Đồng bằng sông Cửu Long liên kết "4 nhà"

Đồng bằng sông Cửu Long liên kết "4 nhà"

Ai cũng thừa nhận ĐBSCL có nhiều đặc sản nổi tiếng như gạo Nàng thơm Chợ Đào, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, quýt hồng Lai Vung, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, khóm Cầu Đúc, nem Lai Vung, sầu riêng sữa hạt lép… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của ta khi xuất khẩu gặp khó khăn, thậm chí thua ngay trên sân nhà vì chưa có thương hiệu.

  • Nói nhiều, làm ít

Thật ra, xây dựng thương hiệu không phải là chuyện mới. Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và giới chuyên môn đã lên tiếng nhiều lần nhưng mọi chuyện chuyển biến chậm đến không ngờ. 

Đồng bằng sông Cửu Long liên kết "4 nhà" ảnh 1

Thu hoạch trái cây ở ĐBSCL manh mún nên khó tiêu thụ. Ảnh: H.P.L.

Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam, tính đến nay, ở ĐBSCL trái cây có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, điển hình như bưởi Năm Roi Hoàng Gia, cam sành Tam Bình (Vĩnh Long); xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang); sầu riêng sữa hạt lép Chín Hóa (Bến Tre)…

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bức xúc: “Điểm yếu cơ bản là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thiếu tập trung. Tỉnh nào cũng nói phát triển vườn cây ăn trái nhưng kế hoạch trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, tiêu thụ ra sao… thì bỏ ngỏ. Quy hoạch và tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ nên không phát huy được thế mạnh của từng địa phương”.

Trái cây của ta hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Đến mùa, khắp nơi chỗ nào cũng thấy trái cây nhưng khả năng cung ứng trái cây chất lượng cao đồng kích cỡ, màu sắc… phục vụ xuất khẩu rất thấp. Chưa kể giá cả trái cây đặc sản của ta quá cao như xoài cát Hòa Lộc có khi tới 60.000đ/kg, sầu riêng Chín Hóa 30.000đ/kg…, cao hơn nhiều so với trái cây cùng chủng loại của Thái Lan và nhiều nước khác. Đây chính là cản ngại lớn để đưa trái cây đồng bằng đi xa.

Tương tự, thị trường gạo đặc sản cũng lận đận không kém. Vài năm trở lại đây, ngành lương thực kêu gọi các địa phương mở rộng diện tích trồng lúa thơm. Nông dân nghe theo trồng ào ạt. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì gạo đặc sản chủ yếu thích nghi tốt ở các tỉnh duyên hải, nếu trồng ở nơi khác sẽ không giữ được mùi thơm. Và thực tế là vụ đông - xuân 2005, gạo đặc sản tràn lan nhưng chất lượng kém, bán với giá thấp hơn gạo thường, thậm chí tiêu thụ rất khó khăn.

Mặt khác, các nước trên thế giới xuất khẩu gạo đặc sản đều có thương hiệu, trong khi ở ta thì bán xô bồ. Lợi dụng việc này, các nhà kinh doanh gạo quốc tế mua xong mặc tình pha trộn, sau đó cho vào bao bì bán ở siêu thị với giá cao. Chính cách sản xuất, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” đã đánh mất vị thế gạo trong nước.

Giáo sư - tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Chúng ta sắp hội nhập AFTA và WTO, cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn và gạo thơm Ấn Độ, Thái Lan… sẽ vào Việt Nam. Nếu không sớm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu… để tăng sức cạnh tranh thì sẽ phải trả giá”. Nhiều mặt hàng khác như cá tra, cá ba sa, tôm, cá thác lác… cũng gặp tình cảnh tương tự.

  • Quy hoạch vùng và liên kết “4 nhà”

Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Trái cây Việt Nam và các ngành liên quan, thành lập Ban điều hành chương trình “Liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn Sông Tiền” (gọi tắt là GAP Sông Tiền) gồm các tỉnh có diện tích cây trái lớn như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Long An... Nhiệm vụ trước mắt của GAP Sông Tiền là tập trung củng cố các HTX trái cây, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn, biện pháp nâng cao chất lượng chế biến và bảo quản sau thu hoạch, hạ giá thành sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường xuất khẩu…

Theo Hiệp hội Trái cây VN, kim ngạch xuất khẩu trái cây VN đang giảm mạnh. Năm 2001, xuất khẩu trái cây đạt khoảng 330 triệu USD, đến năm 2004 chỉ còn hơn 178 triệu USD và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2005 này. Các nhà chuyên môn cho rằng cần nhanh chóng áp dụng mô hình liên kết sản xuất theo hình thức HTX nhằm đảm bảo chất lượng trái cây đồng đều, và số lượng ổn định, đồng thời có thương hiệu và được bảo quản tốt… Cần nhìn nhận rằng, lâu nay nơi nào có nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây thì ở đó vùng chuyên canh sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, thời gian qua vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ còn thấp, do đó nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trái cây ở ĐBSCL.

Theo dự kiến, đến năm 2010, diện tích rau quả 6 tỉnh, thành này đạt khoảng 283.790 ha, chiếm 20,7% diện tích rau quả cả nước, trong đó, tập trung vào 11 loại trái cây thế mạnh là vú sữa, thanh long, dứa, vải, đu đủ, dừa, sầu riêng, xoài, măng cụt, nhãn, cây có múi. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, sự ra đời tổ chức GAP Sông Tiền là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đưa trái cây Việt Nam đi xa.  

Tại Cần Thơ, bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho biết: “Từ năm 1995, chúng tôi đã có ý định xây dựng thương hiệu cho gạo Nàng thơm Sông Hậu, gạo Hoa sứ, gạo Hoa hồng… nhưng hệ thống phân phối lúc đó chưa chặt chẽ nên bỏ dở. Năm 2004, sau khi điều tra thị trường, thiết kế mẫu mã, bao bì, quảng cáo, tìm kênh phân phối, nông trường đã xây dựng được thương hiệu gạo Sohafarm”.

Xoay quanh việc xây dựng thương hiệu gạo đặc sản, các nhà chuyên môn khuyến cáo ĐBSCL nên có quy hoạch thống nhất,  theo đó, mỗi vùng chỉ nên trồng một giống đặc sản dựa trên thế mạnh từng nơi, phải thực hiện mô hình “4 nhà” từ khâu quy hoạch đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ… mới mong tạo hiệu quả. Điển hình như gạo Nàng thơm Chợ Đào chỉ phát triển ở vùng Cần Đước, không nên mở rộng diện tích tràn lan làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu đặc sản.

Trong lúc các ngành chức năng hối thúc chuyện thương hiệu thì nhà vườn chưa mấy mặn mà. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhiều chủ vườn tỏ ra ngao ngán: “Thủ tục rườm rà, chi phí tốn kém, mất thời gian nhưng trái cây ế vẫn ế!”. Lấy trường hợp sầu riêng Chín Hóa làm dẫn chứng. Sau khi nhân thành công giống sầu riêng quý, năm 2002, ông Nguyễn Văn Hóa vội vàng làm hồ sơ đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa. Tốn kém biết bao chi phí và mất gần cả năm mới được công nhận.

Thế nhưng, chẳng bao lâu, trên thị trường từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng thấy “sầu riêng Chín Hóa”, trong đó phần lớn là sầu riêng “dỏm”, không rõ nguồn gốc. Thì ra, thấy sầu riêng Chín Hóa được thị trường ưa chuộng nên ai cũng ùn ùn làm giả. Đồng cảnh ngộ là làng nem Lai Vung (Đồng Tháp). Lợi dụng tiếng tăm của nem Lai Vung, khắp ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác chỗ nào cũng có “nem Lai Vung”.

Rõ ràng, chuyện thương hiệu nông sản hàng hóa ở ĐBSCL đang còn rối bời. Chưa có thương hiệu sẽ thua sút mọi bề nhưng có thương hiệu rồi vẫn… lao đao. Liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp sẽ là điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho đặc sản vùng ĐBSCL.

HUỲNH PHƯỚC LỢI
 

Tin cùng chuyên mục