Đóng cửa bến Bạch Đằng, doanh nghiệp gặp khó

Nhằm phục vụ việc quy hoạch chỉnh trang Công viên cảng du lịch Bạch Đằng, quận 1 (gọi tắt là bến Bạch Đằng), kể từ ngày 31-3, TPHCM đã chính thức đóng cửa bến cảng này. Theo ghi nhận, hiện nay chủ doanh nghiệp (DN) các tàu cánh ngầm, ca nô du lịch, tàu nhà hàng, du thuyền… đã chấp hành theo chủ trương di dời của TP. Tuy nhiên, sau khi TPHCM đóng cửa bến Bạch Đằng, hoạt động kinh doanh của các DN đã gặp không ít khó khăn.
Đóng cửa bến Bạch Đằng, doanh nghiệp gặp khó

“Năm doanh nghiệp”, vì doanh nghiệp chung tay gỡ khó

LTS: Chính phủ đã chọn năm 2015 là Năm vì doanh nghiệp, mọi nỗ lực đều tập trung cho việc thông thoáng chính sách, gỡ khó để doanh nghiệp phát triển; tạo lập niềm tin, yên tâm làm ăn, mở rộng đầu tư kinh doanh. Dù vậy, đây đó vẫn còn nhiều trở ngại, nhiều chính sách triển khai chưa sát với thực tế, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Từ số báo này, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở chuyên mục: “NĂM DOANH NGHIỆP”, VÌ DOANH NGHIỆP CHUNG TAY GỠ KHÓ - phản ánh tình hình khó khăn, nan giải của một số doanh nghiệp, và chúng tôi chờ đợi sự vào cuộc giải quyết, gỡ khó cho các đơn vị kinh doanh chân chính theo đúng tinh thần “Năm Doanh nghiệp 2015”.    

Nhằm phục vụ việc quy hoạch chỉnh trang Công viên cảng du lịch Bạch Đằng, quận 1 (gọi tắt là bến Bạch Đằng), kể từ ngày 31-3, TPHCM đã chính thức đóng cửa bến cảng này. Theo ghi nhận, hiện nay chủ doanh nghiệp (DN) các tàu cánh ngầm, ca nô du lịch, tàu nhà hàng, du thuyền… đã chấp hành theo chủ trương di dời của TP. Tuy nhiên, sau khi TPHCM đóng cửa bến Bạch Đằng, hoạt động kinh doanh của các DN đã gặp không ít khó khăn.

Kể từ ngày 31-3, bến Bạch Đằng đóng cửa phục vụ việc quy hoạch chỉnh trang.

Kinh doanh ngày càng teo tóp

Là một trong những DN chấp hành chủ trương di dời khỏi bến Bạch Đằng ngay từ đầu, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương cho biết: Sau khi TP có chủ trương đóng cửa bến Bạch Đằng để phục vụ việc quy hoạch chỉnh trang lại bến, ngay từ đầu năm 2015, chúng tôi đã tìm thuê bến bãi mới tại cảng Sài Gòn, quận 4 (cạnh cảng Nhà Rồng). Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng qua chỗ mới, hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn so với nơi cũ. Bởi cảng Sài Gòn vốn là cảng tàu biển nên chi phí thuê mặt bằng, bến đậu cao gấp 3 lần so với bến Bạch Đằng. Mặt khác, khi qua chỗ mới, lượng hành khách sụt giảm hơn, hiện nay đa số khách đến ăn uống chủ yếu là khách theo tour, chứ khách vãng lai hầu như không có do việc đi lại không thuận tiện.

Tương tự, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Vina Express, sau nhiều tháng khắc phục sự cố cháy tàu hồi đầu năm 2014, vừa chính thức đưa đội tàu vào hoạt động được vài tháng lại phải di dời bến bãi nên hoạt động kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Duy Việt, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Do chuyển qua chỗ mới hoạt động, hành khách chưa quen nên lượng khách giảm, dù quãng đường từ bến cũ đến bến mới chỉ 5 phút. Mặt khác, khi qua chỗ mới, chi phí thuê bến bãi cao hơn, trong khi hạ tầng tất cả là tạm bợ nên phần nào hạn chế lượng hành khách đi lại, nhất là khách quốc tế”.

Éo le hơn, với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Mỹ Cảnh (quận 4) cho đến nay vẫn chưa tìm được bến bãi mới. Ông Nguyễn Văn Thanh, Thuyền trưởng tàu Mỹ Cảnh bày tỏ: Khi TP có chủ trương đóng cửa bến Bạch Đằng, DN đã chủ động liên hệ và làm việc với các bến cảng gần đó để thuê vị trí hoạt động nhưng không còn. Trước hoàn cảnh khó khăn của DN, lực lượng CSGT đường thủy đã thông cảm bố trí thuyền của công ty đậu nhờ tại khu vực Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), nhưng đây cũng chỉ là chỗ đậu tạm chứ chưa được cấp phép và sắp tới chúng tôi phải tìm chỗ đậu mới để xin giấy phép neo đậu.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động

Theo các DN, việc TP có chủ trương quy hoạch chỉnh trang bến Bạch Đằng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với cách thực hiện như vừa qua đã gây ra khó khăn cho DN hoạt động tại bến, nên TP cần có sự hỗ trợ cho DN. Hiện nay, nhiều DN loay hoay tự tìm cách tồn tại, thiếu phương án hỗ trợ của chính quyền, nên hoạt động kinh doanh gặp khó, ảnh hưởng việc làm của hàng trăm nhân viên các công ty. “Nếu trước khi đóng cửa bến Bạch Đằng, TP có quy hoạch một bến cảng tạm trước để di dời toàn bộ hoạt động của các DN thì sẽ ổn hơn. Mặt khác, TP cần có sự tính toán làm sao ở cảng Sài Gòn có thể cắt một phần làm bến cảng đường thủy nội địa cho DN hoạt động sẽ tốt hơn, chứ như hiện nay giá thuê quá cao DN không trụ nổi. Về lâu dài, TP cần sớm cải tạo, quy hoạch xong bến Bạch Đằng và cho phép DN hoạt động trở lại để khai thác hiệu quả tuyến đường sông, cũng như thu hút khách du lịch đến TP do bến Bạch Đằng có vị trí đẹp và thuận lợi cho du khách tìm đến” - ông An Sơn Lâm kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - đại diện người lao động của tàu Mỹ Cảnh đề xuất: “Khi TP chỉnh trang, sửa chữa bến cũ cũng cần sắp xếp bến mới cho DN hoạt động; nếu không có bến mới thì thi công theo kiểu cuốn chiếu, chỗ nào làm thì cấm DN hoạt động, chỗ nào chưa làm tiếp tục cho DN hoạt động, đến lúc thi công thì cấm; chứ như hiện nay bến ngưng hoạt động nhưng khâu thi công vẫn chưa triển khai, trong khi DN chạy đôn chạy đáo không tìm ra chỗ thuê, gây thiệt hại lớn cho DN và ảnh hưởng đến việc làm người lao động…”. Ông Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Vina Express cho rằng: Đối với DN đã đầu tư bỏ vốn ra mua tàu hoạt động kinh doanh, Nhà nước cần xem xét có sự quy hoạch đầu tư hạ tầng bến bãi khang trang, để khai thác hiệu quả tuyến du lịch đường thủy của TPHCM”.

Chỉnh trang quy hoạch Công viên cảng Bạch Đằng

UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND quận 1 rà soát, báo cáo thực trạng hoạt động của các bến thủy nội địa tại khu vực cảng Bạch Đằng; đánh giá tác động ảnh hưởng của việc ngưng hoạt động của các bến thủy này đến hoạt động phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của TP, từ đó đề xuất cụ thể và trình UBND TP xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND quận 1 hoàn chỉnh quy hoạch chỉnh trang, mô hình khai thác sử dụng và quản lý của Công viên cảng Bạch Đằng; báo cáo Thường trực UBND TP trước ngày 5-5. Theo đó, Công viên cảng Bạch Đằng phải đáp ứng được nhu cầu du lịch trên sông, đồng thời là nơi thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí của người dân TP.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục