Từ tháng 4-2016, TPHCM đồng loạt thanh tra, kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng.
Thành phố có khoảng trên 500 công trình xây dựng nhà cao tầng, sử dụng khoảng 200 cần trục tháp và gần 30.000 công trình xây dựng nhà dân. Bao nhiêu trong số đó sẽ được thanh tra, kiểm tra? Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết:
Hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay có quy mô phát triển rất nhanh. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có người chết ở lĩnh vực xây dựng cũng đang ở mức báo động, chiếm 50% - 65% tổng số vụ TNLĐ có người chết. Từ đầu năm 2016 đến nay, tại TPHCM, trong 19 vụ TNLĐ xảy ra thì có 17 vụ trong lĩnh vực này, chiếm gần 90%. Điều đó cho thấy TNLĐ trong các công trình xây dựng chưa được kiểm soát hiệu quả. Cần có “cú đấm mạnh” giải quyết trọng tâm, trọng điểm tình trạng nhức nhối này.
Vụ sập giàn giáo một công trình xây dựng ở quận 7 khiến 8 người chết và bị thương. Cảnh sát PCCC TPHCM cứu nạn cứu hộ 18 giờ liên tục mới tìm thấy hết các nạn nhân
- PHÓNG VIÊN: Một “cú đấm mạnh”, nghĩa là thành phố sẽ mạnh tay trong việc xử lý?
>> Ông HUỲNH TẤN DŨNG: “Cú đấm mạnh” không có nghĩa là chăm chăm xử lý các doanh nghiệp xây dựng, mà là một chiến dịch thay đổi nhận thức, hành vi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Từ tháng 4 đến tháng 10-2016, chúng tôi sẽ thực hiện 100 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng cao tầng; thực hiện 100 cuộc kiểm tra việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong sử dụng cần trục tháp. Trong khi đó, 24 quận, huyện đồng loạt tổng kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà ở của người dân do quận, huyện cấp phép. 12 nội dung trọng điểm được tập trung: Thời giờ làm việc; tiền lương; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức mặt bằng; sử dụng điện và các thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; phương tiện bảo vệ cá nhân; sử dụng xe, máy thi công xây dựng; sử dụng giàn giáo, giá đỡ; hàn; xây dựng nội quy và biện pháp làm việc đảm bảo an toàn; công tác hoàn thiện.
Chúng tôi xem xét để phát hiện sai sót, khuyến nghị biện pháp khắc phục; nếu có lỗi thì sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra ở các công trường xây dựng, sau đó mới tới các doanh nghiệp xây dựng. Xây dựng ở đâu, thanh tra ở đó. Một doanh nghiệp có thể có rất nhiều công trường, ở nhiều địa điểm khác nhau, nên cũng có thể bị xử phạt nhiều lần.
- Vì sao TNLĐ có người chết ở lĩnh vực xây dựng luôn cao hơn các ngành nghề khác? Cách giảm thiểu?
Đó là do các điều kiện đặc thù. Xây dựng là ngành nghề nguy hiểm, điều kiện thi công trên cao, tính chất ổn định lâu dài cũng không giống như các hoạt động sản xuất công nghiệp. Ở công trình, các hạng mục, các công việc luôn thay đổi theo thực tế thi công nên đòi hỏi phải thường xuyên được kiểm soát an toàn, chỉ cần không hài hòa trong phối hợp thì có thể xảy ra sự cố. 65% các vụ TNLĐ chết người trong xây dựng có nguyên nhân liên quan đến phương án, biện pháp kỹ thuật thi công công trình; 100% các vụ TNLĐ chết người trong xây dựng có nguyên nhân cho chất lượng thi công công trình không đảm bảo, dẫn đến sự cố công trình.
Người sử dụng lao động cần xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị đảm bảo an toàn lao động… Để giảm ngã cao, cần có rào chắn, lưới chống rơi, phương tiện bảo hộ đầy đủ. Người lao động cần chấp hành tốt nội quy, quy chuẩn an toàn lao động; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…
- Đã có bao nhiêu vụ TNLĐ bị xử lý hình sự? Có phải nhiều nhà thầu khi xảy ra TNLĐ thường thỏa thuận với nhau?
Trong năm 2015 đã có cả chục vụ TNLĐ phải xử lý hình sự. Việc nhà thầu tự thỏa thuận khi xảy ra tai nạn tất nhiên có, còn cái gì cơ quan nhà nước biết có nghĩa là trường hợp đó không thể che giấu được.
- Nhiều lao động trong ngành chỉ làm việc dưới 3 tháng, vậy đảm bảo an toàn lao động với công nhân thời vụ bằng cách nào?
Công nhân thay đổi thường xuyên, lương trả thông qua cai thầu, doanh nghiệp nhiều khi không nắm được họ tên, địa chỉ của công nhân. Mặt bằng trình độ tay nghề của công nhân còn thấp. Nâng cao nhận thức cho người lao động thời vụ cực kỳ khó, đòi hỏi trước hết chỉ huy trưởng công trường phải quan tâm, vì chính họ tuyển chọn công nhân và chính họ khẳng định thái độ làm việc của người lao động. Chỉ huy trưởng cần gương mẫu, không tạo thói quen xấu cho công nhân. Công nhân cần tuân thủ các quy định ở công trường đến mức nhuần nhuyễn như phản xạ, như thói quen. Còn cơ quan nhà nước cũng phải tăng cường kiểm tra từ đó giúp các đơn vị hình thành nề nếp quản lý tốt, xây dựng hành động chuẩn mực của người lao động.
- Kiểm tra việc an toàn lao động trong các công trình xây dựng nhà dân là yêu cầu mới, các quận, huyện đang lo… không làm xuể?
Quận, huyện thỉnh thoảng cũng có kiểm tra, nhưng do tính chất đặc thù - đòi hỏi chuyên môn sâu và tính chất phức tạp - nên chưa kiểm tra được nhiều công trình. Tai nạn ở công trường nổi lên nhóm tai nạn do điện không an toàn, do té cao, do vật rơi. Đây là 3 nhóm có rủi ro xảy ra thường xuyên, vì thế các quận, huyện cần quan tâm đến. Nếu giải quyết được 3 nhóm rủi ro này, thì có thể giảm được 70% sự cố TNLĐ trong xây dựng.
* Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐTB-XH TPHCM: Nguy hiểm từ cẩu tháp Nguy cơ đổ cẩu tháp hiện nay ở TPHCM rất lớn. Vì sao? Đầu tiên là việc sử dụng những cẩu tháp không an toàn, có nguồn gốc xuất xứ với giá thành rẻ là nguy cơ rất lớn. Vừa qua, cẩu tháp ở quận 12 đổ qua một bệnh viện là cẩu tháp có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được mua sau khi đã sử dụng với giá 800.000 đồng. Mối nguy cơ rất lớn thứ hai từ chính nhân viên lái cẩu tháp. Chúng tôi vừa kiểm tra 2 công trường, doanh nghiệp xây dựng chỉ đưa ra tên của… một người lái cẩu tháp. Một tên người nhưng xuất hiện ở 2 công trường là vì người này có chứng chỉ nghề, chứng chỉ an toàn; nhưng trên thực tế lại là người khác lái cẩu. Thứ ba, do tình hình kinh tế, hiện nay nhiều công trình ngưng thi công trong thời gian dài, để cẩu tháp chơ vơ mà không có quy trình bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định chất lượng. Cẩu tháp phơi nắng mưa, gỉ sét, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường và người ở xung quanh. Chúng tôi đề nghị, nhằm đảm bảo an toàn, những công trình đã ngưng thi công quá lâu, buộc phải tháo dỡ cẩu tháp. * Đại diện Công ty Đại Quang Minh: Lãng phí một khoản tiền lớn để… cưỡi ngựa xem hoa Chúng ta đang nhấn mạnh yêu cầu huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo Thông tư 27/2013 của Bộ LĐTB-XH, yêu cầu người có trình độ đại học trở lên mới được cấp giấy chứng nhận giảng viên huấn luyện. Hiện tại, rất nhiều đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện mọc ra nhưng giảng viên lại là những người… chưa từng làm ở công trình xây dựng, rồi chính họ lại đi huấn luyện cho công nhân xây dựng. Trong khi đó, bản thân chúng tôi làm xây dựng, là những người làm an toàn lao động nhiều năm ở công trình, là các an toàn viên, thì không được huấn luyện cho công nhân của mình. Lý do, những an toàn viên của chúng tôi không có bằng đại học nên không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận giảng viên. Trên thực tế, chúng tôi phải bỏ tiền ra mời đơn vị khác về huấn luyện. Các giảng viên chưa bao giờ làm công tác xây dựng nên kiến thức, kinh nghiệm không có; họ đến, họ chiếu lên những quy định cho công nhân nhìn, như cưỡi ngựa xem hoa. Sau đó, cấp cho cái giấy chứng nhận đã huấn luyện. Thực chất công nhân của chúng tôi không được huấn luyện cái chúng tôi mong muốn. Chúng tôi phải mời họ về huấn luyện để cho có, chỉ để lấy giấy tờ, hợp thức hồ sơ. Còn lại, chúng tôi phải tự huấn luyện cho công nhân của mình. Giới hạn đối tượng được phép huấn luyện như vậy rất bất cập, khiến doanh nghiệp lãng phí một khoản tiền tương đối lớn. * Ông PHẠM MINH MẪN, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú: Chuyên môn của quận không đủ Tháng 3-2016, quận Tân Phú có 183 công trình xây dựng. Nếu quận ra quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động thì thực sự mà nói, về chuyên môn cũng… không đủ. Nên trong đợt kiểm tra này, cần có sự tham gia, hỗ trợ của các sở, ngành, đặc biệt là Sở LĐTB-XH thì mới có kết quả. * Ông PHAN ĐĂNG THỌ, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTB-XH: Hành vi nào cũng xử lý thì phải… đóng cửa doanh nghiệp Khi thanh tra, chúng tôi luôn gửi đề cương cụ thể nội dung gì tới doanh nghiệp. Đó là các ý chính trong đợt kiểm tra, còn yêu cầu chung về an toàn vệ sinh lao động là phải thực hiện theo luật. Luật đã quy định rồi, doanh nghiệp kinh doanh thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải biết mà thực hiện, không thể lúc đoàn thanh tra tới, lại nói “không biết” được! Chúng tôi đi thanh kiểm tra, chủ yếu kiểm tra tình hình thực tế, phát hiện và hướng dẫn các biện pháp khắc phục. Còn việc xử lý thì sẽ cân nhắc, xem xét các hành vi, chứ không phải cứ vi phạm là xử lý. Nếu vi phạm nào cũng xử lý thì… có khi phải đóng cửa doanh nghiệp mất! Phải chọn thôi, cái nào đáng xử thì xử; cái nào cần thời gian thì dành thời gian cho doanh nghiệp khắc phục. |
ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)