Đồng chí Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới

LTS:
Đồng chí Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới

LTS: Nhân kỷ niệm lần thứ 95 sinh nhật đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết gửi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Ngày 2-2-2012, chúng ta trân trọng chúc mừng sinh nhật lần thứ 95 của đồng chí Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước ta.

Bảy mươi ba tuổi Đảng, 76 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng(1). Trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí luôn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ với cuộc sống giản dị, chân tình, hết lòng vì nước vì dân.

Trưởng thành từ một công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại say mê tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cùng với sự mẫn cảm chính trị đã tạo cho đồng chí Đỗ Mười sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực với một tư duy sắc sảo, nhạy bén và khả năng hùng biện, cuốn hút mọi người cùng hành động. Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đương đầu với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước đã trui rèn đồng chí Đỗ Mười thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ của cách mạng Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn; trong nhiều vấn đề cụ thể còn là cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, khai thác mặt tích cực của thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại... Nhờ đó, nền kinh tế từng bước được tháo gỡ khó khăn, sản xuất và đời sống dần được cải thiện, nước ta đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34,7% năm 1989, 14% năm 1992 mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Hợp tác xã Cân Nhơn Hòa (Bình Thạnh) trong một chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Hợp tác xã Cân Nhơn Hòa (Bình Thạnh) trong một chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L.

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới mà tiền đề quan trọng nhất là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Thực hiện đường lối đó, nhiều chính sách mới đã được ban hành như chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh, chính sách đổi mới cơ chế quản lý xây dựng cơ bản, chính sách đầu tư nước ngoài, chính sách khoán 10 trong nông nghiệp... Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý, điều hành có hiệu quả của Nhà nước chỉ sau hơn 4 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta từ chỗ thiếu ăn triền miên, phải nhập khẩu gạo, đã vươn lên đủ ăn, có dự trữ và xuất khẩu, hàng hóa trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi; kinh tế đối ngoại phát triển nhanh… và đặc biệt là bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước(2), tạo tiền đề quan trọng để đổi mới sâu rộng và toàn diện hơn trong giai đoạn sau này.

Quán triệt đường lối của Đại hội Đảng VI, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu từ những ngày đầu đổi mới, đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mang tầm chiến lược trong phát triển đất nước. Với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc nghiên cứu, trình Đại hội Đảng VII thông qua 2 văn kiện lịch sử là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Các văn kiện này đã xác định hệ thống các quan điểm, chủ trương và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 1991, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. Đây là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm; mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta, lòng tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số dao động, hoài nghi về tiền đồ của chủ nghĩa xã hội(3). Chính tại thời khắc lịch sử này, bản lĩnh của người cộng sản được tôi luyện qua nhiều thử thách trong đấu tranh cách mạng ở đồng chí Đỗ Mười đã được phát huy cao độ.

Từ sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, với nhạy bén chính trị của mình, đồng chí cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo nghiên cứu, phân tích, làm rõ những sai lầm trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đi sâu chấn chỉnh nội bộ Đảng ta, không để Đảng ta lệch lạc về quan điểm, đường lối; lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, triển khai sâu rộng và hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ của VII của Đảng, tiếp tục tạo nên sức chiến đấu mới cho Đảng vượt qua những năm tháng cam go và giữ vững vai trò lãnh đạo. Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 18-6-1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: “Tất cả phải được tiến hành một cách đồng bộ, trong đó nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt”(4). Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Đỗ Mười đứng đầu đã triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng. Hội nghị là sự chuẩn bị chính trị tư tưởng cho Đảng và nhân dân ta kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện phe xã hội chủ nghĩa cùng phong trào cộng sản và công nhân thế giới ở vào giai đoạn thoái trào. Chính tại hội nghị này, Đảng ta xác định 4 nguy cơ đang đặt ra đối với Đảng ta, đất nước ta, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch(5). Để đối phó với những nguy cơ đó, hội nghị đã một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt(6). Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đồng chí Đỗ Mười trong vai trò Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đã chung sức đồng lòng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước đưa Cương lĩnh và Chiến lược vào cuộc sống, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới, tiếp tục tiến lên đổi mới và hội nhập.

Đồng chí Đỗ Mười đã luôn suy nghĩ, trăn trở về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về hội nhập kinh tế quốc tế và độc lập tự chủ, về tiến trình công nghiệp hóa và hướng đi lên của nông nghiệp nông thôn và nông dân nước ta. Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội VII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và Nghị quyết Trung ương 7 về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Đây là các nghị quyết quan trọng đặt nền móng để Trung ương các khóa sau tiếp tục hoàn thiện, nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế cơ bản nhất trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhìn lại, chúng ta càng thấy tính sáng suốt, đúng đắn trong các nghị quyết này, càng nhận thấy sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai năng động, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế... Các thành tựu ngoại giao thời kỳ này đã mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước, tạo tiền đề để nước ta chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dân chủ là bản chất tốt đẹp của chế độ ta, ở đồng chí Đỗ Mười dân chủ không chỉ là tác phong lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân mà còn là quan điểm cốt lõi của Đảng, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc phát triển đất nước. Đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất với Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, góp phần tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và trên phạm vi cả nước. Đồng chí Đỗ Mười cũng luôn quan tâm lãnh đạo việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân. Chính trong nhiệm kỳ đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với tình hình mới, đề cao nguyên tắc mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công ngàn việc, đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền. Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội ta.

Tinh thần cách mạng triệt để, phong cách làm việc cụ thể, sâu sát, nhiều khi trời chưa sáng hoặc đã đến tận khuya, đồng chí Đỗ Mười vẫn đánh thức cấp dưới dậy dặn dò, nhắc nhở việc này việc khác. Đồng chí cũng hay “truy hỏi” cấp dưới, làm một số người đối thoại mất tự tin. Đấy có thể là nhược điểm của đồng chí, nhưng sâu thẳm bên trong một con người luôn hành động quyết liệt là một tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương cấp dưới, yêu thương đồng chí, đồng bào, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho Đảng, cho đất nước. Nhiều người từng được làm việc, tiếp xúc với đồng chí Đỗ Mười, cũng có cảm nhận giống tôi. Không ít trong số họ đã được đồng chí Đỗ Mười phát hiện, bồi dưỡng đào tạo, trở thành những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị nước ta.

Đối với tôi, dù thời gian đi qua đã khá lâu, đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ từng cử chỉ, lời nói rất sâu sắc, thuyết phục và rất thân tình của đồng chí Đỗ Mười khi tôi phải vào bệnh viện để phẫu thuật và trước khi điều động tôi từ Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang ra nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Công an, hay khi giới thiệu tôi tham gia Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khi phân công tôi làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, kiêm nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tôi luôn chân thành biết ơn và thật sự khâm phục về tấm gương cách mạng trong sáng, về tình thương và trách nhiệm của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười.

 *
* *

Vẫn nguyên tính cách của người cộng sản kiên trung, một con người của hành động, luôn đau đáu nghĩ suy, lo toan những vấn đề đặt ra của đất nước, của Đảng, tuy đã nghỉ công tác nhưng đồng chí vẫn giữ giờ giấc như ngày còn đương chức, vẫn thức khuya dậy sớm, nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhà khoa học, bạn bè, đồng chí để tìm hiểu những vấn đề mới, luận bàn về công việc của đất nước, về xây dựng Đảng; tâm huyết đề xuất với Đảng và Nhà nước về nhiều công việc quan trọng, từ những tư duy chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại đến các biện pháp rất cụ thể để nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí chế tạo, bảo đảm đời sống của người nghèo, phòng tránh thiên tai, bão lũ... ở đồng chí Đỗ Mười - một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một nhân cách lớn, một tấm lòng nhân hậu của nhà lãnh đạo luôn hòa quyện với những suy nghĩ và mong ước đời thường của người dân.

Những ai đã từng gặp gỡ, từng chiến đấu, công tác và làm việc gần gũi với đồng chí Đỗ Mười, hẳn không thể quên những hình ảnh vô cùng thân thiết, dung dị, những kỷ niệm đẹp đẽ đầy tình đồng chí, tình người, những thái độ ân cần chỉ bảo, động viên, khuyến khích của đồng chí. Và, chắc hẳn cũng đồng cảm chia sẻ cảm xúc mộc mạc mà chân thành như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết:

“... Tôi nhìn bác, người anh, người đồng chí,
Hiền từ như đồng đất quê tôi.
Ấy trái tim không già, ấy trái tim trung thực,
Suốt một đời chỉ đập vì dân” (7).


(1). Đồng chí Đỗ Mười đã tham gia 7 khóa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 8 khóa là đại biểu Quốc hội, 33 năm là thành viên Chính phủ, 5 khóa tham gia Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn một khóa làm Tổng Bí thư của Đảng.

(2). Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.18.

(3). Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.109.

(4), (5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.52, tr.82; t.53, tr.198.

(6). Điều này được Đại hội Đảng lần thứ VII tiếp tục khẳng định thành một bài học quan trọng.

(7). Trích bài thơ Một trái tim không thể nào già của nhà thơ Phạm Tiến Duật kính tặng đồng chí Đỗ Mười.  

NGUYỄN TẤN DŨNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Tin cùng chuyên mục