Đồng hành cùng lưu học sinh

Chiều 22-3, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với sinh viên Việt Nam đang học tập sinh sống tại nước ngoài với chủ đề “Sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài với Năm Thanh niên 2011”. Gần 300 câu hỏi của các sinh viên đang du học ở nhiều nước trên thế giới đã được gửi về với bộn bề mối quan tâm của những bạn trẻ xa quê.

Chiều 22-3, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với sinh viên Việt Nam đang học tập sinh sống tại nước ngoài với chủ đề “Sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài với Năm Thanh niên 2011”. Gần 300 câu hỏi của các sinh viên đang du học ở nhiều nước trên thế giới đã được gửi về với bộn bề mối quan tâm của những bạn trẻ xa quê.

  • Ưu tiên tuyển dụng lưu học sinh tốt nghiệp

Một trong những vấn đề được các lưu học sinh quan tâm nhiều nhất là tìm được một vị trí thích hợp sau khi về nước. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đơn vị này đang chịu trách nhiệm giới thiệu lưu học sinh đã tốt nghiệp là cán bộ các cơ quan, trở về cơ quan cũ công tác; đối với lưu học sinh trước khi đi học chưa có cơ quan công tác, giới thiệu về các trường ĐH mà lưu học sinh là sinh viên từ trường đó đi học nước ngoài để ưu tiên cho các trường tuyển dụng làm giảng viên.

Trường hợp các trường không có nguyện vọng tuyển dụng, cục giải quyết giới thiệu cho các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng gửi đến cục đề nghị giới thiệu lưu học sinh phù hợp hoặc căn cứ nguyện vọng của lưu học sinh để giới thiệu lưu học sinh xin việc tại các cơ quan khối Nhà nước.

Xu thế chung của nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp ở các nước có nền khoa học phát triển tiên tiến là không có dự định về Việt Nam hoặc có về cũng không về ngay. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ khẳng định đây là xu hướng có thật. Không riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng xảy ra hiện tượng này.

Ở Trung Quốc, họ quan niệm: 100 sinh viên đi học, dưới 10 người sau khi tốt nghiệp sẽ về nước. Số còn lại sẽ về nước khi họ đã trở thành những người tài năng. Ở Việt Nam, trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu là một minh chứng cho thực tế này. Hiện Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người tài.

Thực hiện quy định của Luật Cán bộ công chức, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng.

“Hy vọng rằng sau khi đề án này được thông qua, sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể cho việc tuyển dụng, trọng dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng, trong đó có các học sinh, sinh viên của chúng ta đang học tập ở nước ngoài. Chúng ta có khả năng thu hút, trọng dụng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng với người tài”, ông Minh khẳng định.

  • Hỗ trợ hết mình

Một trong những vấn đề nóng được du học sinh quan tâm nhiều nhất đó là tình hình của các lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, hiện hội đã liên hệ với thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản qua nhiều kênh khác nhau như Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các cơ quan truyền thông... Trung ương Đoàn cũng tổ chức quyên góp hơn 400 triệu đồng hỗ trợ nhân dân Nhật Bản. Hội Sinh viên Việt Nam quyên góp 50 triệu đồng giúp đỡ Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Số tiền này sẽ được chuyển đến trong thời gian sớm nhất.

Đối với các lưu học sinh đang học tại Nhật Bản theo diện học bổng Nhà nước, nếu phải về nước hoặc nghỉ học (do thảm họa động đất, sóng thần vừa xảy ra tại đây), ông Nguyễn Xuân Vang cho biết, Cục Đào tạo với nước ngoài sẽ báo cáo lãnh đạo bộ để xin chủ trương giải quyết khi có các đề nghị của lưu học sinh và văn bản đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trên cơ sở có chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước về chế độ, chính sách đối với công dân Việt Nam nói chung và lưu học sinh tại Nhật Bản nói riêng.

Cũng liên quan tới việc hỗ trợ lưu học sinh ở nước ngoài, ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy ngoài nước khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài trong đó có lưu học sinh, lao động và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Khi có những tình huống xấu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ban ngành sẽ chỉ đạo cơ quan đại diện của ta tại nước sở tại hỗ trợ lưu học sinh và công dân sớm ổn định cư trú và tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, học tập, sinh hoạt. Ở những vùng xảy ra tranh chấp hoặc chiến sự, có thể bằng các điều kiện tốt nhất, sớm đưa lưu học sinh, công dân Việt Nam ra khỏi khu vực chiến tranh và đưa họ trở về nước.

Buổi giao lưu kết thúc, nhiều vấn đề liên quan tới học sinh, sinh viên ở nước ngoài đã được trả lời giải quyết thấu đáo, song ai cũng mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những cầu nối như vậy để tạo thêm sự gắn kết giữa đông đảo sinh viên đang học tập ở nước ngoài với sinh viên trong nước. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục