Đồng hành cùng... mì gói

Đồng hành cùng... mì gói
  • Từ chuyện đời xưa…

Một cựu tuyển thủ bóng đá kể lại chuyện đi dự giải quốc tế. Chiếc xe đò chở đội bóng ì ạch chạy từ chiều đến tối, rồi từ tối đến trưa hôm sau mà chỉ đi được 1/2 chặng đường. Khi đến được điểm thi đấu, cả đội phủ đầy đất đỏ, bụi đường, nhiều người trong đội phải nhờ nhân viên khách sạn cõng vào trong vì hai chân tê cứng do ngồi bó gối quá lâu.

Ngày đó, làm gì có chuyện ăn cơm theo kiểu tự chọn (buffet). Mỗi khách sạn có 1 nhà hàng nhỏ, ai vào ăn xong thì tự móc tiền túi ra trả. Đó là những câu chuyện xưa có thật 100% trong lần đầu tiên bóng đá Việt Nam đoạt Huy chương vàng SEAP Games 1-1959.

  • … Đến đời nay

Đồng hành cùng... mì gói ảnh 1

Các tuyển thủ bóng đá nam tìm mua bánh kem để bổ sung năng lượng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cầu thủ bây giờ sướng hơn trước gấp trăm lần. Đi gần thì có xe máy lạnh đưa đón, đi xa thì có máy bay, ở thì có khách sạn cao cấp và ăn thì được đặt trước hẳn hoi. Song, không phải tất cả mọi thứ đều ổn. Cung ứng càng nhiều thì nhu cầu càng lớn. Cầu thủ bây giờ rất khó thích nghi với hoàn cảnh chung quanh, ăn không hợp khẩu vị là bỏ bữa. Một lần chúng tôi tháp tùng đội sang một nước Hồi giáo. Thức ăn ở đây được chế biến ngọt như chè, còn thịt thì chỉ độc một món gà. Thế là lần đó, anh em cầu thủ sau khi ăn qua loa vài thứ ở nhà hàng là lập tức lên phòng nấu mì gói ăn thêm, coi như bữa chính.

Cảnh người xuất ngoại vác theo thùng mì gói trước còn lạ, bây giờ là chuyện bình thường. Nếu đi ngắn ngày thì mì cất trong vali còn đi dài ngày thì mang luôn thùng mì gói, còn nguyên bao bì. Hôm đội tuyển U23 Việt Nam bước xuống sân bay Ninoy Aquino, thành phố Manila, cánh phóng viên còn “chộp” được tấm hình trợ lý huấn luyện viên Lê Thụy Hải khệ nệ ôm thùng mì bước xuống cầu thang máy bay, miệng cười rất tươi.

Còn nhớ, hồi SEA Games 20-1999, HLV trưởng Alfred Riedl có lần phàn nàn chuyện cầu thủ ăn mì gói vì ông cho rằng ăn như thế không đủ dinh dưỡng. Nói thì nói nhưng ông không thể cấm được vì nó đã trở thành thói quen, thành món ăn “chủ lực” của cầu thủ từ lâu rồi.

  • “Ăn không ngon miệng, đá sao nổi”

Đó là câu nói của một Việt kiều sống tại Chiangmai trong lần đội tuyển bóng đá Việt Nam dự SEA Games 18-1995. Thế là, họ đi tìm nơi ở của đội bóng rồi mời bằng được mọi người về ăn bữa cơm Việt Nam trên đất Thái. Lần SEA Games 17-1993 tại Singapore, hai vợ chồng anh Võ Tá Hân, chuyên gia kinh tế hàng đầu, đã mời đội tuyển quần vợt Việt Nam về nhà ăn cơm. Hàng ngày, chị còn tự tay nấu rồi cho vào hộp mang đến sân cho các tuyển thủ. Chị Hân nói: “Phải ăn mới có sức thi đấu”.

Lại nhớ chuyện một phóng viên đi nước nào cũng mang theo nồi cơm điện, 1 cái chảo nhỏ, 1 cái nồi con con… rồi hì hục nấu ăn ngay trong khách sạn. Đồng nghiệp cùng đi tha hồ thưởng thức món ăn Việt do anh nấu, còn anh em cầu thủ thì tối tối cứ đói bụng là gọi điện sang hỏi: “Còn gì ăn không anh?”.

  • Và chuyện đi lại

Hồi SEA Games 22 năm 2001, đường bay từ TPHCM qua Kuala Lumpur chỉ bằng từ TPHCM ra Hà Nội nhưng các đoàn thể thao của chúng ta được đặt vé thế nào không biết mà phải bay vòng qua Singapore transit mất mấy tiếng. Đội bóng đá nữ khi đến nơi thì đói lả, có cầu thủ mệt quá lăn đùng ra sàn nhà khi vừa đặt chân lên phòng nghỉ.

Hay như SEA Games lần này, đội bóng nam bay một mạch từ Hà Nội vào TPHCM, đi Manila rồi đổi chuyến bay đến Bacolod. Đến được nơi thì đã chiều tà. Thương nhất là chị em cầu thủ nữ. Họ không có chuyến bay sớm, phải vòng qua Hongkong, đến được Manila thì trời đã tối mịt.

Chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của vận động viên thể thao không được xem trọng vì những người có trách nhiệm ít chịu lưu tâm. Trong khi các đoàn khác có tiền trạm trước 1-2 ngày để sắp xếp mọi chuyện đâu vào đấy thì đoàn Việt Nam đông đến hàng trăm người nhưng mạnh ai nấy đi, đến nơi, khách sạn bất ngờ nâng giá, thiếu chút nữa phải ra ngủ ngoài đường. Điều đáng nói là, Việt Nam là một trong số ít đoàn có đông “cán bộ” tháp tùng theo nhất.  

AN LÊ

Tin cùng chuyên mục