Đồng chí Mai Chí Thọ với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có bài viết quan trọng về Đại tướng Mai Chí Thọ, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Mai Chí Thọ (bên phải) cùng các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh tiễn thanh niên thành phố lên đường xây dựng thủy điện Trị An. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Đồng chí Mai Chí Thọ (bên phải) cùng các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh tiễn thanh niên thành phố lên đường xây dựng thủy điện Trị An. Ảnh: ĐỨC THÀNH

LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15-7-1922 - 15-7-2022), ngày mai 12-7, Bộ Công an và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM” nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đồng chí Mai Chí Thọ trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp này, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có bài viết quan trọng về Đại tướng Mai Chí Thọ, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Đồng chí Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống (bí danh Năm Xuân) sinh ra ở Nam Định nhưng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đồng chí đã gắn bó máu thịt với Nam bộ. “Trong những năm tháng đầy gian khổ hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ luôn có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn, phức tạp nhất của chiến trường miền Nam” 1. Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà đồng chí gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu nặng của mình. 

Ngay trên đất Sài Gòn - trung tâm chính trị, quân sự của địch, đồng chí Mai Chí Thọ đã đóng góp xuất sắc trong việc tổ chức và chỉ đạo hệ thống tình báo từ buổi đầu chống Mỹ và góp phần mở đầu cho phong trào “Đồng khởi” của Nam bộ. 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Hiệp định Genève, rất nhiều cán bộ chúng ta tập kết ra Bắc. Đồng chí Mai Chí Thọ cũng nằm trong số đó, nhưng trên đường di chuyển từ miền Đông xuống miền Tây, đồng chí nhận thấy và khẳng định rằng “cuộc đấu tranh còn đang dang dở, phải có nhiều cán bộ đảng viên ở lại để tiếp tục sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” 2. Vì vậy, khi về tới miền Tây, đồng chí viết đơn gửi lên Xứ ủy xin được ở lại với lý do: “Tôi đã lăn lộn hầu như khắp địa bàn Nam bộ nên thông thạo địa lý, lại có vốn hiểu biết về quần chúng cũng như có nhiều mối quan hệ với các đồng chí ở địa phương” 3. Được Xứ ủy chấp thuận, đồng chí ở lại với chiến trường miền Nam, với Sài Gòn trong cuộc chiến sinh tử với những khó khăn chồng chất mà đồng chí hiểu quá rõ. 

Tháng 12-1954, hội nghị Xứ ủy được triệu tập để đánh giá tình hình và nhiệm vụ trong thời gian tới. Sau khi tham khảo ý kiến của Xứ ủy, Nha Tình báo Trung ương và Bộ Công an quyết định thành lập mạng lưới tình báo phía Nam với tên gọi Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy, chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Viên - Xứ ủy viên làm Trưởng ban, cùng với các đồng chí Cao Đăng Chiếm, Hoàng Minh Đạo, Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ làm Phó Trưởng ban và là Thường trực của Ban (sau khi đồng chí Nguyễn Văn Viên đột ngột từ trần, đồng chí Mai Chí Thọ được chỉ định làm Trưởng ban). 

Chủ trương của Xứ ủy lúc này là “dựa theo yếu tố pháp lý của Hiệp định Genève để đấu tranh chính trị, trong đó Sài Gòn được coi là trung tâm, Ban Nghiên cứu địch tình cùng các cơ quan Xứ ủy phải mau chóng chuyển về Sài Gòn bằng mọi cách” 4. Theo chủ trương đó, đồng chí chuyển về hoạt động ngay trong hang ổ của địch từ năm 1956; đứng chân ngay trên đất Sài Gòn, tổ chức mạng lưới tình báo ngay trong lòng địch ở cấp cao nhất; chỉ đạo các ban địch tình ở các địa phương khác; trực tiếp tuyển lựa cấp tốc và huấn luyện cán bộ điệp báo; xây dựng hệ thống liên lạc nội bộ và với cấp trên… Trong các hoạt động đó, đồng chí Mai Chí Thọ còn được phân công phụ trách trực tiếp hệ thống tình báo chính trị đi vào các đảng phái và ngụy quyền trung ương mật danh là OT với 6 lưới có tên từ OT3 đến OT8 5 . Về lực lượng, ngoài những anh em tình báo, quân báo, công an sẵn có, đồng chí còn tìm và phát hiện những cán bộ kháng chiến ở các cơ quan dân chính đảng có thân thế hoặc có quan hệ trong hàng ngũ địch để đề nghị Xứ ủy điều động bổ sung cho mạng lưới tình báo phía Nam. Hoạt động tình báo thời kỳ này không chỉ có giá trị trước mắt mà còn là cơ sở để hoạt động lâu dài, có ý nghĩa chiến lược trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hàng loạt cán bộ tình báo của ta lúc đó gài vào đã nắm giữ những vị trí then chốt trong hàng ngũ địch. 

Có thể nói, những hoạt động của Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy thời kỳ này, trong đó có đóng góp rất lớn của đồng chí Mai Chí Thọ, đã góp phần đặt nền móng cho công tác tình báo của chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  

Đồng chí Mai Chí Thọ có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Sài Gòn - Gia Định - một trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, quyết định thắng lợi hoàn toàn của chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam. 

Để tăng cường sức mạnh lãnh đạo cho cách mạng miền Nam mà đặc biệt là Khu Sài Gòn - Gia Định, Trung ương đã đưa đồng chí Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng vào miền Nam và cử đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng thời tập trung tăng cường cho Khu ủy một số cán bộ chủ chốt: đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Bí thư Khu ủy miền Tây Nam bộ làm Phó Bí thư; đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, là Ủy viên Thường vụ phụ trách Thường trực Khu ủy cùng nhiều đồng chí khác. 

Sau 4 năm giữ chức Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, đồng chí Mai Chí Thọ lại trở về Sài Gòn. Đồng chí đã dành hàng tháng trời cuối năm 1965 “đi một vòng đến các địa phương để nắm tình hình”. “Trong cuộc hành trình kéo dài này, chúng tôi phải đương đầu với nhiều nguy hiểm và gian khổ nhưng cũng nhờ vậy mà có được những cuộc gặp gỡ lý thú đầy ấn tượng và nhất là đã bổ sung rất nhiều cho vốn hiểu biết của tôi về Sài Gòn - Gia Định. Chính những hiểu biết này đã giúp chúng tôi không ít trong thời kỳ chống Mỹ và góp phần đáng kể vào việc quản lý, xây dựng thành phố sau ngày giải phóng” 6. Sau khi nghiên cứu, nắm tình hình, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Khu ủy tập trung xây dựng lực lượng chính trị, phát triển lực lượng vũ trang ở cả nội và ngoại thành, xây dựng các căn cứ ở ngoại thành và các căn cứ “lõm” ngay trong nội thành. Chính sự phát triển của các căn cứ, các lực lượng, nhất là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang rộng khắp, ta không những trụ vững ngay sát nách trung tâm Sài Gòn mà còn chủ động chiến đấu bẻ gãy những cuộc tiến công quy mô lớn của địch. Năm 1967, nhận thấy tình thế và thời cơ chiến lược đã xuất hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định “một đòn tiến công chiến lược đánh vào các thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn… lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn” 7.

Để chuẩn bị cho Mậu Thân, Trung ương Cục quyết định lập khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Gia Định và một số quận, huyện của các tỉnh lân cận như: Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An. Khu trọng điểm được bố trí thành 6 phân khu. Đồng chí Mai Chí Thọ được giao làm Bí thư Phân khu 1 hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn gồm Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, một phần Trảng Bàng (Tây Ninh) và các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương). Phân khu có ba nhiệm vụ lớn: nhanh chóng ổn định tổ chức phân khu mới; chuẩn bị chi tiết cho kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa; chuyển tải vũ khí và lương thực. 

Trung ương Cục còn lập hai bộ chỉ huy tiền phương trực thuộc Bộ Chỉ huy thống nhất do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh. Bộ Tư lệnh tiền phương 1 ở Sài Gòn do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh đảm nhiệm phụ trách các đơn vị chủ lực miền ở hướng Bắc, Tây Bắc và Đông thành phố (gồm các phân khu 1, 4, 5 và một phần phân khu 2). Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh tiền phương Bắc là chỉ huy các lực lượng vũ trang đánh vào các mục tiêu quân sự trọng yếu của Mỹ - ngụy như: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Khu liên hiệp hậu cần chiến lược Gò Vấp. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đã nổ ra khắp các thành phố lớn ở miền Nam, đặc biệt ở trung tâm đầu não của địch là Sài Gòn, đã gây bất ngờ lớn cho địch. Trong hồi ký của mình, Đồng chí Mai Chí Thọ nhận định: “Việc ta tổ chức đánh bất ngờ và đồng loạt hầu hết các đô thị ở miền Nam, vào trung tâm đầu não cao nhất tại Sài Gòn như Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống ngụy là đòn quyết định làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và phải thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam… Thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược này đã vượt rất xa tầm vóc một cuộc tập kích quân sự, dẫn đến bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam” 8

Sau Mậu Thân, tình hình chung ở miền Nam cũng như ở Sài Gòn - Gia Định hết sức khó khăn. Là Phó Bí thư (tháng 8-1968) rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (tháng 10-1973 đến tháng 8-1975), đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng tập thể Thành ủy tổ chức và lãnh đạo việc xây dựng lực lượng quần chúng, chuẩn bị chiến trường cho các hoạt động quân sự. Ngay trong thời kỳ đó, đồng chí và các đồng chí trong Thành ủy đã phải tổ chức di chuyển căn cứ về Mỹ Tho, từ Mỹ Tho qua Trà Vinh rồi từ đó quay về Bến Tre, sau này còn di chuyển lên biên giới Campuchia. Dù vậy, Thành ủy vẫn bám sát mọi diễn biến của Đảng bộ, kịp thời chỉ đạo mọi công tác. 

Đáng kể nhất phải nói đến Hội nghị Thành ủy tháng 3-1969 tại Bến Tre với Nghị quyết Bình Giã II. Nội dung nghị quyết mặc dù đề cập những nhiệm vụ của hè năm 1969, nhưng có thể nói rất toàn diện, có ý nghĩa lâu dài. Nội dung cơ bản là: về công tác đấu tranh chính trị khẩu hiệu trung tâm là đòi thay đổi chính phủ, đòi thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cải thiện dân sinh, dân chủ; về đấu tranh vũ trang, thực hiện đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn một cách cân đối, chú ý đẩy mạnh chiến tranh du kích và tự vệ vũ trang, đối tượng đánh là bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, cơ quan đầu não, căn cứ, kho tàng quan trọng của địch; lực lượng vũ trang phải phát triển sâu rộng; đẩy mạnh xây dựng các “lõm” chính trị trong thành phố, chú ý lực lượng chính trị và chất lượng lãnh đạo. Nhiều nội dung của hội nghị đã được triển khai và sau này các hội nghị Bình Giã tiếp theo của Thành ủy đã kiểm điểm việc thực hiện và bổ sung. Sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy đã từng bước đưa phong trào phát triển mạnh mẽ ở cả nội và ngoại thành. Các phong trào chính trị của quần chúng lại được cổ vũ bởi nhiều hoạt động vũ trang khắp Sài Gòn - Gia Định. Trong điều kiện đó, “Cơ quan Thành ủy tuy bị trôi dạt khỏi địa bàn của mình trong nhiều năm và bị địch truy kích liên tục, nhưng Đảng bộ và Thành ủy vẫn tồn tại và cơ sở cách mạng cũng dần dần được khôi phục, phong trào đấu tranh cách mạng vẫn được duy trì. Đây là giai đoạn lịch sử mà một lần nữa khí tiết cách mạng, lòng trung thành của những người cộng sản Sài Gòn - Gia Định đối với dân tộc và Tổ quốc càng ngời sáng” 9

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đứng đầu là Đồng chí Mai Chí Thọ, phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ngày càng phát triển, đều khắp cả nội đô và ngoại thành, đặc biệt là đã tạo nên một lực lượng chính trị hùng hậu, một lực lượng vũ trang tại chỗ rộng khắp, sẵn sàng phối hợp với lực lượng vũ trang tập trung khi thời cơ đến. Mùa Xuân năm 1975, sau thắng lợi của ta ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, với khí thế thần tốc, ta nhanh chóng đập tan những “lá chắn thép”, “cánh cửa thép” của địch ở Phan Rang, Xuân Lộc, việc Sài Gòn được giải phóng chỉ tính bằng ngày, bằng giờ. Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn ra sức chạy đua với thời gian để kịp phối hợp với lực lượng chủ lực. Ngày 12-4 -1975, Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị hướng dẫn các cấp bộ đảng “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng”. Thành ủy cũng phân công chỉ đạo các cánh A và B. Cánh A phụ trách địa bàn Bình Chánh, Nhà Bè và nội đô do đồng chí Mai Chí Thọ đảm nhiệm nhanh chóng bám sát Vườn Thơm. Cánh B phụ trách Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức và thị xã Gia Định do Đồng chí Nguyễn Thành Thơ - Phó Bí thư Thành ủy phụ trách, tiến xuống Nam Củ Chi, tạo bàn đạp để tiến vào thành phố. Về lực lượng vũ trang, Thành ủy chỉ đạo Thành đội rút một số đơn vị địa phương, du kích để thành lập thêm một trung đoàn lấy tên là Trung đoàn Đất Thép. Trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã có 2 trung đoàn, 5 tiểu đoàn tập trung, lực lượng này có nhiệm vụ cùng một số đơn vị của chủ lực miền đánh chiếm và giữ các cây cầu trọng yếu trên các quốc lộ. Lực lượng an ninh T4 có nhiệm vụ phối hợp đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, Nha Cảnh sát đô thành, các ty cảnh sát các quận. Các ban, ngành, đoàn thể, Thành đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận khẩn trương chuẩn bị cho khởi nghĩa với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”. Hầu hết, các quận, huyện đều thành lập ủy ban khởi nghĩa. 

Sự chuẩn bị chủ động và sáng tạo đó đã tạo nên một sự phối hợp hết sức ăn ý khi quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Sài Gòn giải phóng mà vẫn giữ được một thành phố hầu như còn nguyên vẹn là một kỳ tích của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Kỳ tích đó là thành quả của sức mạnh quần chúng nhân dân, của các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị được tổ chức, xây dựng rộng rãi và mạnh mẽ. Ở đây sáng rõ vai trò của Thành ủy đứng đầu là Đồng chí Mai Chí Thọ. 

Sau ngày giải phóng, với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, rồi Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố, Đồng chí Mai Chí Thọ đã có những cống hiến to lớn để nhanh chóng ổn định và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một thành phố còn hết sức phức tạp.   

Sau ngày 30-4-1975, bộ máy chiến tranh và kìm kẹp của địch bị sụp đổ và tan rã, nhưng với lực lượng bí mật còn gài lại cùng với bọn ngụy quân, ngụy quyền không chịu cải tạo, chúng ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Chỉ tính riêng mạng lưới bí mật của CIA và của chính quyền ngụy, bao gồm cả tình báo và cảnh sát đặc biệt có tới 7.000 tên, nhưng ra trình diện rất ít, chỉ có 3.161 tên (40%). Lúc này thành phố đã xuất hiện những tổ chức chính trị phản động xưng danh là “Mặt trận dân tộc nhân dân”, “Ủy ban dân tộc nhân bản”, “Mặt trận liên minh chống cộng”, “Mặt trận dân quân phục quốc”, “Lực lượng dân quân cứu nước”… Không chỉ chống phá về chính trị, chúng còn gia tăng các hoạt động phá hoại ta về kinh tế, thông qua kinh tế phá hoại uy tín của hệ thống chính trị cách mạng. Nhiều thế lực phản động đội lốt tôn giáo, đảng phái phản động cùng với lực lượng ngụy quân, ngụy quyền hợp sức lại ra sức chống phá ta. Tình hình đó diễn ra trong khi thành phố phải đối mặt nhiều vấn đề về xã hội, an ninh. 

Rõ ràng, mặt trận an ninh chính trị và an toàn xã hội đặt ra hết sức cấp thiết. Hội nghị Thành ủy tháng 6-1975 và sau đó là Hội nghị Thành ủy bất thường tháng 8-1975 đã nhận định cùng một lúc chúng ta phải giải quyết hàng loạt khó khăn, phức tạp, nhưng vấn đề trọng tâm vẫn là truy quét tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, ổn định an ninh trật tự. Với kinh nghiệm của một người dày dạn trong công tác an ninh, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng Ủy ban Quân quản, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội nhanh chóng thiết lập trật tự trên địa bàn toàn thành phố. Chỉ tính đến giữa năm 1981, “lực lượng an ninh thành phố đã khám phá hàng chục vụ án gián điệp, bắt 215 tên đầu sỏ CIA, tình báo Pháp, đặc vụ, gián điệp nước ngoài và hàng trăm tên tay sai của bọn tình báo gài lại. Đã khám phá 615 tổ chức nhen nhóm phản động, như “Mặt trận dân quân phục quốc”, “Mặt trận quốc gia giải phóng”…, bắt 5.450 đối tượng, thu 781 vũ khí và phương tiện khác. Trong đấu tranh chống tội phạm hình sự, Công an thành phố đã khám phá 50.723 vụ, bắt 66.695 tên, thu 1.000 khẩu súng các loại” 10

Trên cương vị Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, rồi Bí thư Thành ủy từ tháng 12-1976 đến tháng 11-1986, những năm cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đứng trước những khó khăn chồng chất về kinh tế - xã hội, Đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng các Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới kinh tế, tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ rào cản trong phát triển kinh tế ở thành phố. Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của thành phố trong giai đoạn phát triển không đơn giản và dễ dàng đó, đồng chí Mai Chí Thọ đã tỏ rõ bản lĩnh của một người cách mạng, luôn đi sát thực tế, hiểu dân, kịp thời nắm bắt những khó khăn và nhu cầu cuộc sống của nhân dân đặt ra; đồng chí có nhiều cống hiến trong công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng nông thôn, xuất nhập khẩu và tiểu thủ công nghiệp thành phố. Có thể nói những cách nghĩ, cách làm đúng đắn, sáng tạo của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết được những khó khăn, bức xúc của nhân dân, góp phần khôi phục và phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới cơ chế, chính sách bằng những việc làm cụ thể, có hiệu quả. Đại hội VI của Đảng đã chính thức khẳng định tư duy đổi mới. Đó thật sự là một cuộc cách mạng. Trong quá trình chuẩn bị cho đại hội và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI, thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là đầu tàu của cả nước, không chỉ trên phương diện hoạt động thực tiễn mà cả về phương diện lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới. 

Cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, khi còn giữ chức vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho, đồng chí đã gần dân và khi rời khỏi cương vị đó, đồng chí cho rằng càng có điều kiện để gần dân hơn, tập trung nhiều thời gian hơn cho việc giúp dân, những việc mà trước đây do bận công tác chưa kịp làm. Cũng vì lẽ đó, khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn tiếp tục dành hết trí tuệ, sức lực và tất cả tâm huyết cách mạng của mình tham gia nhiều ý kiến thiết thực, quý báu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: về xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cổ vũ và tích cực tham gia cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “khuyến học” và các hoạt động xã hội từ thiện; đồng chí đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của các gia đình có công với cách mạng, của đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, của các cháu gia đình nghèo hiếu học. Công việc mà nói, đồng chí vô cùng tâm đắc là công tác xóa đói giảm nghèo, đồng chí làm cố vấn cho Ban Xóa đói giảm nghèo, lặn lội xuống cơ sở, với dân vì “Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương đầy sức thuyết phục của Đảng, hoàn toàn phù hợp với lòng nhân ái và truyền thống đạo đức của nhân dân ta… Hiện nay đây là đòi hỏi cấp bách của nhân dân nghèo khổ và của những người cộng sản” 11

*

Suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, quyết liệt và với 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Mai Chí Thọ luôn có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn, phức tạp nhất của chiến trường miền Nam; dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí luôn là một đảng viên gương mẫu, ưu tú của Đảng, một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, giàu nghị lực, kiên cường, dũng cảm và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Đồng chí sống khiêm tốn, giản dị, chân tình, thương yêu đồng chí, đồng bào, gần gũi và có trách nhiệm với mọi người. Đồng chí thật sự là một cán bộ mẫu mực về “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kính trọng, tin yêu, quý mến.

Tưởng nhớ, biết ơn, học tập Đồng chí Mai Chí Thọ, các thế hệ ngày nay của thành phố quyết tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển của thành phố. Quyết tâm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là thành phố anh hùng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

------------------

1. Điếu văn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Mai Chí Thọ, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 5-6-2007.

2. Hồi ức Mai Chí Thọ -Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, 2001, tr. 29.

3. Hồi ức Mai Chí Thọ - Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, tr 29.  

4. Hồi ức Mai Chí Thọ - Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, tr 60.

5. Xem An ninh miền Nam thời kỳ chống Mỹ 1954 - 1975, Nxb Công an nhân dân 1995, trang 23.

6. Hồi ức Mai Chí Thọ - Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, tr. 133.

7. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 -1975, tập V, Nxb Chính trị quốc gia, H., …tr. 30.

8. Hồi ức Mai Chí Thọ - Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, tr. 177 - 178.

9. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 – 1975, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2015, tr. 815.

10. Công an Thành phố Hồ Chí Minh biên niên sự kiện lịch sử 1975 - 1985, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2003, tr. 178.

11. Hồi ức Mai Chí Thọ - Theo bước chân lịch sử, tập 2, Nxb Trẻ, tr. 6.

 Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục