nhà nước cũng khuyến khích nghiên cứu tạo các nguồn thu cho ngân sách thông qua cơ chế sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển phải trả phí, nhằm từng bước hình thành quỹ đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển để tái đầu tư phát triển các cảng biển.
N.A.