Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường năng lực dự báo lũ

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu những trận bão, lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2011, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực tiểu vùng sông Mekong nói chung đã phải hứng chịu những đợt lũ với mức độ cao lịch sử so với những năm qua, gây ra thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, công tác dự báo lũ ở khu vực này luôn được các cơ quan chức năng xem là công tác khẩn yếu và quan trọng hàng đầu.

Trước tình hình đó, nhằm thảo luận, tìm ra những giải pháp nâng cao năng lực dự báo, cũng như thống kê, báo cáo công tác chỉ đạo phòng chống lũ lụt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011, sáng ngày 16-12-2011, tại Trung tâm Khí tượng - thủy văn (KTTV) Nam bộ đã diễn ra hội thảo “Tăng cường công tác dự báo lũ Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo Trung tâm KTTV Trung ương, có nhiều công trình kiểm soát lũ đang trong giai đoạn xây dựng, tuy nhiên, ngay cả khi các công trình này đã hoàn chỉnh, để chủ động, phòng tránh và giảm thiểu tác động tiêu cực của lũ, lụt cũng cần có các thông tin dự báo lũ lụt sớm và chính xác hơn. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nâng cao năng lực của toàn hệ thống thực hiện nhiệm vụ dự báo, cảnh báo lũ, lụt một cách đồng bộ từ khâu đo đạc, thu nhập số liệu, thông tin truyền dẫn số liệu 2 chiều đến các khâu dự báo, ra các bản tin và truyền tin kịp thời đến các tổ chức và cộng đồng dân cư. Kinh nghiệm cho thấy, nếu dự báo KTTV tốt, có thể giảm 30% thiệt hại do bão lũ gây ra.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, năm 2011 là năm lũ lớn trên lưu vực sông Mekong, tình hình lũ có sự thay đổi so với các năm trước, đặc biệt là từ sau giai đoạn 2000 - 2002. Công tác dự báo lũ do đó cũng cần phải có sự chuyển biến thích hợp, cần phải có kế hoạch dự báo trong thời gian dài. Đài KTTV Nam bộ cho biết, trong đợt lũ năm nay, lượng mưa ở khu vực trung Lào, hạ Lào và Tây Nguyên đóng vai trò quyết định trong việc hình thành lũ cao ở thượng lưu, cho nên công tác dự báo lũ tại các khu vực này cần phải được lưu ý đặc biệt.

Ông Nguyễn Ngọc Anh (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho biết, khác với các năm trước, lũ năm 2011 lên nhanh, dẫn đến việc ứng phó không kịp tại một số địa phương. Đặc biệt, hiện tượng thủy triều và nước biển dâng khiến công tác dự báo lũ gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu lên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đối với công tác dự báo lũ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải có sự kết hợp với các kịch bản phòng chống biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển dâng lên thêm 1m, 11% dân số Việt Nam có thể bị mất nhà cửa và 1/3 diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập trong nước.

Trong báo cáo “Đánh giá tình hình lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của Viện Khoa học KTTV và môi trường, đến năm 2050, diện tích ngập lụt có thể lên tới 3.514.403ha, chiếm khoảng 89% diện tích toàn Đồng bằng sông Cửu Long (đất tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3.936.000ha), tăng khoảng 20% so với trận lũ lịch sử năm 2000. Mùa lũ sẽ đến sớm hơn và có thể kết thúc muộn hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lương thực, thủy sản và tác động xấu đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân trong khu vực.

Những đợt lũ năm 2011 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực này. Công tác dự báo cũng như chỉ đạo phòng chống lũ lụt do đó cần phải lồng ghép với tác động của biến đổi khí hậu.

HIẾU THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục