Đồng lòng vượt “bão”

Đối với các doanh nghiệp, thị trường bình ổn là điều kiện lý tưởng để phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Đối với đa số người dân, giá cả ổn định là niềm mong ước cho một cuộc sống bình yên. Giá cả biến động không chỉ đảo lộn cuộc sống của mỗi gia đình mà còn làm điên đầu các nhà sản xuất kinh doanh. Mức độ biến động giá càng lớn - trở thành “bão” - thì ảnh hưởng của nó đến từng công xưởng của mỗi doanh nghiệp và nồi cơm của mỗi nhà càng dữ dội, làm chao đảo nền kinh tế, làm thay đổi nhiều mục tiêu, kế hoạch phát triển của thành phố hoặc cả nước. Ở TPHCM đã từng chứng kiến hậu quả của những cơn sốt giá vào những dịp lễ tết mà thời gian lâu sau mới có thể phục hồi.

Chính vì thế, gần chục năm nay, TPHCM đã rất cố gắng để có được một thị trường ít biến động và mặt bằng giá tương đối hợp lý, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển lành mạnh, xã hội bình an. Trong nỗ lực chung và với nhiều biện pháp, bình ổn giá là một chương trình lớn mà UBND TPHCM và các ban ngành đặc biệt coi trọng. Ban đầu thành phố chỉ tập trung để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, sau được mở rộng ra nhiều tháng, và đến 2010, thành phố muốn bình ổn giá quanh năm.

Mặc dù phạm vi bình ổn giá mới chỉ gói gọn trong 8 mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ), và cũng chỉ mới 14 doanh nghiệp chủ lực tham gia, chiếm lĩnh khoảng 1/5 lượng hàng trên thị trường toàn thành phố, nhưng đó là cố gắng rất lớn cho một mục tiêu mang nhiều ý nghĩa - một ý chí đáng ghi nhận. Để thực hiện mục tiêu ấy, các doanh nghiệp tham gia bình ổn phải có sự chuẩn bị rất kỹ nguồn hàng từ nhiều tháng, thậm chí cả năm trước. UBND TPHCM cũng phải dùng đến quỹ bình ổn giá hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong “chiến dịch” này. Thực tế, đã có một số mặt hàng có thể đủ cung cấp cho nhu cầu của thành phố theo giá bình ổn trong và sau Tết Tân Mão.
 
Song thực tế thật khó lường. Giá cả thế giới bỗng nhiên biến động, kéo theo giá đầu vào của nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên liệu, bị “đội” lên và lũy tiến. Doanh nghiệp điêu đứng, người dân khốn khó. Trong bối cảnh ấy, thành phố có bỏ thêm hàng ngàn tỷ đồng nữa cũng khó có thể bình ổn, bởi lẽ nhu cầu của xã hội đâu chỉ có 8 mặt hàng mà còn hàng trăm mặt hàng khác và 80% thị phần còn lại… Chương trình bình ổn giá vốn mang ý nghĩa rất tốt đẹp đang đứng trước thách thức dữ dội.
 
Kinh tế thị trường hoạt động theo quy luật riêng của nó, rất khô khan và lạnh lùng. Nhưng con người vẫn có thể “lách” qua để mang lại một kết cục tốt hơn cho doanh nghiệp và cộng đồng. Chẳng hạn, trong cơn “bão giá”, nếu các doanh nghiệp biết tính toán vì lợi ích chung của nền kinh tế, không “té nước theo mưa”, hạ giá thành, giảm bớt lợi nhuận… thì giá bán sẽ không tăng hoặc tăng ít. Nếu chỉ một số doanh nghiệp thực hiện không tăng giá thì tác động chưa lớn, nhưng đồng loạt tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện thì mặt bằng giá sẽ không nổi sóng. Chẳng khác nào hàng vạn người kết thành một bè vững chắc sẽ đứng vững trong bão tố vậy. Khi cơn “bão giá” đi qua, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại bình thường.

Hy vọng rằng trong lúc “hoạn nạn”, các doanh nghiệp hãy vì lợi ích chung, giảm bớt ham muốn lợi nhuận, giảm bớt chi phí, tăng thêm sáng kiến và đặc biệt là đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục