Đồng lòng, dốc sức phòng chống dịch

Diễn biến của dịch Covid-19 đang rất phức tạp, nguy cơ vẫn rất lớn. Trong bối cảnh đó tiếp tục cần sự đồng lòng, dốc sức phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị và tất cả người dân.

Trong phát biểu mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Trong vòng 2 tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19; trong 2 tuần này, người dân TPHCM cần “sống khác đi”, thích nghi cao với tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, đồng thời chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ các giải pháp của chính quyền thành phố. Nhiệm vụ hiện nay là bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan để không đạt mức 1.000 người mắc Covid-19 trong vòng 10 ngày kể từ mốc có 100 người mắc - tức vào khoảng ngày 3-4-2020 và tốt nhất là kiểm soát ở mức dưới 500 người mắc.

Ngày 24-3, chính quyền TPHCM đã ra thông báo tạm dừng hoạt động đến hết tháng 3 đối với các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ 30 người trở lên, cơ sở làm đẹp, hớt tóc...  Yêu cầu giảm thiểu các hoạt động hội họp, hạn chế đến các nơi đông người, giảm đi lại, nếu có ra đường phải đeo khẩu trang… Những điều này có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhưng tất cả đều nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân.

Các giải pháp của chính quyền TPHCM được đông đảo người dân đồng tình, chia sẻ và ủng hộ. Hiện các cơ sở kinh doanh có đông người đã tự ngưng hoạt động; người dân giảm ra đường, chuyển sang giao dịch trực tuyến; một số cơ sở lưu trú, giải trí, trường học… chủ động đề xuất chuyển thành nơi cách ly tập trung với các trường hợp nghi ngờ. Đến lúc này, hầu như mọi người đều nhận thấy những điều Đảng và Nhà nước ta đã làm nhằm ứng phó với dịch trong những ngày qua mang tính nhân văn, có hiệu quả rõ rệt về thực tế.

Song cũng thấy, sự hiệu quả đó có được từ những nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành với tinh thần vì dân, vì nước, chấp nhận tiêu tốn ngân sách không nhỏ vì an toàn tính mạng người dân. Để đẩy lùi dịch bệnh, hơn lúc nào hết, mọi người cần đồng lòng, chia sẻ, tự giác thực hiện và hỗ trợ các giải pháp của các cơ quan chức năng. Đó là chấp hành một cách tự giác và tích cực các khuyến cáo, đề nghị, yêu cầu, mệnh lệnh, như thực hiện việc cách ly, khai báo y tế, trung thực khai báo quá trình di chuyển, tiếp xúc; hạn chế ra khỏi nhà, tụ tập đông người; nếu phải đi lại, đến chỗ đông người thì cần có biện pháp tự bảo vệ phù hợp; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rèn luyện sức khỏe, sử dụng thời gian nhàn rỗi vào những việc có ích, không tin theo các “lời khuyên” không có căn cứ khoa học… Tích cực ủng hộ các cuộc vận động của các ban ngành như đóng góp hỗ trợ lực lượng chức năng đang làm việc tại các bệnh viện, khu cách ly, nhắn tin ủng hộ qua số 1407... Bên cạnh đó, không thực hiện các hành vi gây khó khăn, cản trở hay tác động đến quá trình ứng phó dịch của các cơ quan chức năng như trốn cách ly, khai báo gian dối, thực hiện tiếp tế đồ dùng không cần thiết, trốn cách ly. Không tích trữ hay kêu gọi người thân tích trữ hàng hóa (kể cả các nhu yếu phẩm) bởi hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân luôn bảo đảm hàng hóa đủ dùng. Không đăng tải, chia sẻ, phát tán các thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận. Tích cực vận động người thân, người sống xung quanh đồng lòng thực hiện các giải pháp của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Sự đồng lòng, chung sức, đồng hành của mỗi người dân lúc này là tiếp thêm động lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hoạt động chống dịch. Thắng lợi của công cuộc chống dịch là bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân, chính vì vậy, người dân là chủ thể, động lực và là đối tượng chủ yếu của cuộc chiến chống dịch như chống giặc này.

TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục